Kiến thức Tài chính kế toán Dấu hỏi cho trách nhiệm ngân hàng?

Dấu hỏi cho trách nhiệm ngân hàng?

37
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamNgày 11/6, trần lãi suất huy động 9%/năm và trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên 13%/năm chính thức được áp dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi thông điệp, đây có thể là đợt điều chỉnh cuối cùng trong năm.
Động thái trên cho thấy, thị trường tài chính – ngân hàng đã chuyển động tích cực, song câu hỏi để ngỏ hiện nay là lãi suất cho vay có thực giảm và liệu doanh nghiệp có tiếp cận được vốn khi các chính sách trên dường như chỉ nghiêng về việc cứu ngân hàng?
Giải trình trước Quốc hội vào cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng nhà nước đã đưa ra một lượng tiền “khủng khiếp”: mua vào 9 tỷ USD, cung ứng ra thị trường 180.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh tín dụng 5 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng âm 0,83% (nếu loại trừ yếu tố mua trái phiếu, tín phiếu), thì đây là thông tin khiến không ít người bất ngờ.
Thực tế không có gì ngạc nhiên, bởi dù Thống đốc Ngân hàng nhà nước không giải thích rõ số tiền này đi đâu, song nhiều ý kiến cho rằng, thực chất, số tiền trên không đi vào nền kinh tế, mà chạy loanh quanh trong hệ thống ngân hàng.
Trước đó, vào cuối năm 2011, khi đưa ra 30.000 tỷ đồng để cứu trợ những ngân hàng mất khả năng thanh khoản, chính Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã thừa nhận rằng, tổng các gói tiền mà Ngân hàng nhà nước đưa ra như vậy có khối lượng vô cùng lớn, nhờ đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể.
Cứu ngân hàng trước là việc làm cần thiết, vì ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, song từng có chủ doanh nghiệp đặt câu hỏi: ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, tại sao lại tập trung quá nhiều vốn ứng cứu riêng ngành này, còn hàng ngành doanh nghiệp khác thì sao? Lẽ ra khi được cứu, ngân hàng phải quay lại hỗ trợ các doanh nghiệp khác tiếp cận vốn, vượt qua khó khăn, chứ không phải thu hẹp “cửa” tín dụng như hiện nay.
Đã có một phó tổng giám đốc một ngân hàng phân trần rằng, sở dĩ phải hạn chế cung cấp tín dụng bởi ngân hàng đang rơi vào thế kẹt vì nợ xấu quá nhiều. Do vậy, dù lãi suất hạ, dù đang thừa tiền, nhưng ngân hàng cũng không cho vay được. Đó là chưa kể, việc giãn nợ, cơ cấu nợ, giảm lãi cho những khoản vay với lãi suất cao trước đó như chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước, là không thể do “hàng ngàn tỷ đồng là tiền của cổ đông, làm sao giảm được”. 
Rõ ràng, số lãi hàng ngàn tỷ đồng của một số ngân hàng trong bối cảnh hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản đang đặt câu hỏi lớn về trách nhiệm của hệ thống ngân hàng với nền kinh tế và vai trò điều tiết của Ngân hàng nhà nước. Cho dù, Ngân hàng nhà nước đã chứng tỏ được sự nhạy bén, linh hoạt khi liên tục hạ lãi suất điều hành phù hợp với tốc độ lạm phát, nhưng việc giảm lãi suất đầu vào, mà chưa giảm lãi suất đầu ra, thì rốt cục, người có lợi nhất vẫn là ngân hàng. Các giải pháp mà Ngân hàng nhà nước dự định thực hiện thời gian tới cũng chưa đảm bảo rõ ràng khả năng doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn. Nhiều ý kiến còn lo ngại rằng, vẫn chưa thể khơi thông tín dụng cho nền kinh tế trong thời gian tới .
Nên chăng, để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần công khai các kênh mà doanh nghiệp có thể vay vốn, tiếp tục cải tiến quy trình thủ tục vay vốn. Và quan trọng hơn là phải công khai, minh bạch hoạt động của các ngân hàng. Dĩ nhiên, về phần mình, doanh nghiệp cũng phải tự cứu trước khi ngân hàng ứng cứu và phải chấp nhận sự đào thải của thị trường, bởi đây là quy luật tất yếu.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không