Kiến thức Đãi ngộ Nhiều lao động không đủ sức nếu tăng tuổi nghỉ hưu

Nhiều lao động không đủ sức nếu tăng tuổi nghỉ hưu

2
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động, song theo nhiều chuyên gia y tế và việc làm, điều này chưa thực sự phù hợp với thể chất, tính chất của phần lớn lao động người Việt.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa


Nhiều băn khoăn

Theo đại diện Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em: Việc tăng tuổi nghỉ hưu phải làm sao để thực sự khách quan, khoa học, tránh tình trạng người có trình độ thì bị hạn chế khả năng làm việc còn người không đủ năng lực vẫn “y nguyên vị trí”. Để làm được điều đó các cơ quan quản lý có thể hạn chế độ tuổi nhất định cho từng vị trí công việc, nếu quá tuổi có thể chuyển sang làm chuyên gia, cố vấn…

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ từ 55 lên 58, và nam từ 60 lên 62 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Phần nhiều trong đó đều cho rằng tuổi nghỉ hưu hiện tại (nữ 55 tuổi và nam 60 tuổi) phù hợp với khả năng lao động và tuổi thọ trung bình của người Việt. Thậm chí, những người lao động làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay nghề nghiệp đặc thù như công nhân hầm mỏ, xây dựng, cầu đường, giáo viên mầm non… thường lựa chọn nghỉ hưu sớm. Theo số liệu khảo sát thực tế, tuổi nghỉ hưu trung bình của nhóm lao động trực tiếp chỉ đạt 52,6 tuổi đối với lao động nữ, 55,6 tuổi đối với lao động nam, thấp hơn mức tuổi pháp luật quy định.

Chị Đào Thị Thu Trang, Xuân Hòa, Mê Linh, Vĩnh Phúc băn khoăn: Đối với những công nhân trong ngành dệt may như chúng tôi, 55 tuổi nghỉ hưu đã là quá sức. Việc tận dụng sức lao động, kéo dài tuổi hưu là không thể bởi vì do đặc trưng công việc phải ngồi một chỗ và nhìn máy móc nhiều giờ liên tiếp trong ngày nên qua 40 tuổi mắt đã kém, chân tay run, không thể làm tốt công việc cần phải tỷ mỷ, khéo léo này.

Với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, tuổi nghỉ hưu bắt đầu khi tình trạng sức khoẻ của người lao động giảm sút và kết thúc ở các thời điểm khác nhau tuỳ thuộc sức khoẻ của mỗi cá nhân trong mỗi ngành nghề, lĩnh vực công tác khác nhau. Với những ngành nghề công tác trong môi trường ít độc hại hay các cơ quan hành chính sự nghiệp, việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu có thể phù hợp, song với một số nhóm ngành nghề lao động nặng nhọc độc hại nằm trong danh mục quy định của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, chuyện tăng tuổi nghỉ hưu là bất khả thi bởi những đối tượng này hầu như chỉ có mong muốn nghỉ trước thời gian luật định.

“Khi đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu cần phải xem xét hai yếu tố, thứ nhất là yếu tố sức khỏe, thể chất, điều kiện môi trường làm việc của người lao động, nhất là lao động nữ. Đối với khu vực doanh nghiệp sản xuất như dệt may, da giày, cao su, xây dựng…, người lao động khó có thể làm việc cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu như đề xuất. Thứ hai, nếu tăng tuổi hưu sẽ làm tăng sức ép về việc làm, giảm cơ hội phát triển đối với lao động trẻ”, ông Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.

Cần thận trọng

Không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu ông Nguyễn Huy Quang nêu ý kiến tuổi nghỉ hưu của người lao động là phạm trù tổng hợp do nhiều yếu tố chủ quan và khách quan tác động tới và chịu ảnh hưởng bởi các điều kiện kinh tế- xã hội của đất nước. Do vậy, không thể áp đặt một cách chủ quan và duy ý chí với một yếu tố nào đó để điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng mà phải nghiên cứu, xem xét một cách khoa học để lựa chọn phương án chính sách tốt nhất đề xuất cho việc hoạch định chính sách BHXH đối với người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng.

Theo ông Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, việc tăng tuổi nghỉ hưu là một chủ trương đúng đắn nhằm tận dụng chất xám của đội ngũ lao động có trình độ trong xã hội, song việc tăng thế nào, đối tượng nào nên tăng thì cần cân nhắc, bàn bạc kỹ càng bởi số lượng lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng có nhu cầu nghỉ ngơi không phải không có.

Đại diện Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em, Bộ Y tế thì cho rằng, vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu đối với hai giới nói chung và lao động nữ nói riêng cần được nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc, bởi nó liên quan đến quyền lợi, nguyện vọng về sức khỏe của lao động nữ và truyền thống gia đình với đặc điểm giới tính và vai trò làm vợ, làm mẹ của phụ nữ Việt Nam và trong tổng thể chung về tuổi nghỉ hưu của lao động nữ trong các lĩnh vực công tác khác nhau.

Nêu quan điểm về việc tăng tuổi nghỉ hưu, tại Tọa đàm Tăng lương tối thiểu và chính sách xã hội do Viện Nghiên cứu kinh doanh và Viện Hanns Seidel (Đức) tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu nghề nghiệp ủng hộ việc tăng tuổi nghỉ hưu nhưng việc tăng này chỉ nên áp dụng với một số đối tượng và phải trên tinh thần tự nguyện, bởi bên cạnh những người muốn cống hiến tiếp cho xã hội cũng có những người muốn được nghỉ ngơi, Nhà nước không thể ép buộc họ. “Vậy nên điều cần nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước cần có cách thức tiến hành phù hợp để đỡ lãng phí một nguồn nhân lực cho xã hội”, bà Minh Hạnh nhấn mạnh.

Còn quan điểm của bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội thì cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu cần một lộ trình dựa trên những nghiên cứu khoa học căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam và lộ trình này có thể kéo dài 15-20 năm. Tới đây, việc tăng tuổi hưu cần phải tính tới cả vấn đề giới giữa lao động nam và nữ.

Theo hải quan

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không