Kiến thức Tài chính kế toán Câu chuyện xác định giá trị hợp lý khi hợp nhất

Câu chuyện xác định giá trị hợp lý khi hợp nhất

2647
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamChuẩn mực kế toán số 11- “Hợp nhất kinh doanh” được ban hành theo Quyết định số 100/2005/QĐ- BTC ngày 28/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 21/2006 ngày 20/03/2006 dựa trên cơ sở IFRS 03.

Khái niệm hợp nhất kinh doanh được đề cập đến là việc kết hợp các doanh nghiệp riêng biệt hoặc các hoạt động kinh doanh riêng biệt thành một đơn vị báo cáo nhằm thực hiện các hoạt động kinh doanh. Chuẩn mực quy định mọi hoạt động Hợp nhất kinh doanh đều kế toán theo phương pháp mua, trong đó, điều quan trọng là xác định được giá phí Hợp nhất kinh doanh. Giá phí Hợp nhất kinh doanh là giá trị hợp lý của toàn bộ tài sản, các khoản nợ, các công cụ vốn mà Doanh nghiệp mua đã phát hành và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến việc Hợp nhất kinh doanh.
Đối với những khoản phải thu, các hợp đồng sinh lợi và các tài sản có thể xác định khác, bên mua sẽ sử dụng giá trị hiện tại của khoản sẽ thu được trong tương lai theo mức lãi suất hiện hành thích hợp, trừ đi khoản dự phòng phải thu khó đòi và chi phí thu hồi, nếu cần.
Đối với hàng tồn kho: i) Là thành phẩm và hàng hóa, bên mua sẽ sử dụng giá bán trừ đi tổng của chi phí bán hàng ước tính và lợi nhuận ước tính hợp lý đối với khả năng bán của bên mua dựa trên lợi nhuận đối với thành phẩm và hàng hóa tương tự; (ii) Đối với nguyên vật liệu, bên mua sẽ sử dụng giá thay thế hiện hành.
Đối với đất đai và nhà cửa, bên mua sẽ sử dụng giá thị trường.
Đối với nhà xưởng, thiết bị, bên mua sẽ sử dụng giá thị trường, thông thường được xác định bằng đánh giá. Nếu không có thông tin về giá trị thị trường do bản chất đặc biệt của khoản mục nhà xưởng, thiết bị và các tài sản này hiếm khi đem bán, trừ trường hợp nó là một phần của công việc kinh doanh đang hoạt động, bên mua có thể cần phải ước tính giá trị hợp lý theo phương pháp thu nhập hoặc phương pháp chi phí thay thế có thể khấu hao.
Đối với tài sản cố định vô hình, bên mua sẽ xác định giá trị hợp lý bằng cách nghiên cứu, xem xét thị trường hoạt động như đã định nghĩa trong Chuẩn mực kế toán số 04 – “Tài sản cố định vô hình”;
Đối với các khoản phải trả, nợ dài hạn, chi phí phải trả và các khoản phải bồi thường khác, bên mua sẽ sử dụng giá trị hiện tại của các khoản được dùng để thanh toán nợ phải trả trong tương lai theo mức lãi suất hiện hành thích hợp.
Đối với những hợp đồng khó thực hiện và các khoản nợ có thể xác định của bên bị mua, bên mua sẽ sử dụng giá trị hiện tại của khoản mục được dùng để thanh toán các nghĩa vụ đã xác định ở các mức lãi suất hiện hành thích hợp.
Đối với các khoản nợ tiềm tàng của bên bị mua, bên mua sẽ sử dụng khoản mà bên thứ ba sẽ tính khi gánh chịu những khoản nợ phải trả đó…
Các quy định trên đây về việc xác định giá trị hợp lý là khá cụ thể khi xác định giá trị của tài sản, nợ phải trả và các chi phí khác liên quan đến Hợp nhất kinh doanh. Tuy nhiên, các quy định này còn chưa phù hợp với thực tiễn vì các giao dịch Hợp nhất kinh doanh của Việt Nam diễn ra chủ yếu bắt nguồn từ công tác tổ chức, sắp xếp lại các Doanh nghiệp NN. Khác với bản chất Hợp nhất kinh doanh của những nước có nền kinh tế thị trường phát triển, các hoạt động Hợp nhất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam không mang tính chất thôn tính lẫn nhau. Sự khác biệt này nhấn mạnh đến công việc định giá doanh nghiệp trong Hợp nhất kinh doanh của Việt Nam những năm gần đây.
Tiến trình tổ chức, sắp xếp lại các Doanh nghiệp NN xuất hiện những trường hợp mua bán, chuyển nhượng, sáp nhập hoặc cổ phần hoá Doanh nghiệp, trong mỗi trường hợp như vậy, kế toán đều phải xác định giá trị tài sản thuần theo giá trị hợp lý để làm căn cứ ghi sổ. Hiện vấn đề này đang còn nhiều tồn tại ở Việt Nam, được thể hiện qua hai góc độ sau:
Vấn đề thứ nhất: Căn cứ để các chuyên gia xác định giá trị Doanh nghiệp là giá trị ghi sổ và giá thị trường của các chỉ tiêu trên BCTC. Cả hai căn cứ này hiện nay cũng chưa đảm bảo độ tin cậy. Bởi vì, tại nhiều Doanh nghiệp, BCTC chỉ mang tính hình thức, đối phó với các cơ quan quản lý, nhiều hoạt động kinh tế ngầm không được phản ánh vào sổ sách kế toán. Trường hợp ngược lại, BCTC lại được thổi phồng, phù phép để doanh nghiệp có thể giải ngân hay vay vốn ngân hàng một cách thuận lợi. Hơn nữa, khái niệm giá thị trường, khái niệm hàng hoá tương đương còn khá mơ hồ, không rõ ràng, không có một văn bản pháp luật nào quy định cụ thể. Các chuyên gia định giá khi căn cứ vào giá thị trường còn mang nặng tính chủ quan. Thậm chí, ngay cả việc xác định giá trị hiện trạng của từng tài sản là rất khó, rất chung chung. Công việc xác định giá trị lợi thế kinh doanh như vị trí địa lý, giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển, uy tín Doanh nghiệp… hay quyền sử dụng đất chưa có khung pháp lý rõ ràng hoặc nếu có cũng chưa phù hợp với điều kiện thị trường thường xuyên biến động.
Vấn đề thứ hai: Các phương pháp định giá Doanh nghiệp như phương pháp tài sản, phương pháp giá thị trường hay phương pháp so sánh còn chưa được áp dụng trong quá trình định giá một cách khoa học, nhất quán. Kết quả của các phương pháp còn mâu thuẫn, chênh lệch còn lớn. Ngày 13/03/2006, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 17/TT/BTC hướng dẫn Nghị định 101/2005 về thẩm định giá trong đó có quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn các phương pháp định giá bao gồm: Phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư, phương pháp lợi nhuận, phương pháp thẩm định giá theo thông lệ Quốc tế đã từng bước kiện toàn lại hệ thống pháp luật về thẩm định giá. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là môi trường pháp luật, môi trường kinh tế chung có hoạt động định giá chưa đồng bộ, thị trường chứng khoán chưa phát triển, các yếu tố khác của thị trường rất phức tạp và thường xuyên biến động.
Việc xác định nợ phải trả mới chỉ dừng lại ở việc kiểm tra đối chiếu công nợ với khách hàng, chưa có một kỹ thuật, một phương pháp riêng nào để xác định đúng giá trị hợp lý các khoản nợ.
Cho đến thời điểm này, các văn bản pháp luật về định giá Doanh nghiệp đã ban hành khá nhiều, đó là Nghị định 101/2005/NĐ-CP ngày 03/08/2005 và Thông tư 17/2006/TT-BCT ngày 13/03/2006 về thẩm định giá; Quyết định 06/2005/QĐ-BTC ngày 18/01/2005 về việc ban hành quy chế tính giá tài sản, hàng hoá, dịch vụ; QĐ 24/2005/QĐ/BTC ngày 18/4/2005 về việc ban hành 03 tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam… Hệ thống pháp luật về định giá chưa đầy đủ, chưa bao quát các hoạt động của nền kinh tế như xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản vô hình và các hàng hoá đặc thù.
Các tổ chức tham gia vào lĩnh vực định giá bao gồm: Ban Vật giá, các Trung tâm thẩm định giá của Bộ Tài chính, các công ty kiểm toán… đều bị đánh giá là mang nặng tính hành chính, lý thuyết, định giá chưa sát với giá thị trường. Các chuyên gia về thẩm định giá của Việt Nam còn quá non trẻ trong lĩnh vực này. Việc làm của họ mới chỉ là những thói quen thông thường chưa mang tính khoa học. Bên cạnh đó, các vi phạm về đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, của các thẩm định viên về giá cố tình vi phạm các nguyên tắc về thẩm định giá khi giám định vẫn còn tồn tại. Hiện tại, chúng ta đang bị thiếu những chuyên gia thực sự có năng lực làm việc, hiểu biết có tâm huyết với nghề định giá…
Những vấn đề đó đã tạo nên một lỗ hổng làm chậm tiến độ của quá trình Hợp nhất kinh doanh của các Doanh nghiệp. Nó đang là một tồn tại cần sớm được khắc phục để các chủ thể kinh tế có đủ niềm tin vào tổ chức định giá của Việt Nam vào hành lang pháp lý của Nhà nước. Biện pháp cần được thực hiện là xây dựng hành lang pháp lý, đào tạo bồi dưỡng cán bộ có đủ năng lực và trình độ chuyên môn để thực hiện công việc.

Theo Tạp chí kế toán

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không