Theo số liệu thu – chi ngân sách nhà nước vừa được Bộ Tài chính công bố tại Hội nghị Giao ban tháng 5 và triển khai công tác tháng 6/2012, do bối cảnh kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm phát sinh nhiều khó khăn, nên thu ngân sách tháng 5/2012 chỉ đạt 55.490 tỷ đồng, luỹ kế thu ngân sách 5 tháng đầu năm ước đạt 291.253 tỷ đồng, chỉ bằng 39,3% dự toán. Như vậy, số thu ngân sách tháng 5 giảm 3.450 tỷ đồng so với số thu bình quân 4 tháng đầu năm.
Trong khi đó, chi ngân sách tháng 5/2012 ước là 73.945 tỷ đồng; luỹ kế chi 5 tháng ước 338.021 tỷ đồng, dù chỉ mới bằng 37,4% dự toán, nhưng vẫn tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2011. Tình trạng này đã đẩy bội chi ngân sách 5 tháng đầu năm lên 46.768 tỷ đồng, trong đó, riêng tháng 5 bội chi 18.455 tỷ đồng, gấp 2,6 lần mức bội chi bình quân 4 tháng đầu năm.
Theo Bộ Tài chính, những nguyên nhân khiến thu ngân sách 5 tháng đầu năm không đạt kế hoạch và có tốc độ tăng thu thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây (chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái) là do ảnh hưởng của những khó khăn chung; tác động của việc miễn, giảm, gia hạn một số sắc thuế, khoản thu nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo tinh thần của Nghị quyết 13/NQ-CP; việc cắt giảm thuế nhập khẩu để thực hiện các cam kết quốc tế; nhiều mặt hàng nhập khẩu đóng góp lớn vào số thu ngân sách giảm mạnh…
Theo Báo cáo của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2012 ước đạt 86,3 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2011 (tăng 11,02 tỷ USD). Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 42,86 tỷ đồng, kim ngạch nhập khẩu là 43,48 tỷ đồng, nhập siêu 620 triệu USD.
Việc giảm xuất khẩu các mặt hàng dầu thô, than đá… và giảm nhập khẩu xăng dầu, ô tô – linh kiện ô tô… khiến số thu ngân sách của ngành hải quan trong 5 tháng đầu năm chỉ đạt 77.800 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán và giảm tới 10% so với cùng kỳ năm ngoái (giảm 8.656 tỷ đồng).
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc giảm nhập khẩu chứng tỏ hoạt động sản xuất trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn. “Vì vậy, ngoài chính sách miễn, giảm, gia hạn một số loại thuế theo Nghị quyết 13/NQ-CP, cần phải có thêm các chính sách khác để thúc đẩy sản xuất mới hy vọng tăng thu ngân sách trong những tháng còn lại của năm 2012”, ông Lịch nói.
Vào ngày 12/6 tới, Bộ Tài chính sẽ trình Quốc hội Dự thảo Nghị quyết về các giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012, trong đó có đề suất giảm 30% thuế thu nhập DN đối với DN nhỏ và vừa, DN sử dụng nhiều lao động trong một số lĩnh vực. Theo ông Lịch, đây là những giải pháp cần, nhưng chưa đủ.
TS. Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, một trong những yếu tố cơ bản để bảo đảm thu ngân sách là phải kích thích sản xuất trong nước, mà cụ thể là các giải pháp để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn. “Trong tình hình hiện nay, việc tháo gỡ khó khăn cho DN không chỉ hỗ trợ đầu vào bằng các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế; giảm lãi suất vay vốn ngân hàng và tháo gỡ cơ chế để DN có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, mà còn phải hỗ trợ cả đầu ra bằng các giải pháp kích cầu tiêu dùng. Qua đó, mới kích cầu được đầu tư mới bảo đảm được số thu ngân sách”, ông Ngoạn đề nghị và cho rằng, các giải pháp miễn, giảm, gia hạn thuế, trước mắt, tốc độ tăng thu ngân sách có thể bị ảnh hưởng, nhưng sau một thời gian, khi chính sách đủ “độ ngấm”, khi hoạt động sản xuất – kinh doanh, xuất nhập khẩu, sức mua ở thị trường nội địa phục hồi, thì ngân sách sẽ tăng thu trở lại.
Theo Báo đầu tư
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông