Kiến thức Tài chính kế toán Xu hướng thời đại: Chuẩn mực kế toán toàn cầu

Xu hướng thời đại: Chuẩn mực kế toán toàn cầu

3068

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamBài viết này sẽ cố gắng chỉ ra tầm quan trọng của chuẩn mực kế toán toàn cầu và ảnh hưởng của nó trên thị trường toàn cầu, cũng như cung cấp những báo cáo tài chính có tính so sánh cao giúp các nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định đúng đắn của mình

I. Lời nói đầu

Nếu như trước đây người ta nói rằng làm sao để Chuẩn mực kế toán áp dụng ở nước này mà vẫn có thể hòa hợp được ở nước khác. Điều đấy chứng tỏ là vẫn có nhiều sự khác biệt và chúng ta phải cố gắng dung hòa. Nói một cách hình tượng hơn, đó là sự cố gắng đưa các hệ thống chuẩn mực kế toán của các nước chạy song song với nhau. Với IFRS, đó là một sự cố gắng để các chuẩn mực giữa các nước tiến gần đến với nhau hơn theo một thông lệ chung, và đó chính là sự cần thiết phải ra đời của chuẩn mực kế toán toàn cầu.

Bài viết này sẽ cố gắng chỉ ra tầm quan trọng của chuẩn mực kế toán toàn cầu và ảnh hưởng của nó trên thị trường toàn cầu, cũng như cung cấp những báo cáo tài chính có tính so sánh cao giúp các nhà đầu tư có thể đưa ra các quyết định đúng đắn của mình. Bên cạnh đó, bài viết cũng tiến hành phân tích đánh giá để làm rõ sự khác nhau chủ yếu giữa hệ thống kế toán dựa trên các điều luật và hệ thống kế toán dựa trên các nguyên tắc mà điển hình được áp dụng lần lượt tại Mỹ và Liên minh Châu Âu.

Từ đó bài viết sẽ phân tích nguyên nhân của sự tiến tới một chuẩn mực kế toán toàn cầu, bên cạnh đó đưa ra những lợi ích cũng như những trở ngại gặp phải trong quá trình dịch chuyển đến một chuẩn mực kế toán áp dụng chung (chuẩn mực kế toán toàn cầu).

II. Thực trạng môi trường kế toán hiện nay

Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (tên viết tắt là IFRS) được Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) biên soạn và ban hành nhằm hướng dẫn việc lập và trình bày báo cáo kế toán có tính thống nhất cao và được sử dụng rộng rãi khắp thế giới. Mục đích của việc tiêu chuẩn hóa này là để giúp tạo ra sự phù hợp đối với quá trình chuẩn bị lập báo cáo tài chính trong một môi trường toàn cầu. Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) ngày nay được rất nhiều quốc gia trên toàn thế giới áp dụng, tính đến thời điểm cuối năm 2008 (27/8/2008) đã có hơn 100 quốc gia bao gồm Úc, Singapo, Thổ Nhĩ Kỳ,… và toàn bộ các quốc gia trong khối liên minh Châu Âu. Bên cạnh đó cũng có nhiều quốc gia đang trong quá trình chuẩn bị thông qua bộ chuẩn mực IFRS nhưng vẫn chưa được chuyển tiếp một cách hoàn toàn triệt để. Canada, Nga và Hoa Kỳ thì vẫn còn trong giai đoạn chuẩn bị để tiến tới áp dụng IFRS. Canada và Nga hy vọng rằng việc này sẽ có hiệu lực vào năm 2011, trong khi đó Hoa Kỳ lại cho rằng các yêu cầu của họ sẽ được đáp ứng và sẽ có hiệu lực vào năm 2014.

Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ (tên viết tắt US SEC) mà trong đó bao gồm hơn 110 công ty lớn nhất tại Mỹ (chiếm khoảng 14% lượng vốn tại thị trường Mỹ) đã đồng ý cho phép sớm thông qua bộ tiêu chuẩn này. Các công ty này có thể bắt đầu áp dụng bộ chuẩn mực IFRS vào đầu những năm 2010. Tuy nhiên Ủy ban chứng khoán Mỹ đã đồng ý cho việc áp dụng chuẩn mực này vào năm 2011 để đảm bảo cho quyết định cuối cùng của họ là liệu xem có sự thay đổi nào nữa không đối với đại đa số các công ty lớn tại Mỹ.

Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ đã xác định 7 dấu hiệu quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyết định của họ trong việc liệu có nên tiến tới áp dụng chuẩn mực IFRS hay không. Và đó là:

– Việc sử dụng sớm một cách có hạn chế bộ chuẩn mực IFRS;

– Những sự điều chỉnh cho phù hợp trong các nội dung và phương pháp của IFRS;

– Trách nhiệm giải trình và sự hỗ trợ từ Ủy ban sáng lập chuẩn mực kế toán Quốc tế;

– Nâng cao khả năng sử dụng dữ liệu có sự ảnh hưởng lẫn nhau trong báo cáo IFRS;

– Đào tạo và hướng dẫn thực hành các nội dung của chuẩn mực IFRS;

– Dự đoán trước tương lai của IFRS;

– Sự thi hành một cách có hiệu lực đối với việc sử dụng một cách bắt buộc IFRS.

III. Chuẩn mực kế toán toàn cầu (GAS)

1. Sự khác nhau giữa nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi tại Mỹ (US GAAP) và Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS).

Mục tiêu của các báo cáo tài chính là đưa ra các thông tin tài chính liên quan và có độ tin cậy cao về tình hình tài chính, về kết quả kinh doanh của công ty để giúp các nhà đầu tư đưa ra những quyết định đúng đắn trong hoạt động đầu tư của mình. Các vụ bê bối xảy ra tại Mỹ mà đặc biệt là vụ sụp đổ của hai tập đoàn lớn là Enron và Worldcom như là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các nhà đầu tư, bên cạnh đó cũng đặt ra cho Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) và Ủy ban chuẩn mực kế toán tài chính (FASB) những thách thức nhất định, câu hỏi đặt ra cho SEC và FASB là liệu hệ thống kế toán hiện tại có đủ đáp ứng để hoàn thành nhiệm vụ của mình trong việc cung cấp những thông tin kế toán liên quan và đáng tin cậy hay không? Hệ thống kế toán của Mỹ hiện nay đang được tiến hành theo bộ chuẩn mực bao gồm các nguyên tắc kế toán được chấp nhận một cách rộng rãi (tên viết tắt là GAAP), tuy nhiên trước những tình hình cấp bách đang xảy ra, đòi hỏi Mỹ cũng đang từng bước tìm hiểu để áp dụng đối với chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), đó chính là chuẩn mực kế toán quốc tế (GAS).

Điều này đã gây ra những cuộc thảo luận và tranh cãi giữa các bên, và vấn đề đặt ra là hệ thống kế toán dựa trên các điều luật hay hệ thống kế toán dựa trên các nguyên tắc sẽ đem lại một báo cáo tài chính có giá trị nhất. Hệ thống kế toán Hoa Kỳ bắt đầu và được biết đến với hệ thống kế toán dựa trên các nguyên tắc, tuy nhiên sau đó do sức ép từ các kế toán viên và kiểm toán viên chuyên nghiệp yêu cầu là phải có hướng dẫn cụ thể hơn nữa đối với các vấn đề kế toán gặp phải trong quá trình hoạt động, chính điều đó đã cho thấy những bất cập tồn tại trong hệ thống kế toán dựa trên các điều luật. Và ngay lập tức Ủy ban chuẩn mực kế toán tài chính Hòa Kỳ đã có những động thái nhằm thỏa hiệp với các tổ chức có lợi ích lớn trong vấn đề này để ngăn chặn việc họ chuyển hướng trong việc sử dụng bộ tiểu chuẩn IFRS. Và IFRS tất nhiên là hệ thống kế toán dựa trên các nguyên tắc.

Đối với một hệ thống kế toán dựa trên các điều luật thì các công ty khi sử dụng hệ thống kế toán này có thể thao túng và chi phối tình hình tài chính của họ bằng cách chú ý và kiểm soát các loại hình giao dịch xảy ra phục vụ cho lợi ích cá nhân của họ thay vì để các giao dịch xảy ra một cách tư nhiên miễn sao họ có thể được đáp ứng các yêu cầu cụ thể mang tính chắc chắn. Chính vì điều này mà họ luôn tìm mọi cách che đậy những thông tin tài chính bất lợi cho họ (ví dụ như nợ xấu của công ty) để thuyết phục các nhà đầu tư hay các kiểm toán viên trong quá trình tìm hiểu thông tin về công ty. Cái bất cập lớn nhất đối với hệ thống kế toán này đó là họ có thể thao túng các quy định về luật để đưa ra các thông tin tài chính theo một cách sai lệch.

Khác với hệ thống kế toán dựa vào các điều luật, hệ thống kế toán dựa vào các nguyên tắc sẽ không có các quy định cụ thể trong việc xác định chi tiết các giao dịch xảy ra. Thay vào đó, hệ thống kế toán này đưa ra các mục tiêu của nguyên tắc và từ đó yêu cầu các kế toán viên phải áp dụng các nguyên tắc đó để trình bày các thông tin tài chính một cách chính xác và chân thật nhất.

Một ưu điểm khác nữa của hệ thống kế toán dựa trên các nguyên tắc đó là sự linh hoạt vốn có của nó trong quá trình ứng dụng. Trong khi hệ thộng kế toán dựa trên các điều luật phải cố gắng xác định mỗi khả năng có thế xẩy ra, tuy nhiên nó không được trang bị một cách đầy đủ để giải quyết các vấn đề mới nổi lên hoặc những tình huống mới. Bên cạnh đó, hệ thống kế toán dựa trên các nguyên tắc, với các nguyên tắc bao quát rộng có thể đưa ra sự hướng dẫn về các tình huống đang tồn tại, cũng như việc áp dụng các vấn đề kế toán đang thay đổi hoặc mới xuất hiện.

Điều trở ngại chính của hệ thống kế toán dựa trên các điều luật hiện nay đó là sự phức tạp của các quy định. Và đối với một công ty khi mà lần đầu tiên đang gặp phải vấn đề vướng mắc liên quan đến kế toán thì khả năng để đưa ra một quyết định cuối cùng đối với nhà quản lý có thể gặp một vài khó khăn. Với hệ thống cấp bậc của GAAP và toàn bộ các mức độ khác nhau của lý thuyết trong hệ thống kế toán này, đây thực sự là một sự khó khăn và mất nhiều thời gian để tìm ra những quy định hợp lý và có thể tin cậy vì chưa có bất kỳ một lời tuyên bố chính thức nào từ các nhà làm luật là sẽ sửa đổi các quy định này cho phù hợp với các tình huống cụ thể của công ty. Ngược lại, với hệ thống kế toán dựa trên các quy tắc, việc hướng dẫn sử dụng có phần ít phức tạp và dễ sử dụng hơn. Các kế toán viên không cần tìm hiểu các thông tin bằng cách thông qua một số lượng lớn những lời tuyến bố khác nhau để tìm ra một quy định cụ thể, nếu như họ hiểu được các quy tắc này một cách rõ ràng thì họ có thể áp dụng vào những tình huống cụ thể của họ.

Thông qua các trường hợp xảy ra tại Mỹ, một số lượng lớn các nước hiện nay đã tận dụng những ưu điểm của hệ thống kế toán dựa trên luật đem lại nhưng cũng từng bước có hướng chuyển dịch sang việc áp dụng hệ thống kế toán dựa trên nguyên tắc hoặc các chuẩn mực kế toán quốc tế.

2. Nguyên nhân dẫn đến sự dịch chuyển sang Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)

Với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường vốn đã tác động mạnh đến quá trình hội nhập quốc tế về chuẩn mực kế toán. Nhằm đẩy mạnh hơn nữa quá trình hội nhập của hệ thống kế toán, năm 2001 Ủy ban chuẩn mực kế toán tài chính quốc tế (IASB) đã được thành lập dựa trên nền tảng của Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế (IASC) nhưng với một cơ cấu tổ chức chặt chẽ và độc lập hơn. Mục tiêu của IASB là hình thành một hệ thống chuẩn mực kế toán phục vụ cho lợi ích chung, có chất lượng cao, dễ hiểu và có thể áp dụng trên toàn thế giới, cung cấp những thông tin tài chính rõ ràng, chính xác và có thể so sánh giúp các nhà đầu tư đưa ra các quyết định cuối cùng một cách đúng đắn.

Hiện nay trên thế giới đã có khoảng 100 quốc gia áp dụng chuẩn mực IFRS. Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ và các bên liên quan cũng đang xem xét đến những lợi ích đem lại khi tham gia chung vào chuẩn mực kế toán quốc tế này. Vào khoảng thời gian 11 năm trước đây, một ý tưởng về làm thế nào để tạo ra sự hòa hợp giữa các chuẩn mực kế toán cũng đã được đem ra bàn luận nhưng cũng chưa đi đến đích cuối cùng. Nhưng ngày nay, với sự hội tụ đầy đủ về khả năng nhận thức, và chẳng bao lâu nữa, Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ cần đưa ra lộ trình trong việc cho phép hoặc yêu cầu các báo cáo tài chính của họ từng bước phải phù hợp với chuẩn mực IFRS.

Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ và Ủy ban Liên minh Châu Âu hoàn toàn tán thành với ý tưởng làm sao để có hòa hợp giữa các bộ tiêu chuẩn có sự ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư đó là bộ tiêu chuẩn US GAAP và IFRS. Trước đây các quốc gia thường có các quy định riêng cho mình trong việc áp dụng các chuẩn mực kế toán và gọi là các nguyên tắc kế toán được chấp nhận rộng rãi (GAAP), ví dụ ở Mỹ có US GAAP, ở Canada có Canada GAAP. Các nước cộng đồng chung Châu Âu cũng có những quy định chuẩn mực chung cho mình như IAS và sau này là IFRS. Chính điều này đã gây ra nhiều khó khăn bất cập cho các nhà đầu tư và các công ty đa quốc gia. Ví dụ như một công ty A được thành lập tại Châu Âu, nhưng lại đăng ký niêm yết tại Mỹ, khi đó công ty phải tiến hành chuyển đổi các báo cáo đang được lập theo chuẩn mực IFRS sang chuẩn mực US GAAP. Công việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình hoạt động kinh doanh của công ty, và công ty phải tốn không ít thời gian, công sức và chi phí để chuyển đổi các loại hình báo cáo tài chính cho phù hợp. Ví dụ tương tự đó là các công ty có công ty mẹ, công ty con khi mà công ty mẹ ở nước này nhưng công ty con ở các nước khác, việc hợp nhất báo cáo tài chính theo chuẩn mực của công ty mẹ cũng cần rất nhiều thời gian.

Chính điều này đã thúc đẩy các quốc gia đang sử dụng bộ chuẩn mực GAAP cần có kế hoạch thay đổi và hướng tới việc áp dụng chuẩn mực IFRS.

3. Những lợi ích của việc ra đời chuẩn mực kế toán toàn cầu (GAS)

Các động thái nhằm hướng đến một bộ chuẩn mực kế toán toàn cầu đang được xúc tiến một cách mạnh mẽ bởi nhiều lý do. Sự hòa nhập của nền kinh tế thế giới đang xảy ra một cách nhanh chóng và chính thị trường quốc tế này đã giúp cho những người làm nghề kế toán xích lại gần với các chuẩn mực kế toán toàn cầu hơn. Với một sự bảo đảm mang tính chắc chắn như chiếc cầu nối từ Hội đồng chuẩn mực kế toán quốc tế (IASB) và hội đồng chuẩn mực kế toán tài chính (FASB) thì chuẩn mực kế toán quốc tế sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai không xa. Một số lợi ích có thể thấy được của việc có một chuẩn mực kế toán quốc tế đối với thị trường toàn cầu ngày nay là:

Lợi ích đầu tiên phải kể đến đó là tạo ra sự tự do có thể so sánh được của các báo cáo tài chính. Hiện nay có nhiều cách thức khác nhau để sắp xếp và chuẩn bị các báo cáo tài chính. Một trong những trở ngại mà nhà đầu tư phải vượt qua đó là đưa ra các quyết định đầu tư khi mà các thông tin tài chính được báo cáo dưới nhiều hình thức khác nhau. Mỗi quốc gia có những yêu cầu riêng của mình và quy trình mà mỗi quốc gia đó phải tuân theo. Khi việc toàn cầu hóa các chuẩn mực kế toán xẩy ra sẽ gây ra một vài vấn đề khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài vì việc xem xét các báo cáo tài chính được chuẩn bị dưới các chuẩn mực khác nhau sẽ là một thách thức lớn đối với họ.

Lợi ích thứ 2 mà chuẩn mực kiểm toán toàn cầu mang lại đó là làm giảm chi phí đầu tư ở các thị trường khác nhau. Lợi ích này có thể được nhận ra từ việc cắt giảm bớt công việc mà bình thường trước đây nhà đầu tư yêu cầu được xem lại hồ sơ ghi chép tài chính đối với thị trường nước ngoài. Các công ty đa quốc gia cũng có thể hợp lý hóa các loại báo cáo và giảm bớt các chi phí liên quan bằng cách phát triển một hệ thống kế toán áp dụng chung. Các chi phí liên quan trong việc thiết kế lại các báo cáo kế toán khác nhau thành những báo cáo kế toán dễ đọc và dễ so sánh cho các nhà quản lý.

Lợi ích thứ 3 cũng dễ nhận ra đó là với việc sử dụng chuẩn mực kế toán toàn cầu sẽ tạo ra các hoạt động mang tính toàn cầu. Việc áp dụng các chuẩn mực kế toán toàn cầu sẽ làm tăng niềm tin cho các nhà đầu tư trên thị trường với điều kiện là chuẩn mực này phải được áp dụng một cách nghiêm ngặt bởi sự tuân thủ cao. Các công ty này có thể có đánh giá để tiến hành đầu tư, thiết lập các cơ sở sản xuất kinh doanh, các dự án hoặc thậm chí đầu tư vào các lĩnh vực mới tại nước ngoài.

4. Những khó khăn gặp phải trong quá trình tiến tới một chuẩn mực kế toán toàn cầu (GAS)

Đối với những người theo chủ nghĩa hoài nghi thì họ tin rằng chuẩn mực kế toán toàn cầu sẽ rất là phức tạp vì nó còn liên quan đến các vấn đề thuộc về quy định và luật pháp tại các nước sở tại. Hơn thế nữa, chuẩn mực kế toán quốc tế cũng vừa mới ra đời nên vẫn còn trẻ và vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển và hoàn thiện hơn. Cũng có nhiều câu hỏi được đặt ra trong vấn đề này đó là thực chất của quá trình xích lại gần nhau của GAAP và IFRS là như thế nào? Chuẩn mực kế toán toàn cầu sẽ là một sự kết hợp mang tính toàn diện hay là sự kết hợp bao gồm cả 2 hệ thống (hệ thống kế toán dựa trên các điều luật và hệ thống kế toán dựa trên các quy tắc) nhưng tách biệt nhau.

Một sự chấp nhận đối với một chuẩn mực kế toán dựa trên các nguyên tắc có nghĩa là đã cho nó một chỗ đứng qua việc làm hiểu rõ các nguyên tắc kế toán được áp dụng như thế nào. Chính điều này có thể chứa đựng những rủi ro tiềm tàng tạo ra sự không nhất quán đối với các báo cáo của các quốc gia. Trên thực tế, đây là một sự cản trở cho các quốc gia trong việc nỗ lực tham gia quá trình toàn cầu hóa này.

Ủy ban Châu Âu, một bộ phận điều hành của Khối liên minh Châu Âu trong lĩnh vực này cũng đã thành lập những bộ phận tư vấn như là một sự xác nhận của IFRS. Eumedion, một diễn đàn về quản trị doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư cũng bày tỏ những mỗi quan tâm của mình đối với việc chuyển đổi sang hệ thống kế toán dựa trên các nguyên tắc này. Qua diễn đàn, cũng có nhiều ý kiến bày tỏ rằng sẽ có những rủi ro tiềm ẩn đó là các thông tin tiêu cực sẽ không được chia sẻ với các thành viên của Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế, và rút cục nó sẽ ảnh hưởng đến quá trình quản trị công ty. Diễn đàn cũng nhìn nhận và chỉ thẳng ra các vấn đề còn tồn tại như là thiếu tính khách quan, không có khả năng so sánh, thiếu các thông tin về địa lý và cuối cùng sự không nhất quán đối với các tiêu chí đo lường mà họ đã áp dụng.

Một mối quan tâm khác cũng được đưa ra thảo luận đó là ảnh hưởng của nó đến những người thuộc cộng đồng quốc gia Hồi giáo, nơi mà con người có thói quen là đặt niềm tin vào đồng tiền. Thời kỳ phát triển của nền tài chính Hồi giáo thường được biết đến là vào năm 1970 với sự ra đời hàng loạt các ngân hàng Hồi giáo tại Ả Rập và Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Nền tài chính của Hồi giáo phát triển được dựa trên nguồn gốc là luật Hồi giáo và Sharia. Sharia tuyên bố rằng không có khoảng cách nào giữa nhà thờ và nhà nước của họ, đó là một thế thống nhất.

Khi xem xét các vấn đề đã nêu trên có thế thấy rằng việc toàn cầu hóa đối với chuẩn mực kế toán sẽ xảy ra trong một tương lại không xa. Và mục tiêu của IFRS nhằm thúc đẩy các công ty đa quốc gia hoạt động với một một sự thống nhất cao và quyết liệt trong việc áp dụng các chuẩn mực kế toán.

IV. Kết luận

Nếu như không quan tâm đến các tranh cãi xảy ra, một hệ thống kế toán toàn cầu luôn là mục tiêu của nhiều công ty lớn xuyên quốc gia. Trên thực tế, có nhiều quốc gia đã sẵn sàng tuân theo IFRS và một số quốc gia khác đã cam kết tuân thủ với chuẩn mực này trong một vài năm tiếp theo. Bài viết này cũng đã giúp các bạn hiểu được những nét chính giữa hệ thống kế toán dựa trên các điều luật (như là US GAAP) và hệ thống kế toán dựa trên các nguyên tắc (như là IFRS). Chuẩn mực kế toán toàn cầu sẽ cho phép các nhà đầu tư cũng như các công ty lớn đưa ra các quyết định kinh doanh và đầu tư chính thức đúng đắn dựa trên các báo cáo tài chính. Mặc dù trong quá trình tiến tới chuẩn mực kế toán toàn cầu còn có nhiều trở ngại và thách thức đặt ra, nhưng hơn ai hết, với những lợi ích to lớn của nó mang lại, nó sẽ vượt qua những trở ngại đó và đi đến thành công, đó là việc hình thành nên chuẩn mực kế toán toàn cầu áp dụng chung cho tất cả các quốc gia trên toàn thế giới.

Theo Khoa học kiểm toán

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không