Việc triển khai áp dụng lần đầu tiên thuế thu nhập cá nhân (TNCN) thay cho thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao sẽ là bước tiến đáng kể phù hợp với thông lệ quốc tế vì hầu hết các nước trên thế giới đã áp dụng thuế này từ lâu do tính chất minh bạch, công bằng và nhân đạo của nó. Tuy nhiên, đến nay công tác chuẩn bị cho việc thực thi Luật thuế này vẫn chưa hoàn tất, Thông tư hướng dẫn chưa được ban hành trong khi thời gian áp dụng chỉ còn gần ba tháng sẽ không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc trong thời gian đầu. Hơn nữa, đây là một sắc thuế trực thu có phạm vi điều chỉnh rộng lớn nhất từ trước tới nay, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 15 triệu người. Sắp tới, một số đối tượng nộp thuế như: hộ kinh doanh cá thể, cá nhân chuyển nhượng vốn góp…sẽ chuyển từ việc áp dụng thuế TNDN sang thuế TNCN. Bên cạnh đó, một số khoản thu nhập cá nhân lần đầu tiên phải chịu thuế như: chuyển giao tài sản (gồm chuyển nhượng, nhận thừa kế, qùa tặng) về bất động sản, chứng khoán, nhượng quyền thương mại, tài sản khác có đăng ký…
Kẽ hở: càng vay nhiều, càng lời nhiều
Theo quy định của Luật thuế TNCN thì tiền lãi gởi các tổ chức tín dụng được tiếp tục miễn thuế. Trong khi đó, thu nhập chịu thuế từ kinh doanh lại được trừ chi phí trả lãi tiền vay, chưa thể hiện tính công bằng cho nhà đầu tư gián tiếp khi nhận lãi từ trái phiếu thì chịu thuế (trừ trái phiếu Chính phủ) trong khi nhận lãi từ việc gửi tiền từ tổ chức tín dụng thì được miễn thuế. Như vậy, bắt đầu từ năm 2009, cá nhân kinh doanh vừa được giảm trừ chi phí lãi vay (đầu vào) nhưng lại tiếp tục được miễn thuế thu nhập từ tiền lãi cho tổ chức tín dụng vay (đầu ra) sẽ tạo ra kẽ hở khuyến khích cá nhân kinh doanh tín dụng miễn thuế, vì khi đó, càng vay nhiều thì càng lời nhiều. Chẳng hạn, cá nhân kinh doanh đi vay 100 triệu đồng với lãi suất 20%/năm thì được đưa vào chi phí hợp lý toàn bộ số tiền 20 triệu. Nếu không đi vay thì khoảng thu nhập của số tiền 20 triệu này, sau khi nộp thuế TNCN (gỉa sử với thu nhập tính thuế là 960 triệu đồng/năm thì áp dụng thuế suất bậc 6 là 217,8 triệu, tỷ lệ thuế bình quân là 22,7%) còn lại 15,46 triệu. Nhưng nếu như họ rút vốn kinh doanh (giả sử cũng 100 triệu) của mình ra để cho vay với lãi suất 17,5% (còn số tiền vay được đưa vào kinh doanh) thì họ nhận được tiền lãi 17,5 triệu đồng miễn thuế, nhiều hơn số tiền họ nhận được nếu không đi vay là 2.040.000 đồng. Như vậy, khi tỷ lệ bình quân thuế nói trên lớn hơn 12,5% (dựa trên tính toán: 100%-17,5% / 20%) như ví dụ trên, nghĩa là khi có thu nhập tính thuế từ 264 triệu/năm trở lên thì trong mọi trường hợp, càng vay nhiều thì càng lãi nhiều hơn. Điều này, sẽ không khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn ra để kinh doanh. Đây chính là kẽ hở lớn của Luật thuế mới trong khi đó, hầu hết các nước trên thế giới không miễn thuế tiền lãi cho vay ở đầu ra vì đã cho giảm trừ thuế của chi phí vay ở đầu vào rồi.
Một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện
Để phát huy được tính ưu việt của sắc thuế TNCN, Luật thuế mới này cần tiếp tục được hoàn thiện một số vấn đề sau đây:
– Cần bổ sung chính sách ưu đãi về thuế và quyền chuyển lỗ trong 5 năm mà cá nhân kinh doanh hiện nay đang áp dụng thuế TNDN đã được hưởng để tránh xáo trộn đến một bộ phận không nhỏ của người dân đang kinh doanh dưới hình thức cá nhân này. Chẳng hạn, như chính sách miễn, giảm thuế đối với thu nhập cá nhân có thu nhập nhỏ, chuyển giao tài sản (gồm chuyển nhượng, nhận thừa kế, qùa tặng) về bất động sản, chứng khoán, nhượng quyền thương mại, tài sản khác có đăng ký …khi chủ sở hữu đã nắm giữ tài sản trên 12 tháng …
– Cần gộp chung việc kê khai thuế đối với các khoản thu khác nhau trong cùng một Tờ khai thuế và sử dụng Tờ phụ lục (Supplement) có thể gắn thêm nhiều trang khi có phát sinh những khoản thu nhập cần kê khai chi tiết thêm, như vậy sẽ giảm bớt nhiều mẫu biểu kê khai riêng biệt nhằm giản tiện cho việc sử dụng những thông tin kê khai chung và đồng thời tổng hợp số liệu được nhanh chóng trong cùng một Tờ khai thuế;
– Cần cho phép các khoản lỗ của từng loại thu nhập được bù trừ thu nhập lẫn nhau và nếu còn lỗ thì được chuyển lỗ trong 5 năm tiếp, như vậy sẽ công bằng hơn như Úc đã áp dụng từ lâu và cũng không khống chế số năm chuyển lỗ;
– Cần tiến tới xây dựng một luật thuế thu nhập chung nhưng áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau như: cho doanh nghiệp, cho cá nhân …để tránh sự không công bằng khi tách riêng ra nhiều sắc thuế trực thu. Có thể tham khảo ở Úc họ đã xây dựng thành công trong một luật thuế thu nhập (The Income tax assessment Act);
Để thực hiện việc kê khai, tính toán thuế của cá nhân được chính xác, nhanh chóng và thuận tiện thì cơ quan thuế cần xây dựng công cụ hỗ trợ từ mức độ thấp như phần mềm mã vạch kê khai thuế, tiến tới xây dựng kê khai thuế trực tuyến (online) với công cụ thực hiện chữ ký điện tử (digital certificate) cấp riêng cho từng cá nhân muốn chọn phương thức kê khai trực tuyến.
Việc triển khai thành công sắc thuế này không chỉ góp phần nâng cao tính chất minh bạch, công bằng và nhân đạo của khoản thu nhập trong dân chúng mà còn tác động qua lại trực tiếp đến thuế trực thu khác như thuế TNDN, khi nó tiếp tục chi phối DN tư nhân cũng do một cá nhân làm chủ.
Theo VACPA
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông