Kiến thức Marketing Xu hướng quảng cáo trên phương tiện vận tải

Xu hướng quảng cáo trên phương tiện vận tải

4
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định 1755/QĐ-TTG, trong đó khẳng định ngành quảng cáo nằm trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) xem Quyết định 1755 là động lực để ngành quảng cáo phát triển. Theo đó, mục tiêu doanh thu ngành quảng cáo Việt Nam đặt ra sẽ đạt 1,5 tỷ USD vào năm 2020 và đến năm 2030 sẽ ở mức 3,2 tỷ USD.

Điều này liệu có khả quan khi nguồn thu đến từ phân khúc quảng cáo ngoài trời – lĩnh vực được cho là đang chiếm khoảng 20% doanh thu của ngành vẫn đang là “nút thắt” phát triển của nhiều doanh nghiệp (DN) quảng cáo Việt Nam?

Đối lập với sự trầm lắng của phân khúc quảng cáo tầm cao (billboard) kể từ khi Luật Quảng cáo có hiệu lực năm 2013, phân khúc quảng cáo trên phương tiện vận tải (transit) xem ra đã gặp thời.

Ngày 12/4/2016, lần đầu tiên TP.HCM đưa 10 xe buýt có quảng cáo bên hông xe vào hoạt động. Việc cấp phép đã được đấu giá công khai và thu hơn 14,6 tỷ đồng, bao gồm tuyến số 27 (Bến Thành – An Sương) và tuyến số 45 (bến xe Quận 8 – Bến Thành – bến xe Miền Đông).

Thông tin từ Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM (Sở Giao thông – Vận tải – GTVT) cho hay, sau thời gian thí điểm từ 3 – 6 tháng, Sở sẽ sơ kết rút kinh nghiệm và đề xuất cấp thẩm quyền Thành phố cho quảng cáo trên tất cả xe buýt.

Đầu đã xuôi

Năm 2015, TP.HCM đã chi 927 tỷ đồng trợ giá cho các tuyến xe buýt. Theo tính toán của Sở GTVT, nếu quảng cáo được lấp đầy trên 2.344 xe buýt thì số tiền thu về ước đạt 170 tỷ đồng/năm, sẽ góp phần đáng kể cho việc giảm ngân sách trợ giá xe buýt.

Có thể thấy, việc cho phép quảng cáo trên xe buýt sau 10 năm trì hoãn cấp phép không chỉ tạo thêm nguồn thu cho Thành phố, mà còn mở ra kênh quảng bá hình ảnh, sản phẩm cho nhiều DN. Việc thực thi quảng cáo này được chia sẻ trên trang web của Công ty Koa Sha Media Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Koa Sha có trụ sở tại Nhật) – đại lý độc quyền được thực hiện thí điểm quảng cáo trên xe buýt ở TP.HCM, cụ thể gồm 10 tuyến với 171 xe.

Số liệu thống kê của VAA cho hay, hiện Việt Nam có hơn 6.000 DN kinh doanh quảng cáo, thực hiện quảng cáo rộng rãi trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng. Thế nhưng việc đấu giá công khai quảng cáo trên xe buýt chưa giúp các DN có được tấm vé chen chân vào lĩnh vực này trên địa bàn TP.HCM.

Bàn về vấn đề này, một đại diện DN với kinh nghiệm hơn 20 năm khai thác quảng cáo ngoài trời (out of home – OOH) cho hay, đối với việc quảng cáo trên xe buýt tại địa bàn TP.HCM, việc mở rộng đấu giá hoàn toàn hợp lý, đem lại lợi ích lớn cho Thành phố.

“Hoạt động này sẽ đem đến thêm một kênh quảng bá cho nhiều DN, nhưng ở góc độ nhà khai thác quảng cáo thì hiệu quả hay không hiệu quả vẫn còn tùy thuộc vào năng lực của DN”, vị này nhìn nhận.

Nếu căn cứ vào phân tích vừa nêu, rõ ràng lựa chọn Koa Sha Media Việt Nam là hợp lý. Bởi xét về kinh nghiệm, dường như chưa có một nhà khai thác quảng cáo OOH Việt Nam nào có thể sánh ngang với họ về mặt thâm niên. (Tập đoàn Koa Sha thành lập năm 1938, đã kinh doanh ở Thái Lan và nay là Việt Nam).

Tính đến thời điểm này, 6 tháng đã trôi qua, tuy chưa công bố kết quả của việc thử nghiệm này, song trong cuộc họp của UBND TP.HCM hồi tháng 10/2016, ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết, dự kiến đến quý II/2017, Sở GTVT sẽ đánh giá hiệu quả việc triển khai thí điểm quảng cáo trên xe buýt để mở rộng hình thức này, nhưng do việc khai thác khả thi nên TP.HCM sẽ sớm triển khai trên diện rộng vào đầu năm sau.

Chờ tăng tốc

Song hành cùng việc cho phép quảng cáo trên xe buýt tại địa bàn TP.HCM, trước đó, việc quảng cáo trên xe taxi cũng được nhiều DN khai thác và tham gia quảng bá hình ảnh, thương hiệu, sản phẩm. Nếu như vấn đề cấp phép quảng cáo trên xe buýt đang làm “thỏa lòng bao mong đợi” thì một năm trước, vấn đề này cũng góp phần không nhỏ trong việc đem đến doanh thu cho cả nhà khai thác quảng cáo, DN vận tải taxi lẫn hiệu quả kinh doanh cho DN quảng bá hình ảnh, sản phẩm thông qua hình thức transit.

Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức lợi nhuận thu về từ quảng cáo trên taxi, nhưng đã cho thấy hiệu ứng tích cực. Bởi không chỉ có Mai Linh, Vina Taxi, Vinasun mà nhiều hãng khác trên địa bàn Hà Nội, Đà Nẵng cũng dần tham gia hoạt động này.

Theo nhìn nhận của nhiều DN đang tham gia quảng cáo theo hình thức transit, so với kinh phí để quảng bá sản phẩm trên kênh truyền hình, báo giấy, billboard… thì phương thức transit đem đến hiệu quả nhất định với kinh phí hợp lý hơn.

Theo tính toán của một DN tham gia quảng bá trên taxi, tùy vào loại xe, số lượng xe mà có thể cân đối mức chi phí quảng bá, nhưng với mức giá dao động từ vài chục triệu đồng/xe buýt/năm, nếu chọn gói tối thiểu 10 xe/năm thì DN sẽ tiết giảm kinh phí rất lớn so với việc chọn lựa các hình thức quảng cáo khác.

Dù chưa biết kết quả tại TP.HCM ra sao, nhưng hiện nay việc quảng cáo trên xe taxi, xe buýt đang được nhận định là phân khúc ăn nên làm ra của ngành quảng cáo. Bởi căn cứ vào kết quả triển khai cho phép việc quảng cáo trên các phương tiện công cộng ở Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, nguồn ngân sách thu về đã giúp các địa phương này giảm gánh nặng trợ giá xe buýt. Vì vậy, nếu việc quảng cáo trên xe buýt được DN trên địa bàn TP.HCM hưởng ứng thì nguồn thu từ phân khúc này là không nhỏ.

Theo DNSG

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không