Thành lập Hợp tác xã mà không vì mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu kinh tế thì chúng ta lập ra để làm gì? Xã viên Hợp tác xã tham gia vào Hợp tác xã không gì khác cũng để tìm kiếm lợi ích.
Xung quanh những nội dung của Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông trao đổi
Có quan điểm cho rằng, Hợp tác xã không phải đặt mục tiêu lợi nhuận là cao nhất nhưng vẫn phải đạt được hiệu quả về mặt kinh tế. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
Thành lập Hợp tác xã mà không vì mục tiêu lợi nhuận, không vì mục tiêu kinh tế thì chúng ta lập ra để làm gì? Nhưng trong lập luận cũng như tờ trình để giải trình về vấn đề này, chúng tôi khẳng định, đây là vấn đề rất bản chất của Hợp tác xã để phân biệt sự khác biệt giữa Hợp tác xã và Doanh nghiệp (DN). DN tìm kiếm mục tiêu tối ưu hóa lợi nhuận từ đồng vốn mình bỏ ra, lợi nhuận đấy được chia theo tỷ lệ góp vốn của người sở hữu trong DN. Còn đối với Hợp tác xã, chúng tôi gọi là đối nhân, tức là xã viên Hợp tác xã tham gia vào Hợp tác xã để tìm kiếm lợi ích. Chúng tôi bám sát 7 nguyên tắc của Liên minh Hợp tác xã quốc tế, 7 khuyến cáo đều khẳng định, Hợp tác xã khác hẳn với DN ở bản chất. Đó là đi tìm kiếm lợi ích cho xã viên ở trong Hợp tác xã, chứ không phải mục tiêu lợi nhuận là cao nhất, mặc dù hiệu quả cuối cùng vẫn là hiệu quả kinh tế. Bất cứ quốc gia nào bám sát 7 nguyên tắc về nguyên lý của Hợp tác xã thì phong trào Hợp tác xã ở quốc gia đó sẽ phát triển, nếu xa dời thì sẽ bị “đổ bể”.
Để minh họa, ông có thể dẫn chứng một ví dụ cụ thể?
Nếu bà con nông dân đi mua lẻ thuốc trừ sâu, giống lúa, phân bón… thì sẽ rất đắt, có thể từ 20 – 30%. Nhưng là Hợp tác xã thì có thể hợp tác lại với nhau để cùng mua chung, chẳng hạn 1.000 người cùng mua thuốc trừ sâu, phân bón, dịch vụ kỹ thuật như cày, bừa, con giống… thì không những mua được với giá bán buôn, mà còn đảm bảo được về mặt chất lượng. Bà con đi mua lẻ DN bán hàng thường thiếu trách nhiệm, nhưng khi đã là Hợp tác xã, là một tổ chức kinh tế, lúc này Hợp tác xã đại diện là một pháp nhân có quan hệ giao dịch với nhà cung cấp dưới dạng một hợp đồng kinh tế. Với bất kể một nhà cung cấp nào mà được giao thương với tổ chức có hàng nghìn khách hàng, thì họ sẽ phải biết giữ chữ tín.
Theo ông, vào Hợp tác xã có phải là phương thức “kháng lại” những khiếm khuyết của thị trường mang lại?
Trong nền kinh tế thị trường thường xảy ra tình trạng “cá lớn nuốt cá bé”, làm cho bộ phận yếu thế trong xã hội không có tiếng nói của mình, và chịu thiệt thòi rất nhiều. Chính vào Hợp tác xã là để “kháng lại” những khiếm khuyết trên thị trường mang lại. Mục tiêu của Hợp tác xã không phải dành cho người giàu.
Còn vấn đề chính sách ưu đãi cho các Hợp tác xã hiện nay?
Nếu đặt ra vấn đề “làm mồi”, như mở ra Hợp tác xã thì sẽ được hưởng chính sách sẽ thuộc về nhận thức. Đặt mục tiêu lập ra Hợp tác xã để hưởng các chính sách về tài chính của Chính phủ thì chắc chắn sẽ thất bại. Cái quan trọng là phải làm cho người dân hiểu được rằng, tham gia vào Hợp tác xã trước tiên phải dựa trên tinh thần tự nguyện, họ thấy việc tham gia vào đây sẽ đem lại lợi ích chung cho mình. Những Hợp tác xã thành công thường là những Hợp tác xã có ý chí, quyết tâm của bản thân từng xã viên trong Hợp tác xã đấy. Nhà nước chỉ như “chất xúc tác” tạo điều kiện về mô hình, chuyển giao công nghệ…
Để tiếp cận được nguồn vốn, tại sao chúng ta không thành lập ngân hàng Hợp tác xã?
Chúng tôi thấy trên thế giới chưa có khái niệm này, nhưng có khái niệm về hỗ trợ chính sách tiếp cận về tín dụng, tiếp cận vốn cho Hợp tác xã. Chính phủ sẽ ban hành những chính sách này. Có một số ý kiến đưa ra rằng, tại sao không quy định cứng, chính sách rõ ràng luôn trong luật. Nhưng trên thực tế, nếu quy định cứng mà nguồn lực của Chính phủ không đủ ở từng thời kỳ, từng thời điểm thì sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ đặt ra, không đáp ứng được yêu cầu của người dân. Lúc đó có thể Nhà nước sẽ bị mất uy tín trước dân.
Chúng tôi đặt ra, sau khi có luật Chính phủ sẽ có trách nhiệm tùy theo tình hình thực tế của từng thời kỳ.
Theo eFinance
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông