Nhân viên bán hàng chính là đại sứ thương hiệu của doanh nghiệp (DN), vì vậy, DN cần đặc biệt quan tâm đến họ.
Cuối tuần qua, hơn 100 nhân viên bán hàng của Công ty Thương mại Sài Gòn Food đã tham gia chiến dịch tung hàng Tết, chương trình lần đầu tiên được DN sản xuất thực phẩm đông lạnh này thực hiện kể từ khi thành lập cách đây hơn 13 năm. Tại chương trình, các nhân viên DN này không chỉ được lãnh đạo cấp cao của Công ty chia sẻ chi tiết về các sản phẩm mới, mà còn được huấn luyện các kỹ năng bán hàng.
Hoạt động này nhằm “lên dây cót” tinh thần cho nhân viên để họ có thể hoàn thành tốt trách nhiệm, công việc… của đại sứ thương hiệu của DN. Bà Lê Thị Thanh Lâm – Tổng giám đốc Công ty Thương mại Sài Gòn Food cho biết: “Chúng tôi muốn mỗi nhân viên phải xem mình như đại sứ thương hiệu của Công ty để có thể mang những sản phẩm thương hiệu Sài Gòn Food đến gần người tiêu dùng hơn nữa”.
Tập đoàn FPT cũng là một điển hình trong việc lấy khách hàng làm trọng tâm và các nhân viên bán hàng được xem là đại sứ thương hiệu của DN. Chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn mới đây, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, bí quyết kinh doanh thành công của FPT là không rời xa khách hàng và một trong những bộ phận đảm trách việc này chính là đội ngũ bán hàng, những người thật lòng quan tâm đến khách hàng.
Là một đơn vị thuần về phân phối, Thế Giới Di Động cũng đặc biệt quan tâm đến bộ phận bán hàng. Bởi chiếm phần đông trong hơn 23.000 người làm việc tại Công ty là các nhân viên bán hàng. Ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế Giới Di Động luôn coi trọng đội ngũ này vì cho rằng họ là những người làm nên thương hiệu và cũng chính họ đã, đang và sẽ tiếp tục giúp đưa doanh thu Công ty vượt lên trên những đối thủ khác.
Liên quan đến nhân viên bán hàng, chia sẻ với truyền thông cách đây chưa lâu, bà Nguyễn Nhã Ngọc Trâm Anh – Phó tổng giám đốc điều hành Hanwha Life Việt Nam nói: “Đội ngũ nhân viên chính là yếu tố tạo ra sự khác biệt và đem lại sức mạnh cạnh tranh cho DN”.
Đánh giá về công tác đào tạo đội ngũ nhân viên bán hàng, các chuyên gia marketing và thương hiệu cho rằng, DN cần thay đổi tư duy và công nhận sự đóng góp của những đại sứ thương hiệu này.
Theo bà Trâm Anh, nếu khách hàng là người mang lại doanh thu giúp công ty hoạt động và phát triển thì nhân viên là những người thu hút và giữ chân khách hàng. DN sẽ rất khó làm khách hàng hài lòng nếu như những người trực tiếp tạo nên những trải nghiệm hài lòng cho khách hàng lại cảm thấy không hài lòng.
Để có những đại sứ thương hiệu ấy, trước tiên DN phải tạo sự hài lòng cho nhân viên. Đó là môi trường làm việc tốt, chính sách đãi ngộ xứng đáng để thu hút và giữ chân nhân tài. Bởi nhân tài chính là đại sứ thương hiệu lý tưởng nhất của DN.
Bên cạnh việc nhìn nhận lại vai trò của đại sứ thương hiệu, DN cũng nên xem lại cách kinh doanh cũng như phương thức cạnh tranh trên thị trường. Lâu nay chúng ta quan niệm, thương trường là chiến trường nhưng trong bối cảnh kinh doanh như hiện nay, bà Lâm cho rằng, “thương trường cần được xem như thao trường mà ở đó, sự khốc liệt, khắc nghiệt trong cạnh tranh buộc các nhân viên bán hàng phải dùng cảm xúc, sản phẩm để chiếm được trái tim khách hàng”.
Theo DNSG