Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đã diễn ra khá mạnh trong 6 tháng qua và còn tiếp tục nóng lên thời gian tới.
Tuy nhiên, vấn đề lớn được đặt ra là, cần phải làm gì để sau khi thực hiện M&A, ngân hàng sẽ lớn mạnh hơn trước.
Tại Diễn đàn M&A năm 2012 vừa diễn ra tại TP.HCM, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính nhận định, M&A lĩnh vực tài chính – ngân hàng của Việt Nam sẽ còn sôi động hơn, nhất là khi Đề án Tái cấu trúc ngành đang được Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ.
Ông Đặng Thanh Bình, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước nhận định, trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều thương vụ M&A như là một phần của hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, điều cần quan tâm hơn đối với các ngân hàng chính là sự phát triển hậu M&A. Làm thế nào để có thể giải quyết được các khó khăn tồn đọng và tăng tốc độ phát triển sau khi M&A?
Theo ông Hạ Bá Trực, Giám đốc Đầu tư và cố vấn của HĐQT HDBank, thời kỳ hậu M&A là rất quan trọng, vì thực tiễn cho thấy, khoảng 70% số thương vụ M&A thường không mang lại hiệu quả như kỳ vọng, bởi yếu tố tích hợp kém và sự đánh giá quá cao sức mạnh tổng hợp sau M&A.
“M&A là chiến lược hiệu quả để tăng số lượng khách hàng, phát triển mạng lưới cũng như gia tăng thị phần cho ngân hàng. Sau M&A, ngân hàng mới hình thành phải chọn được các nhà lãnh đạo xuất sắc để có thể hoạch định chiến lược phát triển và tăng trưởng tốt. Đồng thời, tránh sự xung đột về văn hóa, bởi trên thực tế, vấn đề về xung đột văn hóa luôn tiềm ẩn sau khi thực hiện M&A”, ông Trực cảnh báo.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Đức Thúy cũng cho rằng, M&A là sự thay đổi lớn trong một ngân hàng và nếu hiểu đúng nghĩa, một thương vụ M&A thể hiện sự thay đổi chủ, chứ không chỉ là các khoản đầu tư chiến lược từ các nhà đầu tư. “Vì thế, trước khi tính đến chuyện M&A, các nhà đầu tư trong và nước ngoài cần xem xét kỹ lưỡng, tìm hiểu thấu đáo về văn hóa của ngân hàng mục tiêu. Bởi sự xung đột về văn hóa là một trong những yếu tố có thể đem lại thất bại trong quá trình hậu M&A”, ông Thuý nhận định.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê – tiền tệ (Ngân hàng nhà nước), M&A trong lĩnh vực ngân hàng không đơn thuần là phép cộng, mà các ngân hàng cần có sự cải tổ và đẩy mạnh phát triển trong quá trình hậu M&A. Đó mới chính là tinh thần và ý nghĩa của việc thực hiện Đề án Tái cấu ngành ngân hàng mà Ngân hàng nhà nước đang làm.
“Sau khi thực hiện M&A, các ngân hàng phải nâng tầm quản trị rủi ro, năng lực và khả năng cạnh tranh thì mới có thể phát triển tốt hơn ở giai đoạn hậu M&A”, ông Nghĩa nói.
Ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, sau khi cổ phần hóa và đặc biệt sau khi bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Mizuho (Nhật Bản), Vietcombank đã từng bước đổi mới được quản trị điều hành và nâng cao năng lực cạnh tranh. “Cổ đông chiến lược của Vietcombank đã có những hỗ trợ tích cực để ngân hàng tăng sức mạnh trên thị trường tài chính. Điều này cũng có nghĩa, Vietcombank đã chọn được đối tác phù hợp”, ông Hà nói.
Ông Mohit Mehrotra, chuyên gia cao cấp Ban Tư vấn tài chính – ngân hàng, Tư vấn chiến lược và Vận hành (Công ty Deloitte Consulting) dự báo, sự cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng Việt Nam sẽ ngày càng gay gắt, bởi sự biến động của thị trường và sự tham gia mạnh mẽ của các ngân hàng nước ngoài. Vì thế, để có thể thành công và phát triển trong giai đoạn tới, các ngân hàng thương mại Việt Nam cần có sự thay đổi cả về chiến lược lẫn gia tăng nguồn thu, bên cạnh hoạt động tín dụng, vốn luôn chiếm ưu thế trong tổng nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng hiện nay.
Theo báo đầu tư
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông