Kiến thức Tài chính kế toán Ví dụ kinh điển về cán cân lãi lỗ thay đổi sau...

Ví dụ kinh điển về cán cân lãi lỗ thay đổi sau kiểm toán

1288
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamCâu chuyện Tổng CTCP Vinaconex nếu thực hiện điều chỉnh theo ý kiến kiểm toán viên (KTV) sẽ khiến cán cân lỗ – lãi bị thay đổi, đang thu hút sự quan tâm của đông đảo NĐT. ĐTCK đã phỏng vấn ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, tại sao đã có chuẩn mực kế toán về trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá, nhưng vẫn có sự vênh nhau giữa công ty kiểm toán (CTKT) và DN như trường hợp tại Vinaconex?

Theo tôi, dự phòng là số liệu ước tính nên sự khác nhau là điều bình thường. Về trường hợp tại Vinaconex, tôi cũng đã có dịp trao đổi với KTV thực hiện kiểm toán DN này. Ở đây có liên quan đến hoạt động của công ty mẹ – công ty con. Gọi là mẹ – con nhưng thực ra 2 DN đều hạch toán độc lập. Mẹ đứng ra vay tiền đầu tư, sau một thời gian giao cho con tiếp quản khai thác, kinh doanh.

Thứ hai là thời điểm chuyển giao dự án nhà máy xi măng trên giấy tờ và trong thực tế là rất khác nhau. Thực tế có thể bàn giao rồi nhưng văn bản, giấy tờ chưa quyết toán, chưa tính tổng giá trị công trình, chưa bàn giao chính thức. Nếu chỉ nói là tính đến thời điểm cuối năm 2008 chẳng hạn thì rất khó xác định chính xác, cụ thể vào ngày, tháng nào. Nếu xác định đó là thời điểm đã bàn giao thì tất cả trách nhiệm thuộc về công ty con, nhưng nếu dự án đó chưa bàn giao, quyết toán thì trách nhiệm thuộc về công ty mẹ. Vướng ở chỗ xác định thời điểm bàn giao.

Theo Chuẩn mực kế toán số 10, trong thời gian công trình chưa đưa vào sử dụng thì chênh lệch tỷ giá hạch toán thành khoản riêng, sau đó phân bổ trong vòng 5 năm…, chứ không tính vào giá trị công trình như Vinaconex giải thích. Thực ra là tính cho đơn vị sử dụng nhưng tính như một tài sản riêng để khấu hao, đó là chênh lệch trong quá trình đầu tư. Còn khi đã hoạt động, nếu phát sinh chênh lệch tỷ giá thì được tính vào chi phí sản xuất – kinh doanh của đơn vị sản xuất.

Trong một BCTC đã kiểm toán mà CTKT ngoại trừ nhiều điểm nhưng DN được kiểm toán không điều chỉnh theo và vẫn thực hiện chia cổ tức. Điều đó có vi phạm chuẩn mực kế toán không, thưa ông?

Trên thực tế thì đã có nhiều trường hợp như vậy. Điều chỉnh hay không là do HĐQT, ĐHCĐ quyết định chứ KTV không ép buộc được. Chẳng hạn, vấn đề trích lập dự phòng chênh lệch tỷ giá nói riêng và các khoản trích lập dự phòng nói chung liên quan đến việc thận trọng hay không thận trọng của DN. Nếu không muốn trích lập dự phòng mà thực hiện chia lãi ngay thì tiềm ẩn nhiều rủi ro về sau. Phần lớn NĐT ngắn hạn sẽ không ủng hộ việc trích lập đầy đủ dự phòng, nhưng cổ đông dài hạn lại muốn đảm bảo nguyên tắc thận trọng… Điều đó đòi hỏi DN phải tính toán hợp lý.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, KTV phải thực hiện kiểm toán theo nguyên tắc thận trọng cao nhất, tính cho NĐT mức độ rủi ro cao nhất, còn quyết định cuối cùng thuộc về NĐT và cả DN. Ngay cả khi DN sai, giấy tờ không đầy đủ thì kiểm toán chỉ có thể cho DN biết là bị thiếu chứng từ và việc đó ảnh hưởng như thế nào, còn việc sửa hay không là do DN. Kiểm toán độc lập không thể bắt buộc mà chủ sở hữu mới là người quyết định việc đó.

Mặc dù không quy định, nhưng việc một BCTC đã kiểm toán có quá nhiều điểm ngoại trừ và DN cố tình không thực hiện điều chỉnh theo ý kiến của KTV cho thấy hạn chế về tính chuyên nghiệp cũng như mức độ minh bạch trong quản trị của DN đó.

Gần đây, nhiều DN trước khi kiểm toán thì có lãi nhưng sau khi kiểm toán lại bị lỗ. Ông giải thích điều này như thế nào?

Tình trạng này chủ yếu liên quan đến việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán tại các DN có hoạt động đầu tư tài chính. Như tôi đã nói, điều này xuất phát từ quan điểm của DN về vấn đề trích lập dự phòng. Theo DN thì khoản đầu tư này không phải trích lập hoặc trích lập ít, nhưng KTV tuân theo chuẩn mực kế toán thì phải trích lập và mức trích lập dự phòng có thể cao hơn mới đảm bảo an toàn tài chính và như thế là từ lãi thành lỗ. Hiện nay, có một số vướng mắc liên quan đến cổ phiếu chưa niêm yết. Nếu không có giao dịch thì khó có thể xác định được đâu là giá giao dịch thật để xem DN phải trích lập bao nhiêu. Về góc độ tài chính, tôi nghĩ cần sớm có hướng dẫn cụ thể vấn đề này. Mặc dù hiện nay chưa có chế tài cho các công ty có BCTC từ lãi thành lỗ, nhưng việc chỉ ra hiện tượng này cho thấy vai trò ngày càng cao của KTV độc lập. Và NĐT càng cần phải tham khảo ý kiến KTV hơn trước khi ra quyết định đầu tư.

BCTC tóm tắt có phải là tóm tắt lại BCTC đầy đủ không? Vì sao lại có sự chênh lệch số liệu giữa hai loại báo cáo này?

Theo quy định hiện hành (Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC), Nhà nước chỉ cho phép lập BCTC tóm lược (tóm tắt) cho BCTC giữa kỳ. BCTC năm trong mọi trường hợp đều phải lập dạng đầy đủ. Tuy nhiên, khi công bố BCTC năm, bên cạnh việc công bố BCTC đầy đủ, trong một số trường hợp khi trình ĐHCĐ hoặc công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, do hạn chế về điều kiện công bố, DN có thể đăng tải BCTC dạng tóm tắt. Tôi phải khẳng định là BCTC tóm tắt bắt buộc phải lấy từ BCTC đầy đủ đã được kiểm toán. Trong trường hợp đó, theo Chuẩn mực kiểm toán số 720, BCTC tóm tắt cũng phải được KTV – người đã kiểm toán BCTC đầy đủ – kiểm tra và xác nhận là đã phù hợp với BCTC đầy đủ đã được kiểm toán với ý kiến của KTV là “chấp nhận toàn phần” hay “ngoại trừ”…

Tôi cũng xin trả lời rõ ràng rằng, về cùng một chỉ tiêu thì BCTC đầy đủ và BCTC tóm tắt phải như nhau. Sự khác nhau chỉ là BCTC tóm tắt sẽ bỏ bớt một số chỉ tiêu chi tiết hoặc phần giải trình.

Theo ĐTCK

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không