Là tài liệu có tính đúc kết, báo cáo thường niên cung cấp ra bên ngoài cái nhìn toàn diện về công ty qua một năm hoạt động. Gọi là báo cáo (annual report) thì nội dung cần đầy đủ và súc tích. Báo cáo cho ai? Trước là giới tài trợ, là cổ đông, trái chủ, ngân hàng. Kế đến là giới quan tâm, là khách hàng, đối tác, nhà đầu tư tiềm năng, giới truyền thông…
Báo cáo thường niên sở dĩ ngày càng được đặc biệt chú trọng do đây là phương tiện truyền tải hình ảnh công ty, khẳng định tính chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu minh bạch, thể hiện sự nghiêm túc và trách nhiệm của giới lãnh đạo quản trị doanh nghiệp. Cho dù có thể có hướng dẫn về một số nội dung, trong thực tế không có (hay không nên có) báo cáo nào giống báo cáo nào. Nghĩa là luôn có sự khác biệtl; luôn cần có sáng tạo để có nét riêng, để tài liệu này có thể được gọi là “tác phẩm”. Tuy nhiên, cũng cần xác định đây là loại tác phẩm để báo cáo, nên yếu tố thẩm mỹ tuy cần nhưng nội dung nghiêm túc sẽ cần hơn. Có thể ví von đây như một sản phẩm của 3Đ: “Đẹp đẽ – Đầy đủ – Đúng đắn”. Một báo cáo thường niên tốt cả “3Đ” có thể đem lại cho giới lãnh đạo quản trị và nhân viên công ty niềm kiêu hãnh. Tham khảo cách làm phổ biến của nhiều nước đã phát triển, một báo cáo thường niên đầy đủ thường gồm chín nội dung cơ bản sau đây:
· Thư của Chủ tịch Hội đồng quản trị: Nội dung này trình bày về bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp trong năm, các điều kiện thay đổi và môi trường kinh doanh, thuận lợi và không thuận lợi. Nội dung không đi sâu vào chi tiết, nhưng đây là thông điệp đầu tiên giúp người đọc có thể biết mục tiêu trong năm có đạt hay không, các biện pháp thực hiện ra sao, kế hoạch sắp tới là gì… Sự trình bày mạch lạc là một ưu điểm. Nhưng tùy mức độ đáp ứng, người đọc có thể sẽ đặt vấn đề có bao quát hay chưa.
· Hoạt động kinh doanh và tiếp thị: Đây là phần giới thiệu về hoạt động bán hàng và cung ứng dịch vụ, cho biết công ty đang làm ăn và kiếm tìm hiệu quả ở lĩnh vực nào, đặc điểm mùa vụ ra sao, thị trường và phân khúc nào… Nội dung cần nêu rõ hoạt động kinh doanh chính và hoạt động nào đã mang lại lợi nhuận cao nhất gần đây. Người quan tâm thường để ý đến các lĩnh vực hoạt động và việc tổ chức kinh doanh tiếp thị của công ty xem có gì nổi bật hay đáng chú ý không.
· Tóm tắt số liệu về tài chính các năm liền kề: Đây là các số liệu tài chính tiêu biểu liên quan đến vốn, doanh số, hiệu quả… Các số liệu theo thời gian gần đây cần được nêu lên để có cái nhìn so sánh. Nội dung này cho thông tin nhanh, rõ và dễ theo dõi, là yêu cầu rất quan trọng và hữu ích đối với nhà đầu tư. Đối với thị trường nước ngoài, tóm tắt số liệu này là của 10 năm liên tục. Ở ta, yêu cầu này chưa được đưa ra, nhưng mức tốt nhất có thể là 5 năm.
· Báo cáo phân tích về quản trị điều hành: Đây là báo cáo của tổng giám đốc, trình bày một cách trung thực và rõ ràng bức tranh hoạt động kinh doanh, tình hình tài chính trong kỳ và các chuyển biến tài chính đáng lưu ý trong vòng 3 năm trở lại đây. Không quá chú trọng thành tích; yêu cầu minh bạch, chính xác, thẳng thắn đi vào các vấn đề thực sẽ được đánh giá cao. Nhà đầu tư có thể đánh giá thấp một số báo cáo chung chung, nghèo nàn, thiếu chiều sâu phân tích, không xác thực… Đây là một cơ sở để đánh giá năng lực quản trị điều hành công ty.
· Ý kiến của kiểm toán độc lập: Ý kiến kiểm toán độc lập như một “chứng thư về chất lượng”. Cho dù không xác nhận hay kết luận tốt xấu, việc nêu lên sự thật với tiếng nói độc lập về các con số (hay số liệu), dựa trên các chuẩn mực nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, sẽ là chỗ dựa quan trọng cho niềm tin của đại chúng đầu tư. Qua ý kiến này, nhà đầu tư không những sẽ biết được tình hình sức khỏe của công ty được kiểm toán, mà còn có thể đánh giá (hay xem xét) bản thân công ty kiểm toán có đủ tầm và “đánh kính” hay không.
· Hệ thống và mạng lưới công ty: Trường hợp công ty có các công ty con, chi nhánh, công ty liên kết… thì cần thông tin rõ các chi tiết liên quan. Hệ thống tổ chức, phân phối hay văn phòng đại diện trong và ngoài nước cũng là những nội dung không thể bỏ sót. Bên cạnh đó, các nhãn hàng, nhãn hiệu, tên hiệu mà công ty đang sở hữu rất cần được giới thiệu.
· Danh sách thành viên Hội đồng quản trị và nhân sự chủ chốt: Hiện nay, người đầu tư rất chú trọng cơ cấu thành viên quản trị trực tiếp điều hành và không trực tiếp điều hành (gọi là nội bộ hay bên ngoài). Do vậy, cần ghi rõ chi tiết này. Các nhân sự điều hành chủ chốt hoặc các vị trí cố vấn cũng được quan tâm. Về phía công ty, phần này là đất để phô trương lực lượng; còn đối với nhà đầu tư thì đây là chỗ để họ tham khảo về phẩm chất đội ngũ quản trị điều hành.
· Lịch sử về giá cố phiếu: Phần này nêu tên sở giao dịch hay thị trường mà cổ phiếu công ty được niêm yết, thời gian niêm yết, ghi nhận các giai đoạn giá lên xuống theo thời gian. Các thông tin khác như việc chia tách (thưởng) cổ phiếu, đặc biệt là quá trình chi trả cổ tức, cũng được yêu cầu thông tin đầy đủ ở mục này.
· Các báo cáo tài chính: Đây là phần cuối cùng, nhưng lại được xem là quan trọng hàng đầu, là phần cốt lõi của một báo cáo thường niên, vì hầu hết thông tin mà nhà đầu tư quan tâm hay muốn có đều nằm ở đây. Chủ yếu là bảng tổng kết kế toán, lưu chuyển dòng tiền và báo cáo kết quả hoạt động. Bên cạnh đó là các chỉ số tài chính cơ bản, tuy nhiên, tùy theo sự quan tâm và yêu cầu tìm hiểu, người đọc báo cáo tài chính có thể tự chọn cách tính toán riêng. Cần lưu ý đến phần ghi chú thuyết minh, vì thông tin ở đó mới có “tên họ” cụ thể.
Như đã nói, do đối tượng sử dụng báo cáo thường niên của một công ty khác nhau nên cách đọc và kết luận rút tỉa sẽ không giống nhau. Với nhà đầu tư chứng khoán, họ thường đi sâu vào hiệu quả về lợi nhuận, khả năng “vượt bão” (survivability), quá trình tăng trưởng của công ty, độ ổn định trong hoạt động và quản trị điều hành, mức chi trả cổ tức, các vấn đề hay rủi ro tiềm ẩn, và những yếu tố khác có thể tác động đến khoản đầu tư của họ đối với công ty đó. Báo cáo thường niên giúp nhà đầu tư dễ dàng theo dõi diễn tiến làm ăn của một công ty. Nhà đầu tư có thể được gửi bản in hay tìm đọc báo cáo thường niên trên các trang tin điện tử.
Đối với doanh nghiệp, đặc biệt là công ty đại chúng, ngoài yếu tố minh bạch, thể hiện chuyên nghiệp, yêu cầu quảng bá, việc thực hiện báo cáo thường niên chu đáo còn là cách tôn trọng công chúng đầu tư và người quan tâm. Sự chuẩn bị và thực hiện tốt tài liệu này là một điểm son trong công tác quản trị điều hành. Tuy nhiên, một báo cáo thường niên có in ấn cầu kỳ mà nội dung kém súc tích, thiên về quảng cáo, nhiều sáo ngữ, có thể sẽ không được đánh giá cao. Mặt khác, báo cáo nội dung đáp ứng đầy đủ mà hình thức và trình bày khô khan, khó đọc, cũng khó thuyết phục. Tốt nhất là phối lại, vừa rõ ràng, trang nhã, vừa súc tích, mạch lạc, dễ đọc… Đây như mảnh đất sáng tạo, là cánh cửa mở ra tầm hạn, là một “work of art” đích thực của công ty.
Theo ĐTCK
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông