Kiến thức Đãi ngộ Hãy ước mơ về giá trị của mình chứ đừng mơ về...

Hãy ước mơ về giá trị của mình chứ đừng mơ về những con số ấu trĩ

3
Ví dụ đối với mức lương 2000$, thì chi phí mà công ty bỏ ra cho bạn chắc chắn là gấp đôi như thế, vậy thì bạn phải mang lại giá trị cho công ty ít nhất là 4000$ hoặc gấp đôi con số đó thì mới xứng đáng với những gì công ty đã đầu tư.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Đó là chia sẻ của chị Thanh Nguyễn – Giám đốc điều hành Mạng cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý Anphabe.com về câu chuyện lương 2.000 USD/tháng của sinh viên mới ra trường. Chị Thanh đã có buổi trả lời phỏng vấn chúng tôi xung quanh câu chuyện này.

– Chào chị, dư luận mấy ngày qua nói nhiều về chuyện sinh viên mong muốn có mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng. Câu hỏi của bạn sinh viên năm 3 là: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/tháng?”. Chị sẽ trả lời ra sao nếu được em sinh viên hỏi chị câu trên?

– Thực sự tôi rất ấn tượng về mục tiêu, ước vọng của bạn sinh viên này và nếu bạn đã can đảm đưa ra mục tiêu lớn thì tôi khuyên bạn hãy có cam kết lớn để đạt được mục tiêu ấy. Để trả lời cho câu hỏi làm thế nào thì tôi cho rằng mức lương phụ thuộc vào những giá trị bạn tạo ra.

Ví dụ đối với mức lương 2000 USD, thì chi phí mà công ty bỏ ra cho bạn chắc chắn là gấp đôi như thế, vậy thì bạn phải mang lại giá trị cho công ty ít nhất là 4000 USD, hoặc gấp đôi con số đó thì mới xứng đáng với những gì công ty đã đầu tư.

Thay vì trả lời câu hỏi của bạn, tôi sẽ đặt câu hỏi ngược lại: Thế đâu là những công ty bạn hiện đang nhắm tới? Và nếu được trả mức lương 2000 USD thì bạn có tự tin là mình đem về doanh thu từ 4000 – 5000 USD/tháng cho công ty không? Tôi nghĩ rằng khi bạn trả lời được câu hỏi này, hiểu được những giá trị bạn tạo ra thì bạn sẽ biết mình cần học thêm cái gì và làm như thế nào.

– Chị đánh giá thế nào về mong muốn của bạn sinh viên này? Nhiều người cho rằng bạn ấy quá ảo tưởng trong bối cảnh lương sinh viên mới ra trường thấp hơn con số đó rất nhiều?

– Tôi cho rằng dùng từ ảo tưởng là chưa đúng. Lời khuyên của tôi về vấn đề này chính là: Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng. Những Management Trainee (Quản trị viên tập sự) đặc biệt là Quản trị viên tập sự tại các công ty lớn, được tuyển chọn trong số 1000 sinh viên ưu tú từ các trường thì chỉ chọn ra 10 người cho vị trí này, thế nhưng mức lương của họ thì thấp hơn 2000 USD rất nhiều.

Còn nếu so sánh với sinh viên mới ra trường thì chắc chắn con số đó là điều không thể. Vì vậy nếu bạn đòi hỏi mức lương xứng đáng thì nên hiểu rõ bản thân đang có lợi thế gì. Giống như bạn là người làm dịch vụ, bạn có khả năng lao động còn tôi là người mua. Với 2000 USD tôi mua được những gì từ bạn và bạn có thể đem lại cho tôi những giá trị gì? Những nhà tuyển dụng có thể tuyển những sinh viên Top 1% với mức lương 400-500 USD thì tại sao doanh nghiệp phải đánh cược vào mức lương 2.000 USD.

Cho nên để xứng đáng với con số này đòi hỏi dịch vụ của bạn phải tạo ra nhiều giá trị to lớn và đặc biệt hơn. Một khi bạn hiểu rõ sản phẩm chính mình, biết thị trường ở đâu, bạn sẽ định giá tốt hơn.

– Theo chị điểm mạnh của sinh viên mới ra trường tại Việt Nam là gì và họ cần phải khắc phục những điểm yếu nào để có thể gặt hái được thành công?

– Điểm mạnh của họ chính là sự cởi mở, nhiều cơ hội công việc và nhiều điều kiện để nâng cao khả năng bản thân so với những thế hệ trước. Thế hệ chúng tôi mất ba năm để học những kỹ năng mới nhưng bây giờ các bạn chỉ mất có ba tháng nhờ vào internet, các trang mạng xã hội…

Thế hệ trẻ có cơ hội để “chạy” nhanh hơn, phát triển nhiều hơn. Và đây cũng chính là điểm yếu. Đôi khi các bạn cứ nghĩ việc đi nhiều, làm nhiều là tốt nên không chịu dành thời gian dừng lại ở một vị trí đủ lâu để hiểu sâu, làm sâu, học hỏi những góc cạnh khác nhau, những cơ hội tìm ẩn của một công việc. Vậy nên các bạn có khuynh hướng thích “nhảy lóc cóc” , ba tháng công việc này, 6 tháng công việc khác.

Thực sự khoảng thời gian ngắn ngủi ấy trong công việc chỉ là sự lướt qua, những thứ các bạn học chỉ là bề nổi, còn những cái chiều sâu, những điều thú vị, hay ho trong công việc thì phải có bề dày, kinh nghiệm và tích lũy.

– Một phóng viên đưa ra ý kiến rằng làm giàu là ước mơ chung, nhưng không nhiều người đạt được vì không dành cho số đông. Anh khuyên sinh viên “cứ học đi”, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, giao lưu với giới làm ăn, tìm kiếm công việc làm thêm giàu tính cạnh tranh. Ra trường, bạn trẻ có thể kiếm việc, học thêm Tiếng Anh, kỹ năng sống; apply học bổng MBA, làm tiến sĩ ở các nền giáo dục phát triển… Chị nghĩ sao về quan điểm này?

– Tôi không đưa ra lời khuyên các bạn trẻ nên làm gì vì theo tôi mỗi người sẽ có đam mê khác nhau, định hướng nghề nghiệp riêng. Theo tôi trước khi xác định hướng đi của mình, các bạn phải xác định được ba điều chính:

Thứ 1: Những gì các bạn thực sự thích làm;

Thứ 2 là những gì các bạn làm giỏi vì có những thứ bạn thích nhưng chưa chắc bạn đã giỏi làm và ngược lại;

Cuối cùng là những gì các bạn làm phải tạo ra giá trị cho xã hội, bởi lẽ có những thứ bạn thích làm, bạn làm giỏi nhưng chưa chắc đã đem lại giá trị.

Nếu bạn muốn trở thành thầy giáo, tiến sĩ, nhà nghiên cứu… miễn là được làm những gì bạn đam mê, thuộc về thế mạnh của bạn và tạo ra những giá trị cho xã hội nghĩa là bạn đã thành công và chúng ta có nhiều cách thành công chứ không nhất thiết phải lấy mức lương để làm thước đo.

– Các đối tác nước ngoài của chị thường đánh giá thế nào về năng lực của sinh viên Việt Nam mới ra trường? Họ có sẵn sàng thuê sinh viên mới tốt nghiệp với giá cao không?

– Tôi chắc chắn là họ sẵn sàng thuê sinh viên mới tốt nghiệp với mức lương cao nếu bạn đó tạo ra giá trị cao. Vấn đề là chúng ta có quá ít sinh viên như thế hoặc nếu có thì chưa đủ khả năng tạo ra những giá trị tương xứng cho mức lương ấy. Tóm lại là doanh nghiệp nước ngoài sẵn sàng trả giá cao nhưng không có người để trả.

– Chị còn muốn chia sẻ gì thêm không, ngoài những khía cạnh trên?

– Trong nhiều ngày qua, câu chuyện “Mức lương 2000 USD” đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người và tạo ra khá nhiều ý kiến trái chiều. Cá nhân tôi muốn hướng câu chuyện này trở nên cởi mở hơn, đó là các bạn nếu đã mơ thì hãy mơ lớn, hãy mơ về những giá trị mà mình có thể tạo ra, hơn là gắn thành công của mình bằng những con số ấu trĩ. Năm ngoái chúng ta có câu chuyện mức lương nghìn đô, năm nay là câu chuyện 2000 USD, năm sau có khi lại là 3000 USD… thế là vô hình trung chúng ta sẽ hình thành nếp nghĩ: Lương chính là thước đo thành công.

Lời khuyên của tôi dành cho người đi làm nói chung và thế hệ trẻ nói riêng đó là thành công nghĩa là chúng ta theo đuổi được điều mình đam mê hay không? Chúng ta hàng ngày có đang tạo ra những giá trị cho gia đình và xã hội từ những điều mình làm hay không? Một khi cả bạn và tôi làm ra những giá trị đúng nhu cầu của xã hội thì chúng ta sẽ nhận được lại rất nhiều thứ chứ không chỉ dừng lại ở mức lương.

Theo Trí Thức Trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không