Kiến thức Tài chính kế toán Tố chất của người làm kiểm toán

Tố chất của người làm kiểm toán

7118

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Kiểm toán là một ngành đặc thù, trong đó yếu tố con người đóng vai trò quan trọng, thậm chí là quyết định. Con người ở đây, không ai khác là những người trực tiếp thực hiện việc kiểm toán. Qua bài viết này, chúng tôi đề xuất năm khả năng cần có của người thực hiện công việc kiểm toán.

1/ Khả năng phối hợp làm việc theo nhóm

Kiểm toán không phải là công việc của một cá nhân, mà là của một nhóm người thực hiện, yếu tố phối hợp giữa các thành viên trong nhóm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, mà còn quyết định mức độ hoàn thiện của một cuộc kiểm toán. Vai trò của nhóm trưởng kiểm toán rất quan trọng trong việc vận hành nhóm, điều hành các thành viên xử lý công việc, hướng các thành viên nhìn nhận các vấn đề nảy sinh, cùng nêu ra các ý kiến bàn luận để đưa ra hướng giải quyết phù hợp và hiệu quả nhất.
Làm việc theo nhóm không phải là một việc dễ dàng, nhất là khi có những cá nhân nhận thấy mình “nổi trội” hoặc xuất sắc hơn người khác. Đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm là yếu tố quan trọng và phải có trong một nhóm kiểm.

2/ Khả năng diễn giải thuyết phục cao

Kiểm toán viên nên xem việc diễn giải như một “kỹ năng”,cần có sự chuyên nghiệp và tính thuyết phục cao, chứ không thực hiện nó như một “bản năng”.
Đối tượng sử dụng dịch vụ kiểm toán thường có sự tin cậy vào người trực tiếp kiểm toán. Ngoài việc trang bị chuyên môn cần có, người làm công việc kiểm toán cần có khả năng diễn giải để người nghe tiếp nhận các vấn đề, thông tin một cách nhanh chóng, chính xác và dễ dàng.
Không phải lúc nào người nghe cũng dễ dàng đồng ý với ý nghĩ và các giải pháp của kiểm toán viên, trong một số trường hợp là tư vấn viên. Khi đó, khả năng diễn giải thuyết phục càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với người kiểm toán viên.

3/ Khả năng tư duy logic tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của các giải pháp, các điều chỉnh mà mình đưa ra và kết luận vấn đề phù hợp

Kiểm toán là một công việc mang tính khoa học, tư duy logic sẽ giúp người thực hiện sắp xếp được các công việc cần thực hiện, qua đó tìm ra các giải pháp đúng đắn và kịp thời khi có vấn đề gì đó xảy ra.
Khi phát hiện một sự việc, giữa kiểm toán và khách hàng, hoặc giữa kiểm toán với kiểm toán viên thường xảy ra những quan điểm không đồng nhất, hướng xử lý vấn đề cũng khác nhau. Đôi khi, cùng một vấn đề nhưng bản thân một cá nhân lại có nhiều hướng giải quyết. Chính vì thế, một cá nhân cần có tư duy logic để định ra hướng thực hiện, điều chỉnh sao cho phù hợp nhất.

4/ Khả năng thấu hiểu ý nghĩa và cơ sở lý luận ứng dụng của một vấn đề để nhận diện những điều sai trái hoặc có xu hướng biến thành sai trái

Khả năng này đòi hỏi người kiểm toán phải có nền tảng về chuyên môn vững chắc và biết vận dụng chuyên môn vào thực tiễn. Trên thực tế, những điều sai trái hoặc có xu hướng biến thành sai trái thể hiện rõ hoặc không rõ ràng. Nghề kiểm toán cũng đòi hỏi rộng về các quy tắc ứng xử của các luật lệ trong nghề và các luật khác liên quan. Nếu không hiểu rõ các cơ sở lý luận, sẽ không thực hiện được việc nhận diện những điều sai trái hoặc có xu hướng biến thành sai trái, hoặc khi nhận biết được vẫn không có hướng giải quyết triệt để.

5/ Khả năng nắm bắt và nhận diện chi tiết vấn đề mới nhanh chóng

Công việc kiểm toán là kiểm tra những gì kế toán thực hiện, đa số thực hiện từ tổng hợp rồi xem xét chi tiết, khác với việc thực hiện từ chi tiết đến tổng hợp của kế toán. Ở đây, còn thể hiện năng khiếu con người trong việc nhận biết nội dung kế toán phát sinh cũng như con số kế toán một cách kịp thời. Mặt khác, mỗi khách hàng sẽ có những đặc điểm riêng biệt và không giống nhau, trong khi đó, kiểm toán cần thực hiện công việc trong một thời gian nhất định. Do vậy nắm bắt và nhận diện nhanh chóng một vấn đề là yếu tố luôn cần có của người làm nghề kiểm toán.

Theo CTV Công ty Kiểm toán AS

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không