Kiến thức Tài chính kế toán Các khoản đầu tư tài chính trong công ty mẹ – con...

Các khoản đầu tư tài chính trong công ty mẹ – con được hạch toán như thế nào?

4055
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamThời gian gần đây, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, các mô hình doanh nghiệp (DN) ngày càng phong phú, đa dạng, trong đó, mô hình công ty mẹ – công ty con ở các Tổng công ty nhà nước được thí điểm và nhân rộng ở nhiều công ty. Mô hình công ty mẹ – công ty con là hình thức liên kết và chi phối lẫn nhau bằng đầu tư, góp vốn, bí quyết công nghệ, thương hiệu hoặc thị trường giữa các DN có tư cách pháp nhân, trong đó, có một công ty (công ty mẹ) giữ quyền chi phối các DN thành viên khác (công ty con) hoặc có một phần góp vốn không chi phối của công ty mẹ (công ty liên kết).
Có thể khẳng định, cả công ty mẹ và các công ty con đều là những pháp nhân độc lập. Căn cứ để xác định hay phân biệt công ty mẹ, công ty con là mức độ sở hữu vốn của công ty này đối với công ty kia. Trong một số trường hợp, công ty con cũng có thể đầu tư ngược lại công ty mẹ. Cách hiểu chung nhất về đầu tư tài chính trong công ty mẹ và công ty con là hoạt động đầu tư giữa công ty mẹ với các công ty con với tư cách là những pháp nhân độc lập. Về cơ bản, căn cứ tính chất các khoản đầu tư, có thể thấy, các khoản đầu tư tài chính (Đầu tư tài chính) giữa công ty mẹ và công ty con bao gồm:
Đầu tư hình thành vốn chủ sở hữu. Đây là hình thức Đầu tư tài chính hình thành nguồn vốn chủ sở hữu của công ty con, trong đó, vốn chủ sở hữu của công ty mẹ đối với công ty con chiếm một tỷ lệ lớn. Các hình thức cụ thể của việc Đầu tư tài chính của công ty mẹ vào công ty con gồm: Mua cổ phiếu của các công ty cổ phần, góp vốn để hình thành công ty TNHH, góp vốn liên doanh, liên kết…
Ngược lại, trong trường hợp công ty mẹ là công ty cổ phần, công ty con có thể mua một phần nhất định cổ phiếu của công ty mẹ trên thị trường chứng khoán. Giữa công ty mẹ và công ty con có sự mua bán, chuyển nhượng các loại công cụ nợ của nhau, chẳng hạn như trái phiếu, tín phiếu…
Kế toán các khoản đầu tư tài chính phải tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của kế toán (nguyên tắc cơ sở dồn tích, nguyên tắc hoặt động liên tục, nguyên tắc giá gốc, nguyên tắc phù hợp, nguyên tắc nhất quán, nguyên tắc thận trọng và nguyên tắc trọng yếu). Do có những đặc thù riêng nên kế toán các khoản Đầu tư tài chính ngoài việc tuân thủ các nguyên tắc trên, còn phải thực hiện các nguyên tắc sau:
Thứ nhất, Kế toán các khoản Đầu tư tài chính phải phù hợp với mối quan hệ tài chính giữa công ty mẹ và các công ty con, công ty liên kết.
Thứ hai, Kế toán các khoản Đầu tư tài chính phải tuân thủ qui chế quản lý tài chính của công ty nhà nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con.
Thứ ba, Kế toán các khoản đầu tư tài chính phải tuân thủ quy định pháp luật nói chung, quy định pháp luật về kế toán (chế độ, chuẩn mực kế toán) phù hợp với đặc điểm tổ chức, đặc điểm hoạt động, yêu cầu quản lý, khả năng, trình độ quản lý của doanh nghiệp.
Kế toán các khoản Đầu tư tài chính theo hai phương pháp, phương pháp vốn chủ sở hữu và phương pháp giá gốc
Phương pháp vốn chủ sở hữu: Là phương pháp kế toán mà khoản đầu tư được ghi nhận ban đầu theo giá gốc, sau đó được điều chỉnh theo những thay đổi của phần sở hữu của nhà đầu tư (thường là công ty mẹ) trong tài sản thuần của bên nhận đầu tư (thường là các công ty con). Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phải phản ánh phần sở hữu của nhà đầu tư trong kết quả quả kinh doanh của bên nhận đầu tư.
Theo phương pháp vốn chủ sở hữu, khoản đầu tư được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau đó, giá trị ghi sổ của khoản đầu tư được điều chỉnh tăng hoặc giảm tương ứng với phần sở hữu của nhà đầu tư trong lãi hoặc lỗ của bên nhận đầu tư sau ngày đầu tư. Khoản được phân chia từ bên nhận đầu tư phải hạch toán giảm giá trị ghi sổ của khoản đầu tư. Việc điều chỉnh giá trị ghi sổ cũng phải được thực hiện khi lợi ích của nhà đầu tư thay đổi do có sự thay đổi vón chủ sở hữu của bên nhận đầu tư nhưng không được phản ánh trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Những thay đổi trong vốn chủ sở hữu của bên nhận đầu tư có thể bao gồm những khoản phát sinh từ việc đánh giá lại TSCĐ và các khoản đầu tư, chênh lệch tỷ giá qui đổi ngoại tệ và những điều chỉnh các chênh lệch phát sinh khi hợp nhất kinh doanh.
Phương pháp giá gốc là phương pháp kế toán mà khoản đầu tư được ghi nhận ban đầu theo giá gốc, sau đó không được điều chỉnh theo những thay đổi của phần sở hữu của nhà đầu tư (thường là công ty mẹ) trong tài sản thuần của bên nhận đầu tư (thường là các công ty con). Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh chỉ phản ánh khoản thu nhập của hà đầu tư của nhà đầu tư được phân chia từ lợi nhuận luỹ kế của bên nhận đầu tư phát sinh sau ngày đầu tư.
Theo phương pháp giá gốc, nhà đầu tư ghi nhận ban đầu khoản đầu tư theo giá gốc. Nhà đầu tư chỉ hạch toán vào thu nhập trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh khoản được chia từ lợi nhuận thuần luỹ kế của bên nhận đầu tư phát sinh sau ngày đầu tư. Các khoản khác mà nhà đầu tư nhận được ngoài lợi nhuận được chia được coi là phần thu hồi khoản các khoản đầu tư và được ghi nhận là khoản giảm trù giá gốc đầu tư.
Để kế toán được chính xác các khoản Đầu tư tài chính, đảm bảo đúng chức năng cơ bản của hạch toán kế toán là thông tin và kiểm tra, người làm kế toán cần phải tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc trên./.

Theo VACPA

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không