Kiến thức Tài chính kế toán Hệ thống ngân hàng cần gấp rút cải tổ!

Hệ thống ngân hàng cần gấp rút cải tổ!

85
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamSau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam vẫn chưa xác lập được niềm tin vững chắc trong mắt nhà đầu tư quốc tế và cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Mấu chốt của vấn đề dường như nằm ở một hệ thống ngân hàng đang cần được gấp rút cải tổ.
Khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007, các nhà đầu tư trên thế giới đều coi Việt Nam là một cơ hội vàng, một điểm đến hấp dẫn còn lại của châu Á. Tuy nhiên, sau 5 năm, thứ tự xếp hạng tín nhiệm rủi ro tín dụng quốc gia (IDR) của Việt Nam của giới phân tích đầu tư chuyên nghiệp vẫn không được cải thiện nhiều.

Mức tín nhiệm vẫn thấp

Theo tổ chức phân tích và xếp hạng uy tín, Fitch Ratings, định mức rủi ro tín dụng của Việt Nam (IDR) hiện đang ở mức B+, mức rủi ro tương đối cao. Ở mức này, hiện nay các nghĩa vụ nợ vẫn được thanh toán đầy đủ nhưng khả năng trả nợ phụ thuộc rất nhiều vào môi trường kinh tế và kinh doanh có thuận lợi hay không.
Tuy nhiên, môi trường kinh tế quốc tế đang tiềm ẩn nhiều bất lợi đối với Việt Nam. Kinh tế châu Âu vẫn còn ngập trong khủng hoảng nợ công khó có khả năng xử lý dứt điểm trong vài năm tới, trong khi kinh tế Mỹ sự phục hồi vẫn còn rất mong manh, và các nước châu Á đang phải đau đầu với lạm phát. Môi trường kinh doanh trong nước bắt đầu đi vào ổn định với lạm phát được kiềm chế, thanh khoản của hệ thống ngân hàng từng bước được cải thiện, lãi suất đang hạ dần… nhưng tất cả chỉ là bước đầu khi những cú sốc tăng giá của giá xăng, giá điện, giá than, giá dầu vẫn còn đó.
Tính đến tháng 3/2012, những quốc gia cùng xếp hạng tín nhiệm tín dụng B+ như Việt Nam có thể kể đến là Bolivia, Ghana, Kenya, Mông Cổ, Zambia, Venezuela.
Kế đến cũng xếp nhóm B là Cameroon, Lebanon, Rwanda, Uganda, Mozambique. Hy Lạp, Jamaica, và Ecuador cùng trong nhóm B, nhưng là B-, tức là cũng chỉ cách Việt Nam hai bậc nhỏ
Có thể thấy về mức độ tín nhiệm tín dụng quốc tế, Việt Nam chỉ xếp ngang hàng các nước kém phát triển ở châu Phi, trong khi chúng ta ở trong một khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới là Đông Nam Á và nằm ở vị trí chiến lược của khu vực. Một số nước Đông Nam Á có mức tín nhiệm cao hơn Việt Nam khá nhiều, chẳng hạn như Malaysia A-, Thái Lan BBB, Indonesia BBB-, Philippines BB+. Mức tín nhiệm thấp sẽ khiến chi phí vay vốn quốc tế của quốc gia và doanh nghiệp cao hơn, khiến nền kinh tế kém cạnh tranh.

Nền kinh tế quá phụ thuộc vào ngân hàng…

Một đặc điểm cần chú ý là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng.
Trong khi các nước có mức phát triển nhỉnh hơn hoặc tương đồng với Việt Nam có tài sản của hệ thống ngân hàng nhỏ hơn tổng sản lượng quốc gia (GDP), thì tỉ lệ đó của Việt Nam lên tới 128,5%, chỉ đứng sau Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia. Một số chuyên gia ngân hàng kỳ cựu thậm chí còn cho rằng giá trị tổng tài sản của hệ thống ngân hàng có thể gấp đôi GDP và tỉ lệ tổng tài sản ngân hàng/GDP của Việt Nam thuộc hàng cao nhất khu vực. Rõ ràng, dù dưới góc độ đánh giá nào, kinh tế trong nước vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống ngân hàng, do đó tính lan tỏa của hoạt động ngân hàng đến nền kinh tế là rất lớn. Có thể nói rằng bất cứ cú “hắt hơi” của hệ thống ngân hàng cũng sẽ dẫn đến những “cơn cảm cúm” không nhẹ với nền kinh tế.

… song ngân hàng lại nhiều bệnh

Gần đây, tình trạng căng thẳng thanh khoản và thiếu hụt thanh khoản tại một số ngân hàng tỏ ra rất nghiêm trọng. Thực tế số liệu cho thấy tình trạng này có nguyên nhân cơ bản là sự mất cân đối giữa cho vay và huy động của hệ thống ngân hàng Việt Nam thuộc hạng cao nhất nhì trong khu vực. Hầu hết các nước có tỉ lệ cho vay trên huy động tiền gửi từ doanh nghiệp và dân cư dưới 100%; và mức được coi là an toàn hệ thống là 80%. Những nước tương đồng cao với Việt Nam như Indonesia và Philippines có tỉ lệ này rất thấp, trong khi tỉ lệ cho vay/huy động của Việt Nam lên tới 104,2%. Thực tế tỉ lệ này của Việt Nam sẽ còn cao hơn nếu tính toán đủ những khoản tín dụng ẩn mình trong trái phiếu, ủy thác đầu tư, đặt cọc mua trái phiếu doanh nghiệp… Do đó, nếu không có giải pháp tăng cường huy động hoặc giảm bớt tổng tài sản để phục hồi thanh khoản hoặc có nguồn tiền hỗ trợ ổn định từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thì thanh khoản hệ thống không thể phục hồi bền vững.
Nợ xấu hệ thống ngân hàng theo nguồn của NHNN vào khoảng 3%. Tuy nhiên, các tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế cho rằng số liệu thực tế cao hơn báo cáo. Fitch Ratings cho rằng nợ xấu hệ thống ngân hàng hiện nay đánh giá theo chuẩn quốc tế cao gấp từ 3 đến 4 lần số liệu báo cáo.
Cũng không khó để hiểu được lý do tại sao các tổ chức định mức tín nhiệm này có góc nhìn khá bi quan về tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nợ xấu bất động sản theo báo cáo cũng rất thấp, và khiến người đọc không khỏi hoài nghi khi mà các doanh nghiệp bất động sản đang kêu cứu, thị trường bất động sản trầm lắng và không có giao dịch. Số lượng các doanh phá sản đang có xu hướng tăng, số lượng người đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp tăng trong quí 1-2012 và nợ xấu trong hệ thống doanh nghiệp nhà nước vẫn là một ẩn số.
Trước tình hình đó, khả năng phòng thủ của hệ thống ngân hàng Việt Nam tỏ ra rất hạn chế khi tỉ lệ an toàn vốn khá thấp so với các nước trong khu vực. Tỉ lệ vốn cấp 1 của một số ngân hàng lớn trong nước chỉ vào khoảng 9% trong năm 2011, khá thấp so với các ngân hàng đồng hạng trong khu vực. Nếu xét toàn hệ thống, tỉ lệ an toàn vốn của Việt Nam cũng đứng hàng thấp nhất trong khu vực (8,5%). Trong tình hình hiện nay, việc tăng vốn và bổ sung vốn từ các nguồn là một yêu cầu cần thiết để tăng tính ổn định và năng lực đối phó rủi ro trong bối cảnh nợ xấu tiềm ẩn và kinh tế vĩ mô còn không ít khó khăn.

Cần cấp bách cải tổ hệ thống ngân hàng

Qua phân tích ở trên, có thể thấy sau 5 năm gia nhập WTO, Việt Nam vẫn còn nhất nhiều việc phải làm để cải thiện chính mình trong con mắt nhà đầu tư quốc tế và cải thiện năng lực phát triển nền kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Để làm được những điều đó, hệ thống ngân hàng cần phải được cải tổ một một cách mạnh mẽ nhằm giải quyết nợ xấu, xử lý thanh khoản, tăng cường năng lực quản trị và quản trị rủi ro, và bổ sung vốn để chống đỡ rủi ro trong tương lai.

Theo TBKTSG

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không