Kiến thức Tài chính kế toán Hội nhập quốc tế cơ hội cho kế toán kiểm toán Việt...

Hội nhập quốc tế cơ hội cho kế toán kiểm toán Việt Nam

2490
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamCùng với sự đổi mới kinh tế, hoạt động kế toán, kiểm toán của Việt Nam ngày càng được đổi mới, tiếp cận và hoà nhập với các nguyên tắc, thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Mở cửa hoàn toàn thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán

Trước yêu cầu của nền kinh tế chuyển đổi và trong tiến trình hội nhập quốc tế, hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán Việt Nam được xây dựng và phát triển cùng với việc tiếp tục tạo lập hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý, tăng cường hoạt động các tổ chức nghề nghiệp. Một mặt, Việt Nam phải tiếp tục phát triển về số lượng, quy mô các tổ chức dịch vụ, phát triển loại hình dịch vụ và phạm vi cung cấp, đồng thời phải tăng cường, thúc đẩy chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động, tăng cường quản lý nhằm phát triển các hoạt động kế toán, kiểm toán, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng và ổn định kinh tế. Mặt khác, phải đồng thời chú trọng phát triển các hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán theo xu hướng phát triển của các nước trong khu vực và quốc tế, tạo dựng và mở rộng giao lưu nghề nghiệp. Sự phát triển cả về số lượng, chất lượng, nâng cao năng lực nghề nghiệp sẽ từng bước khẳng định vị trí hoạt động nghề nghiệp kế toán, kiểm toán Việt Nam trong khu vực và quốc tế thông qua hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp kế toán (hội kế toán, kiểm toán), tổ chức tư vấn nghề nghiệp.
Trong những cam kết ASEAN về dịch vụ hỗ trợ kinh doanh (phân nghành dịch vụ, kế toán, kiểm toán và tư vấn thuế), thời gian đầu, Việt Nam chỉ cho phép 06 công ty dịch vụ kế toán, kiểm toán nước ngoài hiện đang hoạt động tại Việt Nam cung cấp dịch vụ, không cho phép thành lập thêm công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Các công ty kiểm toán 100% vốn nước ngoài trước hết chỉ được phép cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và dự án do nước ngoài tài trợ vốn. Các cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán hoặc tư vấn tài chính phải đăng ký hành nghề tại một tổ chức kế toán, kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, có chứng chỉ CPA hoặc kiểm toán viên cấp quốc gia được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận và đăng ký trong danh sách kiểm toán viên theo quy định của Bộ Tài chính.
Còn theo cam kết trong Hiệp định thương mại Việt – Mỹ được ký kết năm 2000 và chính thức có hiệu lực vào tháng 12/2001, Việt Nam đã mở cửa thị trường kế toán- kiểm toán cho liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài của Mỹ sau 03 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; bỏ giới hạn phạm vi hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau 03 năm tiếp theo kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Sau 02 năm, các công ty Hoa Kỳ sẽ được phép kinh doanh trong các lĩnh vực bình đẳng như các doanh nghiệp kế toán- kiểm toán trong nước.
Việt Nam đã trải qua quá trình đàm phán lâu dài và chính thức trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO) vào đầu năm 2007. Việt Nam đã cam kết không hạn chế, không ngoại trừ về dịch vụ kế toán – kiểm toán. Để được thành lập, hiện diện thương mại của doanh nghiệp nước ngoài, phải có ít nhất 05 ngời có chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính Việt Nam cấp và đã hành nghề ở Việt Nam trên một năm, không hạn chế đối xử quốc gia.
Trong vòng một năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, các công ty cung cấp dịch vụ có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các dự án có sự tài trợ của nước ngoài tại Việt Nam.

Hệ thống kế toán Việt Nam cơ bản đã theo nguyên tắc và chuẩn mực kế toán quốc tế

Hệ thống kế toán Việt Nam đã và đang cải cách một cách căn bản, toàn diện và được xây dựng trên một cơ sở tiếp cận và hoà nhập có chọn lọc với những nguyên tắc, thông lệ phổ biến của quốc tế về kế toán. Hệ thống kế toán doanh nghiệp, kế toán hành chính sự nghiệp ban hành năm 2006 đã chọn lọc, thể hiện khá cơ bản những nguyên tắc và chuẩn mực kế toán phổ biến của quốc tế phù hợp với đặc điểm và trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam.
Cùng với quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý và ban hành cac shệ thống kế toán và kiểm toán, Câu lạc bộ Kế toán trưởng và sau đó là Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam được thành lập với tính chất là tổ chức nghề nghiệp, đảm nhiệm vai trò giao lưu, phổ biến, thông tin và nâng cao năng lực chuyên môn cho gần 8000 hội viên là cán bộ kế toán và kiểm toán trong nước.
Được sự trợ giúp của Liên minh Châu Âu và một số tổ chức quốc tế, Việt Nam đang tiếp tục phát triển hệ thống kế toán, kiểm toán với mục tiêu: thiết lập và phát triển hệ thống kế toán, kiểm toán của Việt Nam trong một khuôn khổ pháp lý và trình độ nghiệp vụ chuyên môn đạt được phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước, tiếp cận và hoà nhập với các nước trên thế giới và trong khu vực, từng bước tạo cơ sở pháp lý cho việc công nhận của quốc tế đối với hệ thống kế toán Việt Nam.
Từ năm 1996 đến nay, Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu và phổ biến rộng rãi các chuẩn mực quốc tế về kế toán (IAS), chuẩn mực quốc tế về kiểm toán (ISA), lựa chọn các chuẩn mực có khả năng áp dụng tại Việt Nam và xúc tiến việc soạn thảo và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). Đến nay, Việt Nam đã công bố 5 đợt với 26 chuẩn mực kế toán.
Từ năm 1998, đã tiến hành nghiên cứu các chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Tổ chức biên dịch, soạn thảo, lựa chọn các chuẩn mực phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam, công bố, ban hành các chuẩn mực kiểm toán Nhà nước và chuẩn mực kiểm toán độc lập.

Hợp tác sâu rộng với các tổ chức nghề nghiệp quốc tế

Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 130 của Liên đoàn quốc tế (IFAC), là một tổ chức có quy mô toàn càu của các tổ chức quốc gia về kế toán. Tổ chức này có vai trò rất quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán của các nước trong việc duy trì và phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trên toàn thế giới. Việt Nam cũng đã trở thành thành viên thứ 7 của Liên đoàn kế toán các nước ASEAN (AFA). AFA là tổ chức nghề nghiệp của các nhà kế toán, kiểm toán các nước Đông Nam Á, thành lập tháng 3 năm 1997 với mục tiêu: thúc đẩy phát triển nghề nghiệp kế toán – kiểm toán, góp phần tạo lập và duy trì môi trường kinh doanh lành mạnh; thiết lập quan hệ hợp tác đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các tổ chức th ành viên và giữa những người làm kế toán, kiểm toán trong khu vực; tạo lập diễn đàn trao đổi thông tin, bày tỏ quan điểm và chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp, phát triển tổ chức Hội, xác lập vị thế nghề kế toán, kiểm toán các nước ASEAN trên thế giới.
Liên đoàn Kế toán các nước ASEAN có 10 thành viên chính thức và 03 thành viên liên kết. Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam tham gia nhiều hoạt động của Liên đoàn, các kỳ họp Ban chấp hành Liên đoàn để trao đổi về khả năng hợp tác, phát triển nghề nghiệp, khả năng hợp tác đào tạo, huấn luyện và công nhận lẫn nhau về chững chỉ hành nghề giữa các tổ chức thành viên, chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi thông tin về tình hình hoạt động nghề nghiệp ở mỗi quốc gia. Đã tổ chức các cuộc hội thảo theo chuyên đề, một số buổi thuyết trình trong khu vực hoặc nhóm nước. Nhiều chuyên đề đã được trao đổi như: khả năng và yêu cầu áp dụng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong khu vực, luân chuyển kiểm toán tại các công ty chứng khoán, cách làm và bước đi để công nhận chứng chỉ hành nghề giữa các nước, kinh nghiệm soạn thảo chuẩn mực kế toán, kiểm toán ở các nước thành viên; vai trò của các tổ chức nghề nghiệp.
Việt Nam đã thực hiện xuất sắc vai trò Chủ tịch luân phiên của Liên đoàn trong nhiệm kỳ 2004-2005. Uy tín nghề nghiệp của Việt Nam đã được xác lập và ngày càng được nâng cao trong khu vực. Các nước trong khu vực và thế giới đã biết và hiểu rõ hơn về kế toán và kiểm toán Việt Nam. Ngược lại, cũng là cơ hội đề nghề nghiệp kế toán Việt Nam đi ra thế giới và hoà đồng cùng nghề nghiệp các nước. Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) mới thành lập gần 03 năm, đã có nhiều hoạt động nghề nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế, đã thực hiện nhiều hoạt động hợp tác quốc tế để góp phần gia tăng giá trị hội viên và nghề nghiệp kế toán, kiểm toán ở Việt Nam.

Dịch vụ kế toán, kiểm toán phát triển nhanh chóng về quy mô, chất lượng

Năm 1991, Bộ Tài chính thành lập hai công ty kiểm toán đầu tiên là doanh nghiệp Nhà nước là công ty kiểm toán Việt Nam (VACO) và công ty dịch vụ kế toán và kiểm toán Việt Nam (AASC) với số lượng nhân viên lúc đầu là 13 người. Cuối năm 1998, Việt Nam đã có 17 công ty kiểm toán độc lập, trong đó 06 công ty kiểm toán Nhà nước, 06 công ty kiểm toán tư nhân, 04 công ty 100% vốn nước ngoài và 01 công ty liên doanh. Các công ty đã xây dựng được mạng lưới chi nhánh tại hầu hết các thành phố và các tỉnh trọng điểm trên cả nước. Từ năm 200, hoạt động dịch vụ kế toán, kiểm toán tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là từ khi Việt Nam thực hiện các cam kết mở cửa thị trường dịch vụ theo lộ trình thoả thuận trong các Hiệp định song phương và đa phương, khi hành nghề kế toán và kiểm toán đã được luật pháp Việt Nam thừa nhận bằng việc Nhà nước ban hành Luật Kế toán (2003) và Nghị định của Chính phủ về kiểm toán độc lập. Đến nay, ở Việt Nam đã có 146 công ty kiểm toán độc lập hoạt động dưới các hình thức công ty TNHH, công ty tư nhân, công ty liên doanh và công ty hợp danh.
Có thể nói, hoạt động kế toán- kiểm toán Việt Nam đã không ngừng được cải thiện, về chất lượng dịch vụ và đã khẳng định được vị trí trong nền kinh tế quốc gia. Ngoài hoạt động chính là kiểm toán, các công ty kiểm toán còn đóng góp quan trọng trong việc trợ giúp, tư vấn cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về luật pháp, chế độ, thể chế tài chính, kế toán của Nhà nước cũng như việc lập, ghi sổ kế toán, tính thuế, lập BCTC. Đồng thời, đã thể hiện rõ vai trò quan trọng của các hoạt động kế toán, kiểm toán trong việc cung cấp thông tin tin cậy cho quá trình ra quyết định của các nhà quản lý, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các quy định về pháp lý cho hoạt động kế toán, kiểm toán đã được ban hành như : Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Kế toán, Luật Thống kê, các Nghị định của Chính phủ về quy chế kiểm toán độc lập trong nền kinh tế quốc dân, thông tư và quyết định về tổ chức thi tuyển cấp bằng kiểm toán viên, quy định về đăng ký hành nghề kiểm toán. Môi trường pháp lý về kế toán và kiểm toán đã được hoàn thiện, tạo điều kiện cho dịch vụ kế toán, kiểm toán phát triển có hiệu quả tại Việt Nam./.

Theo Tạp chí kế toán

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không