Việt Nam đang trong giai đoạn tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó vấn đề huy động được nguồn vốn trong nước và nguồn vốn viện trợ từ nước ngoài là khá quan trọng.
Đó là ý kiến của Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh tại Diễn đàn Hiệu quả viện trợ (AEF) lần thứ 5 tổ chức chiều nay 30/5, tại Hà Nội.
Phân công nhiệm vụ cho nhà tài trợ và doanh nghiệp
Dự kiến vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ giai đoạn 2011 – 2015 cam kết khoảng 32 – 34 tỷ USD, vốn giải ngân khoảng 14 – 16 tỷ USD (tương đương khoảng 6% tổng đầu tư xã hội), trong đó khoảng 50% vốn giải ngân từ các chương trình và dự án đã ký trong giai đoạn 2006 – 2010 chuyển sang.
Như vậy, bình quân hàng năm trong thời kỳ 2011 – 2015 vốn ODA và vốn vay ưu đãi giải ngân sẽ đạt khoảng 2,8 – 3,2 tỷ USD. Việc thực hiện cam kết và giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nêu trên có ý nghĩa quan trọng để hỗ trợ thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2015.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Bối cảnh quốc tế không thuận lợi đã khiến các nhà đã thay đổi các hình thức hợp tác, tăng giảm các khoản viện trợ cho Việt Nam.
Một thực tế hiện nay là các thông tin về nguồn vốn ODA còn hạn chế về lượng và khả năng đánh giá có tính định lượng mà theo ông Nguyễn Quang Vinh – Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VCCI) thì Chính phủ cần chỉ rõ xem tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân được tham gia trong các dự án ODA, hiệu quả viện trợ các dự án, tăng cường sự giám sát hiệu quả sử dụng vốn và trách nhiệm giải trình của các cơ quan chức năng liên quan đến việc thu hút và sử dụng vốn ODA. Đồng thời, cần có sự phân công lao động, vai trò rõ ràng hơn giữa các nhà tài trợ, để nâng cao hiệu quả viện trợ.
Theo đó, các DN sẽ cùng tham gia vào quá trình này. Thậm chí có dự án chỉ cần ODA vài ba năm đầu, sau đó các DN tăng cường năng lực của mình để tham gia tích cực dự án.
Để làm được điều này, việc nâng cao hiệu quả viện trợ cần phải có nỗ lực từ 2 phía, nước nhận viện trợ và chính các nhà tài trợ. Thực tế, thời gian qua, một số nước nhận viện trợ, bao gồm Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, phía các nhà tài trợ vẫn chưa tạo nhiều hơn “tính tự chủ” cho nước được tài trợ. Cụ thể, về vấn đề đấu thầu, thực tế trong nhiều dự án viện trợ, các DN Việt Nam ít khi được tham gia, do vướng mắc ngay từ điều kiện ban đầu của nhà tài trợ (phải yêu cầu các DN có kinh nghiệm làm các dự án lớn…). Theo ông Khang trong nhiều trường hợp các nhà tài trợ cũng không nên đặt quá nhiều điều kiện khiến các DN VN không thể tham gia được. Ông Hoàng Viết Khang, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Nỗ lực sử dụng hiệu quả nguồn vốn
Ông Franz Jessen, Đại sứ – Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh vào việc phát huy vai trò của khu vực tư nhân trong việc tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, phát triển quan hệ đối tác công – tư, tăng cường những cơ hội có giá trị một cách bình đẳng, tham gia nhiều hơn của các hiệp hội doanh nhân, các tổ chức, hiệp hội trong quá trình hoàn thiện pháp luật, thể chế…
Về phía mình, Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh cho biết Việt Nam đang trong giai đoạn tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó vấn đề huy động được nguồn vốn trong nước và nước ngoài khá quan trọng. Việt nam đang nỗ lực tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn vốn viện trợ từ nước ngoài, đẩy mạnh hiệu quả giải ngân. Đồng thời, cũng tham gia và tích cực thực hiện hiệu quả tuyên bố Busan. Tập trung định hướng kết quả hợp tác; quan hệ đối tác phát triển toàn diện, tăng cường tính minh bạch và giám sát; Nâng cao hiệu quả hợp tác Nam-Nam và hợp tác tam giác, sự tham gia của khu vực hợp tác tư nhân. Tuyên bố cũng chính thức công nhận sự chuyển đổi từ “hiệu quả viện trợ” sang “hiệu quả phát triển”.
Cụ thể hóa cam kết trên khi mà Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có mức thu nhập trung bình thấp, Chính phủ đã tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cụ thể Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 106/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và các khoản vốn vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011 – 2015”. Đồng thời, tích cực triển khai thực hiện sửa đổi, bổ sung Nghị định 131, tạo nên khung pháp lý đơn giản, bảo đảm công khai minh bạch, phát huy hiệu quả nguồn vốn viện trợ vào đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, ngoài việc hoàn thiện khung thể chế, đảm bảo tính nhất quan trong các văn bản pháp luật, việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi cần tính đến hiệu quả kinh tế xã hội cao nhất và tỷ lệ an toàn nợ công.
Theo eFinance
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông