Ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác sản xuất và phân phối đặt lại vấn đề rằng, cụm từ có vẻ đơn giản này đang làm khó cho các doanh nghiệp, chỉ bởi chưa có một khái niệm thống nhất để đảm bảo việc thực thi các quy định pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tuân thủ đúng nguyên tắc nhất quán.
“Hiện tại, trong nhiều quy định pháp luật của Việt Nam, không có quy định về khái niệm này, vì vậy, cơ quan quản lý khác nhau có thể diễn giải khái niệm này theo hướng tùy nghi. Thậm chí, cũng đã có quan điểm rằng, doanh nghiệp chỉ cần có 1% vốn đầu tư nước ngoài cũng coi là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chịu điều chỉnh của mọi quy định hạn chế về chế độ đối xử quốc gia và tiếp cận thị trường mà Việt Nam đã thoả thuận trong các cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…”, ông Fred Burke phân tích.
Ví dụ, trong Luật Đất đai, khái niệm “nhà đầu tư nước ngoài” được diễn giải một cách không chính thức “là các doanh nghiệp có vốn nước ngoài”. Tuy nhiên, cùng khái niệm này, theo Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn, “nhà đầu tư nước ngoài” có nghĩa là “các cá nhân hoặc tổ chức nước ngoài hoặc doanh nghiệp có vốn nước ngoài chiếm từ 49% trở lên”.
Đương nhiên, hệ luỵ của tình trạng này là có thể cùng một vấn đề song cách ứng xử ở các cơ quan, các địa phương khác nhau sẽ rất khác nhau. Như vậy, hình ảnh về môi trường kinh doanh của Việt Nam bị phản ánh một cách méo mó trong con mắt các nhà đầu tư. “Hiện đang có kiến nghị xác định nếu doanh nghiệp có 10% vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, tỷ lệ này chưa thuyết phục, rất có thể sẽ làm khó cho nhiều doanh nghiệp đang hoạt động”, ông Fred Burke đặt vấn đề.
Không những thế, cũng trong VBF, lo ngại về bất nhất trong thủ tục hành chính cũng tiếp tục là một trong những điểm nóng. Nhóm Đất đai của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam vẽ ra vòng xoáy thủ tục đến chóng mặt khi nhắc tới một số điều kiện với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. “Một trong những điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đầu tư có ngành nghề kinh doanh bất động sản là nhà đầu tư phải chứng minh đã đáp ứng các điều kiện quy định trong Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn liên quan. Tuy nhiên, theo Điều 7 Nghị Định 71/2010/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, một trong những điều kiện là phải có văn bản chấp thuận đầu tư từ cơ quan có thẩm quyền. Nhưng để được cấp văn bản này, nhà đầu tư phải có văn bản công nhận chủ đầu tư. Để được công nhận chủ đầu tư, nhà đầu tư phải được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nêu ngành, nghề kinh doanh bao gồm cả hoạt động đầu tư, phát triển bất động sản…”.
Đại diện Nhóm Đất đai của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam bức xúc và cho rằng, cần xây dựng thủ tục một cửa để nhà đầu tư được công nhận là đáp ứng các điều kiện kinh doanh ngành, nghề bất động sản.
Theo Báo đầu tư