Cụ thể, vào tháng 7/2016 một khảo sát gần 5.500 người lao động về thời gian làm việc hàng ngày, sự can thiệp của công việc vào đời sống cá nhân, khối lượng công việc cũng như những chính sách mà người lao động đang nhận được để đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Thêm giờ làm, nhưng không lương
Dù nhiều người lao động chọn việc làm thêm giờ để cải thiện thu nhập, nhưng có đến 47% không được trả lương ngoài giờ kể cả khi họ làm những công việc mà sếp yêu cầu.
Chỉ 30% người lao động cho biết công ty luôn trả lương khi yêu cầu làm thêm ngoài giờ, 22% cho biết chỉ được trả lương ngoài giờ khi sếp có yêu cầu hoàn thành công việc.
Hiện nay, có gần 50% người lao động chấp nhận làm thêm giờ để tăng thu nhập nhưng trong đó, có đến 65% nhận mức chi trả ngoài giờ dưới 1 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy việc làm thêm giờ thật sự chưa giải quyết vấn đề thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, vẫn có gần 50% người lao động chấp nhận làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập của bản thân, 24% chọn làm thêm giờ để có cơ hội thăng tiến trong tương lai.
Trong số những người tham gia khảo sát, khi nói về việc làm thêm giờ, chỉ 20% người lao động cho biết họ tự nguyện để nâng cao trình độ, còn lại là do quá tải (32,7%), để kiếm thêm thu nhập (26%) hoặc theo yêu cầu của sếp (20,5%).
Ngoài ra, 57% người lao động cho biết họ không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Con số này chỉ khoảng 51% ở cấp độ quản lý.
Việc không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống được phản ánh qua thời gian người lao động dành cho bản thân, gia đình và bạn bè.
Cụ thể, có đến 33% người lao động cho biết họ chỉ có thời gian dành cho gia đình, bạn bè và bản thân vào thời điểm cuối tuần, 29% dành dưới 3 giờ mỗi ngày cho các hoạt động, sở thích cá nhân và có đến 11% bị công việc chiếm hoàn toàn thời gian trong ngày.
Ngoài ra, có đến 43% người lao động cho biết họ vẫn phải làm việc trong các kỳ nghỉ lễ, nghỉ phép. Điều này dẫn đến việc có trên 60% người lao động cảm thấy áp lực nặng nề khi phải làm việc ngoài giờ.
Cần rõ ràng trong việc hỗ trợ lao động khi làm ngoài giờ
Theo các chia sẻ của doanh nghiệp, tỷ lệ nhảy việc cao, khó thu hút ứng viên tài năng là các vấn đề mà họ đang phải đối mặt. Những khảo sát trong thời gian gần đây cũng cho thấy một số lượng lớn người lao động đang không hài lòng với công việc hiện tại và sẵn sàng chuyển việc khi tìm được cơ hội tốt hơn.
Một trong những lý do khiến doanh nghiệp khó giữ chân lao động chủ yếu là do thiếu các chính sách hỗ trợ nhân viên, giúp họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Cụ thể, chỉ 12% người lao động cho biết văn hóa của công ty khuyến khích họ cân bằng giữa công việc và cuộc sống, 24% cho rằng công ty có chính sách nhưng chưa thực hiện tốt và có đến 59% nhận định công ty chỉ chú trọng đến kết quả công việc và không có chính sách hỗ trợ nhân viên.
Nhằm đảm bảo cho người lao động cống hiến hết mình cho công việc, doanh nghiệp cần có những chính sách riêng dành cho từng đối tượng lao động, đảm bảo những phúc lợi khác khi làm việc ngoài giờ (nghỉ bù, cơ hội thăng tiến, lương ngoài giờ v.v.), thời gian và địa điểm làm việc linh hoạt… Với mặt bằng thu nhập chung còn thấp so với khu vực và tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam, việc cân bằng giữa quyền lợi doanh nghiệp và người lao động vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.
Do đó, các ‘yếu tố mềm’ như đảm bảo con đường sự nghiệp cũng như sự quan tâm đến đời sống tinh thần cho người lao động sẽ là yếu tố giúp doanh nghiệp thu hút và giữ nhân tài, xây dựng một môi trường làm việc minh bạch, văn minh.
Theo Zing