Kiến thức Tài chính kế toán Công ty mẹ – con không chung doanh nghiệp kiểm toán?

Công ty mẹ – con không chung doanh nghiệp kiểm toán?

238

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Hồi trung tuần tháng 6, không ít vị đại diện quản lý vốn tại các DN thành viên Tổng công ty Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đã rơi vào tình huống khó xử khi nhận được công văn của tổng công ty này yêu cầu lựa chọn công ty TNHH Deloitte Việt Nam thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009. Khó xử vì việc lựa chọn công ty kiểm toán (CTKT) là do HĐCĐ quyết định và phần lớn đã thực hiện trong những tháng đầu năm, tuy nhiên ý kiến của lãnh đạo Tổng công ty cũng không thể không xem xét.

Nhanh do hiểu cả “mẹ” lẫn “con”

Theo tìm hiểu của ĐTCK, lý do Vinaconex yêu cầu các công ty con lựa chọn chung một CTKT là để công tác lập và kiểm toán báo cáo tài chính hợp nhất được thuận lợi. Trên thực tế, nhiều DN là các tập đoàn, tổng công ty lớn cũng thực hiện theo cách này.
Ông Nguyễn Ngọc Sự, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn dầu khí (PVN) cũng cho biết, PVN là tập đoàn kinh tế lớn nên mất rất nhiều thời gian để thực hiện báo cáo kiểm toán hợp nhất báo cáo của các DN thành viên. Việc hợp nhất không có khó khăn gì mà cái chính là do có nhiều đơn vị quá. Bản thân các công ty con ở dưới cũng có nhiều đơn vị thành viên và cũng phải thực hiện hợp nhất nên rất lâu. Ông Sự cho biết, nếu không thống nhất lựa chọn một CTKT cho tất cả các thành viên trong Tập đoàn chắc chắn là có khó khăn. Vì mặc dù thực hiện theo các chuẩn mực chung, nhưng vẫn sẽ có những vấn đề CTCK là đầu mối hợp nhất không hiểu rõ bên dưới. Do đó, PVN bao giờ cũng yêu cầu các công ty con chỉ định thống nhất một DN kiểm toán.
Ông Sự cho biết thêm, đôi khi cũng có sự lựa chọn CTKT khác nhau nên PVN phải vận động. Do là cổ đông lớn nắm quyền chi phối tại các DN thành viên, mặt khác các CTKT do Tập đoàn đề xuất là công ty quốc tế, chất lượng dịch vụ tốt, nên phần lớn công ty con đều chấp thuận. Do kiểm toán nhiều thành viên trong Tập đoàn nên chi phí cũng không lớn lắm, và điều quan trọng là tình hình của các đơn vị được nắm từ dưới lên trên nên có nhiều thuận lợi.
Ông Phan Văn Điệp, Phó tổng giám đốc CTCP Thuỷ hải sản Minh Phú (MPC) cho biết, mặc dù có nhiều công ty con (cả ở nước ngoài) nhưng MPC vẫn lựa chọn một đơn vị kiểm toán. Ông Điệp cho biết, CTKT thực hiện kiểm toán cả công ty mẹ và công ty con sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí, do có hiểu biết từ trên xuống dưới, kiểm toán dễ hơn. Mặt khác, khi có nhiều đơn vị trong một công ty lớn cùng ký với một CTKT sẽ được giảm giá.
Đại diện một DN niêm yết cho biết, CTKT thực hiện kiểm toán các công ty con trong tập đoàn vẫn tốt hơn, vì kế hoạch, phương pháp triển khai có những điểm thống nhất. Các tập đoàn lớn trên thế giới đa phần đều lựa chọn một CTCK, nên mặc dù có chi nhánh tại các nứơc trên thế giới thì đều do chi nhánh hoặc các công ty thành viên của hãng kiểm toán đó thực hiện.

Tương đồng 95%

Trên thực tế, có nhiều DN lớn hiện nay vẫn không do một CTKT kiểm toán cả mẹ lẫn con. Đơn cử như Tổng công ty Sông Đà với nhiều DN thành viên đã niêm yết cổ phiếu đã có gần 10 CTKT khác nhau thực hiện kiểm toán. Các DN ngành than, xi măng, bưu chính- viễn thông…, cũng chọn cách làm tương tự.
Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán (AASC), các CTKT được chấp thuận kiểm toán DN niêm yết thì chất lượng dịch vụ và nhân sự cũng không khác nhau quá xa. Vì thế, việc hợp nhất không quá khó khăn nếu các đơn vị trong cùng một tổng công ty lựa chọn CTKT khác nhau.
Ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cho biết, VACPA không khuyến khích DN lớn lựa chọn một CTKT thực hiện kiểm toán cho tất cả các DN thành viên, bởi cách làm này cũng có điểm bất hợp lý. Chẳng hạn, một tổng công ty có các công ty con ở cả nước nhưng CTKT không có chi nhánh thì chi phí đi lại thực hiện kiểm toán sẽ rất lớn. Mặt khác, nếu các CTKT thực hiện đúng nguyên tắc và chuẩn mực kiểm toán thì kết quả kiểm toán cũng tương đồng đến 90-95%, nên việc hợp nhất là không quá khó khăn. Còn những chênh lệch giữa các CTKT về nguyên tắc đều có thể chấp thuận được.
Ông Mai cho biết thêm, chuẩn mực là những nguyên tắc cơ sở còn việc vận dụng như thế nào phụ thuộc vào từng hoàn cảnh, tình tiết nhận thức khác nhau, dẫn đến cách xử lý khác nhau tại mỗi CTKT và tại từng DN được kiểm toán.
Việc có lựa chọn một CTKT cho cả tổng công ty hay không tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể tại mỗi DN và do ĐHCĐ quyết định. Tuy nhiên, theo một chuyên gia tài chính, không loại trừ việc lựa chọn một CTKT cho cả hệ thống DN trong tập đoàn cũng có thể nhằm mục đích dễ xử lý những số liệu được xem là “nhạy cảm”, thậm chí là bưng bít những thông tin gây bất lợi cho DN./.

Theo ĐTCK

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không