Chuyện nợ nần của các doanh nghiệp FDI một lần nữa rơi vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Mới đây, bộ này đã có Công văn số 3511/BKHĐT-TCTT ngày 21/05/2012 đề nghị doanh nghiệp FDI cung cấp thông tin vay trả nợ nước ngoài.
Theo công văn này, thực hiện Quyết định số 1285/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch vay và trả nợ nước ngoài năm 2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá tình hình vay nợ nước ngoài của các doanh nghiệp FDI và tính toán mức vay nợ nước ngoài của khu vực này giai đoạn 2011-2015.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai cuộc khảo sát thu thập thông tin và lấy ý kiến doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh, thành phố về vay trả nợ nước ngoài. Kết quả tổng hợp từ các mẫu phiếu điều tra được sử dụng để nghiên cứu xây dựng chính sách, dự kiến nhu cầu vay vốn và xác định hạn mức vay đối với các doanh nghiệp FDI, không sử dụng vào mục đích thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Đơn vị đứng ra thu nhận các phiếu khảo sát là Vụ Tài chính tiền tệ thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Vào cuối năm 2011, Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã có một yêu cầu cung cấp thông tin tương tự, ban hành Công văn số 7055 /BKHĐT-ĐTNN tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài báo cáo tình hình vay vốn tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam.
Lý do ban hành công văn này, khi đó được giải thích là gần đây đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vay vốn của các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam nhưng hoạt động không hiệu quả, phải ngừng hoạt động, có trường hợp, nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ trốn đã gây ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, cũng như môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Chính vì vậy Cục Đầu tư nước ngoài đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có vay vốn của ngân hàng thương mại trong nước. Đồng thời, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật hoặc không có khả năng triển khai, thông báo ngay cho ngân hàng thương mại có biện pháp thu hồi các khoản cho vay.
Cơ quan này cũng đề nghị các địa phương có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp FDI trên địa bàn báo cáo tình hình vay vốn từ các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, bao gồm cả vốn vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Thời hạn cho việc tổng hợp tình hình vay vốn của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn được yêu cầu gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 10/11/2011 để phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Nếu các yêu cầu trong công văn 7055 /BKHĐT-ĐTNN được các địa phương thực hiện nghiêm chỉnh, chắc giờ này Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có một dữ liệu khá đầy đủ về tình hình vay nợ của các doanh nghiệp FDI, và có lẽ cũng không cần thiết phải ban hành tiếp công văn số 3511/BKHĐT-TCTT ngày 21/05/2012 vừa qua?!
Song song với việc khảo sát tình hình vay nợ, hiện nay Cục Đầu tư nước ngoài cũng đang được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì thực hiện dự án “Phân tích cơ cấu vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện chuyển vào, chuyển ra và kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng việc thu thập vốn thực hiện”.
Mục tiêu của dự án là điều tra cơ cấu và tình hình thực hiện vốn đầu tư của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, từ đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước có đầy đủ thông tin để phân tích, đánh giá thực trạng triển khai các dự án FDI, chỉ ra được những tồn tại vướng mắc, những khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án FDI tại Việt Nam, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng quản lý dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng như hỗ trợ, thúc đẩy hơn nữa việc giải ngân các dự án FDI.
Theo nguồn tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, dự án sẽ tiến hành điều tra khảo sát tại một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tập trung vào 14 tỉnh ở 3 khu vực Bắc, Trung và Nam. Thông tin thu được từ cuộc điều tra được giữ kín và chỉ được sử dụng cho mục đích nghiên cứu; cụ thể là sẽ được xử lý, phân tích và trở thành cơ sở quan trọng cho việc ban hành những chính sách hợp lý liên quan tới hỗ trợ thúc đẩy giải ngân các dự án FDI.
Trong khi đó, về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cũng đang xây dựng bản đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý dòng vốn FDI vào Việt Nam”.
Trong một công văn gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, ông Đào Xuân Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết dự thảo đề án được hoàn tất trong tháng 5/2012 và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 6/2012.
Theo VnEconomy
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông