Kiến thức Marketing Làm Marketing là làm những thứ cực chi tiết

Làm Marketing là làm những thứ cực chi tiết

8
‘Marketing, không may, lại là thứ hào nhoáng. Cho nên, khi bắt tay vào việc, các em không hiểu tại sao sinh viên FTU đi thực tập lại phải ngồi gọi điện hỏi ý kiến khách hàng xem họ có hài lòng hay không. Các em thắc mắc bọn em học FTU ra cơ mà. Trường bọn em là Top 1 Việt Nam, tại sao bọn em phải làm công việc này’.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Marketing, không may, lại là thứ hào nhoáng. Nhiều khi, các bạn trẻ nhìn vào ngành này và chỉ nhìn thấy sự hào nhoáng đấy.

“Các em nghĩ Marketing phải là cái gì to tát, phải là những gì thật WOW, để rồi khi bắt tay vào công việc lại bất ngờ. Ở Golden Gate, các em không hiểu tại sao sinh viên FTU (Đại học Ngoại thương) đi thực tập lại phải ngồi gọi điện hỏi ý kiến khách hàng xem có hài lòng hay không”, bà Phạm Ngọc Hạnh – Quản lý bộ phận Thương hiệu của Golden Gate Group – chia sẻ tại Tọa đàm Tự tin nghề Marketing 2016.

“Bọn em học FTU ra cơ mà… Bọn em có bằng cử nhân cơ mà. Trường bọn em là Top 1 Việt Nam, tại sao tụi em phải làm công việc này”, bà Hạnh thuật lại những kêu ca của sinh viên FTU khi đến thực tập tại bộ phận Marketing của công ty.

Làm Marketing khổ lắm!

Dân Marketing phải thừa nhận với nhau rằng: Làm Marketing khổ lắm!

Chị Hạnh kể lại, các bạn trẻ đến thực tập tại Golden Gate, phần đông là đến từ FTU. Các bạn khi đến thường nhìn vào những sản phẩm tròn trịa sau khi được cả một đội ngũ rất lớn làm xong, và các bạn nghĩ rằng làm Marketing sẽ là làm những thứ sạch sẽ và tròn trịa như thế.

“Nhưng Marketing khổ lắm. Làm Marketing là làm những thứ cực chi tiết. Giờ đang là mùa Noel, chúng tôi sẽ phải lên kế hoạch trang trí từng chỗ. Chúng tôi phải căn chỉnh từng quả bóng xem chỗ nào, treo như thế nào, có đúng phong cách thiết kế hay không? Không lại tháo ra treo quả bóng khác”.

“Marketing là những thứ cực chi tiết. Các em hãy bắt tay làm từ những thứ nhỏ nhất, và hãy hiểu rằng tất cả những thứ to đẹp đều đi từ những thứ nhỏ nhất như vậy”, bà Hạnh khuyên.

Các em sinh viên luôn than thở khi phải gọi từng cuộc điện thoại hỏi ý kiến khách hàng, nhưng các em có thể làm ra được kế hoạch Marketing khi không biết đối tượng khách hàng của mình muốn gì?

Đừng thiết kế những gì bay bổng, hãy gửi thông điệp mà bà ngoại bạn cũng có thể hiểu được!

Bàn về chuyện nghề Marketing, ông Nguyễn Hải Ninh – Founder và Giám đốc điều hành của The Coffee House – cũng chia sẻ: Các bạn làm Marketing trước đây cho The Coffee House cũng thích những gì bay bổng và hay làm phức tạp hóa vấn đề.

Nhưng quan niệm của ông Ninh khác: Thông điệp gửi đi phải đơn giản, đơn giản đến mức “về nhà hỏi bà ngoại bạn thì bà ngoại cũng phải hiểu được”.

“Người ta chỉ kịp lướt qua thông điệp của bạn từ 3 – 5 giây”, ông Ninh nói.

Đánh giá về đào tạo nghề Marketing ở Việt Nam, bà Hạnh cho rằng nghề này được đào tạo bài bản đã khó, đào tạo Marketing chuyên về ngành F&B (Ngành thực phẩm và Dịch vụ ăn uống) thì hoàn toàn không có ở thời điểm hiện tại.

“Mình thích thì mình cứ làm thôi! Cứ phải thích nghề này đã, sau đó làm thử, và sai, và học hỏi”.

“Thay vì sợ mình có hợp với nghề này không, làm có được hay không thì chúng ta cứ bắt tay vào làm đã. Cứ thử và sai, thử và sai, rồi các bạn sẽ tìm được đúng ngành các bạn yêu thích. Biết đâu bây giờ các bạn nghĩ mình thích ngành F&B, nhưng sau khi thử lại thấy không phù hợp. Vậy nên cứ thử đi đã!”, bà Hạnh khuyên.

Theo Trí Thức Trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không