Trước đây, theo Bộ luật Lao động năm 2012 , các quyền lợi của lao động nữ liên quan đến thai sản hay đến các vấn đề riêng của phụ nữ được quy định tại điều 155:
Điều 155. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ
1. Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp sau đây:
a) Mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo;
b) Đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
2. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.
3. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.
5. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Trong khoản 5, lao động nữ trong thời gian hành kinh sẽ được nghỉ mỗi ngày 30 phút. Trong thời gian nghỉ này, mỗi lao động vẫn sẽ được hưởng đủ số tiền lương theo hợp đồng lao động.
Tuy nhiên, tại Dự thảo Bộ luật Lao động mới năm 2017 (dự kiến bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 để thay thế Bộ luật Lao động 2012) quy định có lợi cho lao động nữ nêu trên sẽ bị bãi bỏ. Như vậy, đối với các lao động nữ đang trong thời kỳ “đèn đỏ”, sẽ không có bất cứ một ưu ái nào về giờ làm việc tồn tại nữa.
Tuy nhiên, quyền lợi của của các lao động nữ sẽ còn bị “cắt giảm” hơn nữa ở Bộ luật mới này. Bởi lẽ, theo Dự thảo, quy định “Lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc (thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động)” cũng sẽ bị bỏ đi.
Điều này đồng nghĩa với việc các chị em có con nhỏ sẽ không còn được cho phép áp dụng “chế độ con nhỏ”- là việc đi muộn 1 tiếng đồng hồ hoặc nghỉ trưa thêm 1 tiếng đồng hồ hoặc về sớm trước 1 tiếng đồng hồ – nữa.
Rõ ràng nếu dự thảo Bộ luật Lao động mới năm 2017 này trở thành Bộ luật chính thức vào đầu năm 2018 mà không có thay đổi gì, quyền lợi của những người lao động nữ sẽ bị ảnh hưởng một phần không nhỏ.
Theo Trí Thức Trẻ