Ông Bùi Văn Mai – Vụ trưởng Vụ Chế độ kế toán và kiểm toán Bộ Tài chính đã trả lời phỏng vấn với lời khẳng định “Đăng ký hành nghề kế toán không phải là giấy phép con”
Có ý kiến cho rằng, Thông tư 72/2007/TT – BTC ngày 27/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn về việc đăng ký và quản lý hành nghề kế toán (KT) đã “tái xuất một giấy phép con”. ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 55 của Luật KT thì “Tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật có quyền hành nghề KT”. Như vậy, ngoài các DN được cung cấp dịch vụ KT thì cá nhân có đủ điều kiện cũng được hành nghề KT. Đây là một quy định hoàn toàn mới so với trước khi có Luật KT. Trước thời điểm Thông tư 72 có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính mới chỉ hướng dẫn thực hiện việc đăng ký và quản lý danh sách các DN kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề trong các DN kiểm toán. Riêng các DN dịch vụ KT và cá nhân kinh doanh dịch vụ KT thì chưa có quy định phải đăng ký hoạt động với Bộ Tài chính mà chỉ cần có đăng ký kinh doanh là được phép hoạt động.
Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 46 NĐ số 129/2004/NĐ-CP quy định: “Bộ TC quy định cụ thể việc đăng ký và quản lý danh sách DN và cá nhân hành nghề KT”. Do vậy, việc ban hành Thông tư 72/2007/TT – BTC là dựa trên căn cứ pháp luật quy định tại khoản 2 Điều 46 NĐ 129 nói trên.
Tại điểm 1.2, Thông tư 72 quy định “DN dịch vụ KT, cá nhân kinh doanh dịch vụ KT sau khi đã đăng ký hành nghề KT và có giấy xác nhận của Hội Nghề nghiệp theo quy định tại điểm 1.1”. Quy định này nhằm giúp việc quản lý danh sách người hành nghề KT và DN dịch vụ KT được thống nhất theo yêu cầu của Chính phủ. Đây hoàn toàn không phải là một giấy phép con như có ý kiến đã nêu ra.
– Vậy ông giải thích thế nào về quy định khi đăng ký hành nghề KT phải có ít nhất hai người có Chứng chỉ hành nghề KT hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên từ 2 năm trở lên?
Về quy định DN dịch vụ KT phải có ít nhất 2 người có Chứng chỉ hành nghề KT hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ TC cấp, trong đó giám đốc DN phải là người có chứng chỉ hành nghề KT hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên từ 2 năm trở lên là không trái với Nghị định 129 và Luật DN 2005.
Theo khoản 1 Điều 41 NĐ 129 có quy định: “Để thành lập DN dịch vụ KT phải có ít nhất 2 người có Chứng chỉ hành nghề KT, trong đó có một trong những người quản lý DN dịch vụ KT phải có Chứng chỉ hành nghề KT…”. Quy định này của NĐ 129 phù hợp với Luật DN năm 1999 và NĐ 129 cũng không bắt buộc giám đốc DN dịch vụ KT phải có Chứng chỉ hành nghề KT.
Tuy nhiên, theo khoản 5 Điều 18 Luật DN 2005 thì hồ sơ thành lập DN kinh doanh có điều kiện bao giờ cũng phải có chứng chỉ hành nghề của GĐ (TGĐ). Kinh doanh dịch vụ KT là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và việc quy định tại TT 72 là thực hiện đúng tinh thần của Luật DN 2005. Mặt khác, tại tiết b khoản 1 Điều 15 NĐ 185/2004/ NĐ-CP ngày 4/11/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KT có quy định mức phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với trường hợp “Người đại diện theo pháp luật của DN kinh doanh dịch vụ KT không có chứng chỉ hành nghề KT”.
Do dịch vụ KT là dịch vụ có liên quan nhiều đến số liệu, thông tin tài chính của các tổ chức, DN. Những số liệu này được gửi tới các cơ quan và các đối tượng có lợi ích liên quan như các nhà đầu tư nên yêu cầu về độ tin cậy và minh bạch của thông tin là quan trọng và cần thiết. GĐ DN dịch vụ KT phải là người thông thạo các chính sách, chế độ liên quan đến tài chính, KT, thuế, phải có khả năng soát xét chất lượng dịch vụ do nhân viên thực hiện mới đảm bảo chất lượng dịch vụ KT cung cấp. Ngoài ra, do DN dịch vụ KT không chỉ cung cấp dịch vụ KT cho một loại ngành nghề nào mà cùng lúc có thể cung cấp dịch vụ KT cho nhiều loại hình DN khác… nên người soát xét cũng cần phải có kinh nghiệm hơn. Do vậy, quy định phải có 2 năm kinh nghiệm là điều kiện cần cho mỗi DN dịch vụ KT.
– Vậy việc Bộ TC uỷ quyền cho Hội nghề nghiệp thực hiện đăng ký và quản lý hành nghề đối với DN và cá nhân làm dịch vụ KT có trái luật, thưa ông?
Việc Bộ TC uỷ quyền cho Hội nghề nghiệp thực hiện việc đăng ký hành nghề đối với các DN và cá nhân làm dịch vụ KT theo Thông tư 72 và kiểm soát chất lượng dịch vụ KT, kiểm toán theo Quyết định 32/2007/ QĐ-BTC ngày 15/5/2007 không hề trái luật. Bởi theo Điều 44 NĐ 129 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân hành nghề KT: Tuân thủ sự quản lý nghề nghiệp và kiểm soát chất lượng dịch vụ KT của Bộ TC hoặc của tổ chức nghề nghiệp KT được Bộ TC uỷ quyền. Mặt khác, việc kiểm soát chất lượng của Hội nghề nghiệp không phải thanh tra, kiểm tra như cơ quan nhà nước mà chỉ kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ theo quy chế đã được công bố công khai (quy chế ban hành kèm Quyết định 32/2007/QĐ – BTC ngày 15/5/2007). Việc chuyển giao này là một xu thế tất yếu nhằm nâng cao chất lượng của các dịch vụ KT, kiểm toán.
Xin cảm ơn ông!
Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông