Kể từ khi Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/06/2003 được ban hành, gần 6 năm đã trôi qua, có một “Điều” tưởng chừng như đơn giản, được hầu hết DN bê nguyên vào Điều lệ của mình mà không hề nghĩ rằng một ngày nào đó nó có thể là vàng nếu quan tâm nghiên cứu và hiểu hết về nó. Phải chăng vì đó là Điều mang con số chẳng lấy gì làm đẹp lắm – Điều 13: Kỳ Kế toán?
Từ sự vô tâm: DN đang hoạt động, DN chuyển đổi, DN mới thành lập… sau thời gian đầu hoạt động cứ đến kỳ kế toán thứ hai là phải bắt đầu từ ngày 01/01 hàng năm, phải kết thúc vào ngày 31/12 năm đó, điều đó dường như đã trở thành tiền lệ, máy móc, cố hữu, người ta thường không quan tâm nghiên cứu xem nó có ảnh hưởng như thế nào đối với DN mình (xa hơn là sự phát triển của nền kinh tế) hay không. Ôi dào! Có gì đâu, từ xưa đã thế rồi, năm nào mà chả thế. Dù là công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, thương mại; dù là ngân hàng, tài chính, bất động sản; dù là sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ; dù là đồng bằng, miền núi hay hải đảo…cứ 01/01 là vô, mà 31/12 là hết. Vô tâm đến thế là cùng!
…đến lao tâm kế toán: Thế là cứ đến ngày đã định (31/12), ở các DN, người ta đua nhau khóa sổ kế toán, lập báo cáo tài chính quý, năm cho kịp. Các nhân viên kế toán, kế toán trưởng, rồi biết bao người có liên quan tới hệ thống quản lý của DN, từ sếp to đến sếp nhỏ, cứ là chóng hết cả mặt; nào là kiểm kê, thanh toán, tính toán, lo toan cân nhắc thiệt hơn, lúc thì nhớ thứ nọ, lúc thì quên thứ kia, lúc thì sót tí chi phí, lúc lại quên tí doanh thu…, thỉnh thoảng lại gặp ông khách hàng khó tính chưa chịu thanh lý hợp đồng để xác định doanh thu…, nhức hết cả đầu! Các chị kế toán chưa kịp chuẩn bị cái Tết Dương lịch cho gia đình, chồng con, ngẩng mặt lên lại thấy đầy đường người ta rủ nhau đi sắm Tết Nguyên đán, sốt hết cả ruột, báo cáo tài chính cuối năm vẫn cứ chính xác thì quá là tài!
Khổ trí kiểm toán: Rồi đến một ngày, người ta lại ùn ùn đến kiểm toán, hợp đồng đã ký rồi, khi thì công ty này nhắc, lúc lại DN kia gọi, không nhanh thì làm sao kịp báo cáo cấp trên, báo cáo cổ đông, báo cáo thiên hạ. DN thì đông nghìn nghịt, các công ty kiểm toán có một tí thế, không bị “ép chảy nước” ra mới là lạ. DN vất vả cung cấp tài liệu, giải trình, báo cáo…, công ty kiểm toán xem xét, điều tra, phân tích, kiểm tra… Báo cáo kiểm toán không chút sai sót nào, chất lượng lại cao thì đến “Tây” cũng phải khen tài ấy chứ!
Làm khó thị trường: Mỗi khi đến mùa cổ tức, mùa đại hội đồng cổ đông, người ta lại đua nhau “trảy hội”, đua nhau trả cổ tức, lúc thì cổ phiếu, khi thì tiền mặt, DN lãi ít trả ít, DN lãi nhiều trả nhiều, có DN gặp khó khăn cũng cố trả cho “bằng anh bằng em” (hoan hô PPC vì dám hoãn trả cổ tức!). Phát hành cổ phiếu thưởng, phát hành thêm để tăng vốn cứ ào ào tràn ngập thị trường, bất chấp TTCK đang thuận lợi hay đang khó khăn… Thật là làm khó cho nhà đầu tư, làm khó TTCK.
Và đánh đố nhà đầu tư: Những tưởng ngày đêm mong ngóng được đọc báo cáo tài chính của DN cho biết tình hình kết quả làm ăn ra sao, ai ngờ cầu được ước thấy, cả đời chưa làm báo cáo tài chính bao giờ, cũng chưa làm sếp chuyên duyệt báo cáo tài chính bao giờ, ấy thế mà trong có vài hôm lại được xem một lúc cả trăm báo cáo tài chính của các DN niêm yết, từ nhỏ đến lớn, từ không tên đến các đại gia tên tuổi, vốn lên tới vài ngàn tỉ đồng. Cũng phải cố mà xem, không nhanh, nhỡ mai DN bị đưa vào diện bị kiểm soát, không biết mà bán kịp thì chết chứ chẳng chơi. Thế là chất lượng nghiên cứu báo cáo tài chính của nhà đầu tư cũng tài ấy chứ!
Hãy biến Điều 13 thành vàng: Theo Luật Kế toán hiện hành, DN có thể chọn 1 trong 4 loại kỳ kế toán: kỳ kế toán năm dương lịch bắt đầu từ 01/01 và kết thúc vào 31/12; kỳ kế toán năm dương lịch bắt đầu từ 01/4 và kết thúc vào 31/3 năm sau; kỳ kế toán năm dương lịch bắt đầu từ 01/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau; kỳ kế toán năm dương lịch bắt đầu từ 01/10 và kết thúc vào 30/9 năm sau. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, nếu lựa chọn sự thay đổi kỳ kế toán năm 2009 là năm đầu tiên (theo kỳ từ 01/4 đến 31/3 năm sau) thì thời gian của năm tài chính này sẽ là 15 tháng – tính từ ngày 01/01/2009 đến ngày 31/3/2010, đủ thời gian cho DN có thể chịu đựng khó khăn và đứng dậy vào cuối năm 2009 và quý I/2010). Số DN niêm yết trên cả hai sàn chứng khoán mới chỉ có chưa đến 400, một ngày nào đó sẽ là 4.000, vậy các DN hãy chọn cho mình kỳ kế toán hợp lý, phù hợp với tổ chức, mô hình, đặc thù, điều kiện của mình, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất – kinh doanh của DN, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán, có lợi cho nhà đầu tư và cho sự phát triển bền vững của TTCK. Hãy học theo CTCP Tập đoàn Hoa Sen – DN duy nhất trên sàn HOSE đã chọn lựa kỳ kế toán theo đặc thù của mình (từ 01/10 đến 30/9 năm sau).
Theo ĐTCK
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông