Mới đây, Phó Cục trưởng Cục thuế TP.HCM “bật mí” khiến dư luận té ngửa: “ngân hàng công bố hạ lãi suất nhưng lãi suất và chi phí vay vốn của doanh nghiệp không phải thấp như công bố. Cao hơn nhiều. Tôi có hồ sơ đàng hoàng để chứng minh… “.
Tâm sự về điều này, một DN đã nói, cay đắng cho rằng phương tiện thông tin, DN vẫn than vãn khó khăn vay vốn của ngân hàng. Tuy nhiên, đó chỉ mới là một phần, thực tế khủng khiếp hơn nhiều. Nói đúng ra, những doanh nhân dám nói công khai trên báo là những người còn rất hạnh phúc, may mắn vì còn có thể “bình đẳng” góp ý với ngân hàng. Còn lại nhiều doanh nghiệp khác nguy khốn phải cay đắng khi lạc vào mê trận đi tìm vốn vay và không ít câu chuyện bi hài quanh hành trình tìm vốn trong thời khó khăn.
Mánh cũ vẫn hiệu quả
‘Đại gia’ N., công ty T.C trên đường Huỳnh Văn Bánh là người có tiếng trong chuyên kinh doanh đất đai và xây dựng. Cách đây 5 năm, đại gia làm ăn ngày càng phất. Thời đó ông N đã sử dụng điện thoại trị giá 300 triệu đồng. Nhưng bắt đầu từ năm 2008, khủng hoảng kinh tế , tình hình khó khăn, bất động sản đóng băng, xây dựng ế ẩm, công ty lâm vào khó khăn, nợ nần.
Thấy chồng làm ăn khó khăn, bà vợ sao suốt ngày cúng bài, cầu Trời, Phật, thần tài độ trì để vượt qua khó khăn. Đại gia N bực lắm, quát: “Mấy ông ấy biết gì cơ chế thị trường, biết gì khủng hoảng kinh tế, biết gì mà giúp tôi?. Mình hết tiền nhưng còn đất, nhà, công trình… chết sao được”. Tự tin vậy nhưng đại gia N. đâu ngờ dù có tài sản tiền tỷ vẫn bị bọn cò vay vốn lợi dụng lừa cho “lên bờ xuống ruộng”.
Đang lúc khó vốn, bất ngờ có cuộc điện thoại lạ gọi đến tự xưng là người “tư vấn tài chính” muốn giúp “giải chấp” và “vay vốn” ngân hàng. Khi gặp nhau, nhân viên tư vấn tên Thành chia sẻ rất nhiều khó khăn với ông N và đưa ra giải pháp: Muốn vay mới thì phải trả nợ cũ khoảng 20 tỷ! Sẽ có người đứng ra trả số nợ này, tức là chủ tiền, gọi là “giải chấp”! Muốn được “giải chấp” thì phải cung cấp toàn bộ hồ sơ và đưa người “tư vấn” đi “thẩm định”. Nghe xong đại gia N. tặc lưỡi: “Đến nước này thì phải chịu”.
Về công ty, ông gom hồ sơ liên quan của dự án ở tận Cần Thơ, photo ra 5 bản để đưa cho “tư vấn”. Nhận được hồ sơ, xem qua, tư vấn Thành phán: “Tình hình của anh gấp rút lắm, sáng mai đi thẩm định ngay!”. Dù đang khó khăn nhưng ông N cũng bấm bụng bỏ ra mấy chục triệu để đưa “tư vấn” xuống Cần Thơ thẩm định, rồi phong bì chào hỏi bước đầu cũng không phải là nhẹ.
Nói là đi thẩm định, nhưng tư vấn rủ cả đoàn gia đình bạn bè xuống Cần Thơ chơi, rồi dạo qua dự án chụp mấy tấm ảnh bằng điện thoại. Thế nhưng “tư vấn” tự tin cho biết: “Anh cứ an tâm, tuần sau sẽ có tiền giải chấp, giải quyết xong là vay vốn ngay”! Mấy hôm sau Thành nhắn tin: “Việc của anh sắp thành công, chúc mừng anh!”. Nhưng rồi, một tuần sau thành thông báo, việc không thành, ngân hàng từ chối vì hồ sơ xấu quá. Để bù lại, tư vấn Thành hứa giới thiệu cho ông N một nhân vật “cao tay” hơn
Hơn tuần sau, “tư vấn” thông báo đã sắp xếp được cuộc gặp với một trợ lý của sếp ngân hàng tại tiệm ăn Đông Á cũng trên đường Chu Văn An. “Trợ lý” ăn mặc bảnh bao có tên là Ngãi. Ngãi có vẻ “có nghề” hơn cò Thành, hắn nói: ” Hồ sơ của anh để tôi chuẩn bị rồi trình sếp trước khi tiến hành cho nhanh”. Ngãi hỏi thêm vài câu rất “nghiệp vụ” rồi cầm hồ sơ đi. Vài hôm sau, Ngãi yêu cầu gặp để bổ túc hồ sơ. Xem xong Ngãi bảo: “Anh chuẩn bị cho tôi đi thẩm định sớm!”. Dẫu biết rằng thủ tục vay vốn phải có thẩm định nhưng nghe đến từ này sống lưng N nổi gai ốc vì tốn kém. Phải mất 2 chuyến đi “thẩm định” tại Cần Thơ rình rang và tốn kém, hồ sơ vay vốn công ty của đại gia N mới hoàn thành.
Thế nhưng, tất cả trở thành công cốc khi Ngãi thông báo không vay được vốn vì chủ trương ngân hàng thay đổi. “Tình hình thay đổi, Chính phủ chống lạm phát, Ngân hàng không cho vay những hồ sơ xấu như anh nữa”. Ngãi thông báo một cách dứt khoát.
Biết bị lừa, “đại gia” N tâm sự: “Rơi vào thế kẹt này khiến con người mình không thể tỉnh táo, cứ bị lừa hoài. Vì không thể nằm im chờ chết, cứ vùng vẫy, gặp cọng cỏ, cọng rơm là cứ bám. Tiền mất tật mang mà không thể dứt ra, làm “mồi” cho đủ loại cò lừa rỉa”. Tính từ khi lâm vào khủng hoảng đến nay, ông N đã bị lừa nhiều lần, 2 vụ đầu kể trên chỉ là khai cuộc cho hành trình tự đọa đày mình.
Nỗi đau không thể kể
Bà C. là chủ DN nổi tiếng ở TP.HCM. Từ những năm đầu 90, công ty của bà đã nhập các loại đá hoa cương cấp từ Ý về cung cấp cho các đại lý lớn ở TP. Con đường Lý Thường Kiệt đầy những cửa hàng bán vật liệu cao cấp đều của bà chủ C. cung cấp. Sau đó bà C. lao vào bất động sản, thành công cũng không kém. Trong giới kinh doanh, bà C. thuộc loại “có sừng có mỏ”, tiếng tăm không vừa.
Ấy thế mà khi khủng hoảng xảy ra, bà C. lẫy lừng một thời ai cũng ca tụng, nhờ vả nay muốn gặp ai cũng khó, muốn nhờ vả ai thì mới gọi điện thôi đã bị từ chối. “Ngày xưa, cần vốn chỉ cần cuộc điện thoại là có bạc tỷ ngay. “Giờ chạy đi vay chục triệu cũng khó! Gọi ngân hàng nào họ cũng lắc đầu. Tôi đuối như trái chuối rồi!”, bà chủ C. than thở.
Quá bí vốn khiến các đại gia lừng lẫy trên thương trường cũng mắc bẫy cò (ảnh minh họa – LĐ)
Đã đuối như trái chuối nên muốn thoát khỏi tình trạng nằm chờ chết, bà C. ra sức chạy tìm đường thoát ra, thế là “dính chấu” nhiều cú lừa “cười ra nước mắt”. Trong vòng hơn 1 năm, bà đã bị “cò” điều ra Hà Nội gặp đủ nhân vật tự xưng cơ quan này, văn phòng nọ, ngân hàng kia để tìm cơ hội vay vốn.
Bà kể lại: “Như con bệnh phải vái tứ phương, nghe chúng thuyết phúc có nguồn vốn này vốn kia, gởi hồ sơ rồi phải ra ký vay, bí quá nghe theo. Công việc thì cứ hẹn nay, hẹn mai, hết người này đến người khác… lần nào cũng ăn uống, phong bì… tốn kém không kể. Riêng tiền photo tài liệu cũng muốn chết! Mấy hồ sơ gởi đi Hà Nội phải dịch ra tiếng Anh, có ảnh màu, mỗi bộ dày trên 200 trang, mà gởi 6 bộ. Rốt cuộc chẳng được gì! Chỉ tốn tiền trong khi cần phải tiết kiệm từng đồng”.
Bà chủ Th. – vốn là doanh nhân thành đạt ở Bến Tre – gặp cơn bĩ cực phải “hận khóc hết nước mắt” vì cò! Từ TP.HCM, cò T gọi điện xưng là người nhà của sếp một ngân hàng lớn, muốn gặp để giúp giải quyết vốn! Mừng như bắt được vàng, 4 giờ sáng bà đón xe lên Sài Gòn tìm quán cà phê chờ. 8 giờ sáng, cò T. có mặt. Xem qua hồ sơ, T. tuyên bố “khả thi” và lệnh “chị về dưới ngay chuẩn bị, sáng mai có đoàn xuống thẩm định!”. Bà chủ Th. mừng suýt bật ngửa người rồi rít cảm ơn bước đầu phong bì chục triệu.
Sáng hôm sau cò T. và một người đàn ông đứng tuổi đi taxi xuống tận DN của bà Th. 2 người đi xem máy móc, nhà xưởng, hỏi han và tỏ ra thông cảm: “Tiếc quá, cơ sở thế này ngày kiếm vài chục triệu mà phải đóng cửa. Phải chi biết tôi sớm thì đâu ra nông nỗi này!”. Cò T. kéo chị Th. ra nói nhỏ: “Bác Tuệ là thanh tra ngân hàng, quan hệ rất mạnh sẽ giúp giải quyết trong vòng 1 tuần là xong. Quan trọng nhất là chị bồi dưỡng cho bác 10 triệu, trả chi phí giao dịch và tiền xe cộ, ăn uống cho tôi 5 triệu tôi đã chi ra là xong!”.
Nhưng rồi, cuối cùng thì T. lộ mặt là “cò lừa” sau 2 lần xuống Bến Tre “bổ túc hồ sơ” cho bà chủ Th. và lấy thêm 10 triệu nữa! Điện thoại hắn thay số! Giữa Sài Gòn mênh mông biết đâu mà tìm hắn đây?
Có lần hỏi thăm nhau, mấy doanh nghiệp gặp cảnh bị “cò lừa” gặp nhau. Họ cười chua chát: “Chắc chúng ta thành lập hội những doanh nghiệp bị lừa vay vốn” để giúp nhau trong lúc này là thiết thực nhất!”. Hỏi ra mới thấy, doanh nhân nào cũng bị “cò lừa” viếng thăm ít nhất 1-2 lần. Đại gia N., chủ doanh nghiệp L.H, hài hước nói: “Hơn nhau ở chỗ là bị lừa ít hay là bị lừa nhiều thôi!”. Dường như ai cũng nghĩ đã là doanh nghiệp thì phải có tiền, thực ra rất nhiều doanh nghiệp luôn thiếu tiền hơn người bình thường. Gặp lúc khủng hoảng, sự túng thiếu của doanh nghiệp còn gấp bội người khó khăn.
Nắm được điểm yếu đó, bọn “cò” đã biến các ông bà chủ sành sỏi kinh doanh nay trở thành những con cừu non bị đám “cò” dắt mũi ăn tiền. Thủ đoạn của các “cò lừa” đủ thứ cách, đơn giản có, “có nghề” cũng có. Tuy nhiên, với các doanh nhân đã từng thành công vang dội trên thương trường, bị các “cò” lừa như vậy thật là những vố đau.
Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông