Kiến thức Tuyển dụng Làm cách nào để ngăn tình trạng cử nhân thất nghiệp?

Làm cách nào để ngăn tình trạng cử nhân thất nghiệp?

2
Việc chọn lựa ngành học, môn học không rõ ràng thiếu định hướng phân luồng cụ thể; học kiểu amateur; dạy thiên về lý thuyết cao siêu hàn lâm… là một trong những nguyên nhân khiến cho lượng cử nhân ra trường thất nghiệp tăng chóng mặt.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp

Quý 2/2016, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong đó những người có trình độ từ đại học trở lên đứng đầu danh sách…

Theo Bản tin thị trường lao động quý 2/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa công bố, trong quý 2/2016, cả nước có 1,088 triệu người lao động trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Con số này đã tăng 16.400 người so với quý 1/2016.

Có 418.200 người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp, chiếm tới 40%. Trong đó có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp và 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp.

Giải thích cho tình trạng thất nghiệp của những kỹ sư, cử nhân có nhiều quan điểm khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân là do đào tạo ồ ạt, tăng quy mô quá nhanh, mở trường đại học tràn lan…

Mỗi năm thị trường lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 20.000 người có trình độ đại học trở lên trong khi các trường lại cho “ra lò” hơn 400.000 người thì việc cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, làm trái nghề là khó tránh khỏi.

Tính đến năm 2015, cả nước có gần 500 trường đại học, cao đẳng, so với giai đoạn 2007-2013, có 133 trường đại học, cao đẳng được thành lập, trong đó 108 trường được nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng, hoặc từ cao đẳng lên đại học.

Theo tính toán của các chuyên gia, mỗi năm thị trường lao động có nhu cầu tuyển dụng khoảng 20.000 người có trình độ đại học trở lên trong khi các trường lại cho “ra lò” hơn 400.000 người thì việc cử nhân, kỹ sư thất nghiệp, làm trái nghề là khó tránh khỏi.

Một số ý kiến khác lại nhấn mạnh tới nguyên nhân chất lượng đào tạo ở nhiều trường đại học không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng; trình độ, kỹ năng của cử nhân, kỹ sư không tương xứng với giá trị thật của tấm bằng đại học.

Không ít doanh nghiệp than phiền có đến 70% sinh viên mới ra trường yếu các kỹ năng như giao tiếp, làm việc nhóm, thiếu tinh thần kỷ luật và đặc biệt là yếu ngoại ngữ…

Ngoại ngữ, ít sinh viên có khả năng giao tiếp

Một trong những thực trạng đáng lo ngại hiện nay đối với giáo dục hệ Đại học là tình trạng sinh viên thiếu kiến thức Tiếng anh cơ bản cũng như chuyên ngành (đối với các trường không chuyên ngữ) đang chiếm tỉ lệ rất cao mặc dù đã có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy và học ở nhiều trường Đại học, Cao đẳng.

Nguyên nhân do thời lượng đào tạo tiếng Anh không đủ để đào tạo cho hết tất cả sinh viên ra trường có đủ khả năng giao tiếp lưu loát đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng. Thực tế cho thấy cả giảng viên và sinh viên ở các trường này đều không có đủ thời gian để đào tạo và tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn.

Theo số liệu khảo sát tại 18 trường ĐH ở Việt Nam cho thấy điểm bình quân sinh viên năm nhất dao động ở mức 220-245/990 điểm TOEIC, và với mức điểm này sinh viên cần khoảng 360 giờ đào tạo (480 tiết) để đạt được 450-500 điểm TOEIC – mức điểm mà rất nhiều doanh nghiệp đang coi là mức tối thiểu để họ chấp nhận hồ sơ.

Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát của Vụ Giáo dục ĐH, thường các trường chỉ có khoảng 225 tiết học tiếng Anh cho sinh viên. Với lượng thời gian ngắn không đủ để giáo viên, sinh viên giảng dạy và tiếp thu đầy đủ cả 4 kĩ năng nghe, nói, đọc, viết hơn nữa số lượng sinh viên trong một lớp lại đông.

Việc đào tạo tiếng Anh ở các trường không chuyên thường vội và chú trọng hơn vào tiếng Anh chuyên ngành trong khi những kiến thức cơ bản thì không nhiều sinh viên nắm vững hết được. Do đó, sinh viên không thể giao tiếp được do không có những kiến thức cơ bản về câu, từ.

Hãy xem lại thái độ của sinh viên khi học tập

Bàn về tính không hiệu quả của giáo dục ngày nay đặc biệt là giáo dục Đại học, người ta thường đổ lỗi do thiếu trang thiết bị học tập, thương mại hóa giáo dục, phong cách giảng dạy của giảng viên, việc học thiên về lý thuyết nhiều hơn thực tiễn … mà quên đi thái độ của SV trong việc học của mình.

Theo số liệu khảo sát của một cơ quan báo chí thì chỉ 30% trong số những sinh viên được hỏi có thái độ tích cực trong học tập, trong khi có đến 60% chọn giải pháp học đối phó.

Có một thực tế đáng buồn là sau bao năm học phổ thông vất vả, nặng nhọc để giành được một chiếc ghế lên giảng đường Đại học thì không ít sinh viên đã vội vàng tự mãn, xem Đại học chỉ là nơi xả hơi để tụ tập gặp gỡ, ăn chơi.

Tại sao lại như vậy? Một trong những lý do là khả năng tiếp cận thông tin của SV ta còn kém. Khi còn học phổ thông, đặc biệt là cấp III, các bạn học sinh đã phải mang trên vai gánh nặng tâm lý từ gia đình, người thân là phải vào Đại học. Nhưng bản thân nhiều bạn chưa hoặc không nhận thức được vào Đại học để làm gì?

Và chuyên ngành mình chọn có phù hợp với mục tiêu, sở thích, tính cách năng lực của bản thân hay không? Chính vì thế mà khi đã đậu vào Đại học rồi thì cũng đồng nghĩa với việc đã làm xong nghĩa vụ với bố mẹ và người thân chứ không phải đạt được ước mơ của chính bản thân thì làm gì có được sự trân trọng thành quả cố gắng học tập.

Một lý do khác nữa là Sinh viên năm thứ nhất thường chịu ảnh hưởng nhiều từ “sự hướng dẫn” của các anh chị đi trước. Các bạn đang cực kỳ thỏa mãn với chính mình, 12 năm đèn sách rồi, chọi bao nhiêu đối thủ mới nghiễm nhiên trở thành sinh viên Đại học, thỏa mãn mong ước của bố mẹ, thầy cô, bè bạn. Càng nghĩ các bạn càng tự hào và hài lòng về bản thân mình lắm. Rồi các bạn dần cảm thấy cái lý lẽ “nghỉ xả hơi” rất có tình, có lý.

“Thả phanh” ung dung suốt học kỳ để rồi đến kỳ thi lại lao đầu vào học, thức khuya dậy sớm chạy mãi mà vẫn không đuổi kịp khối kiến thức mà cả học kỳ không thèm để mắt tới. Cứ chọn đại một “tủ” may mắn thì trúng, còn không thì thi lại. Thi lại mà rớt thì học lại.

Đây cũng là hiện trạng “học để lấy bằng cấp chứ không phải để lấy kiến thức” – tấm bằng cử nhân của chúng ta lúc này có giá trị bằng một tờ giấy chứng nhận “năng lực ảo” là công lao của những đêm thức trắng ôm tập “tụng” một cách vội vã gấp gáp để rồi quên ngay sau khi kỳ thi vừa kết thúc.

Làm thêm, dạy kèm, bán hàng , tiếp thị dẫn đến lơ là học tập, hoặc không theo nổi chương trình học ĐH là những lý do sinh viên bị buộc thôi học. Tuy nhiên đó không phải là lý do chính, vì có những sinh viên vừa học vừa làm thêm nhưng kết quả học tập vẫn đạt điểm cao.

Sinh viên không chịu tìm tòi sách, tài liệu phục vụ cho chuyên môn của mình, mặc dù trong phương pháp giảng dạy ĐH nhiều thầy cô lên lớp chỉ hướng dẫn và đưa ra những tư liệu, liệu, đầu sách cần thiết cho sinh viên tìm kiếm tham khảo.

Trong khi đó, ở Việt Nam, thầy giáo phải nhắc đi nhắc lại cho sinh viên từng ý bài học cho sinh viên vì sợ họ quên. Có những sinh viên không chịu đọc giáo trình trước khi đến lớp khiến thầy phải ghi chú gạch từng ý trong trang giáo trình cho sinh viên. Thầy phải “cầm tay chỉ việc” cho từng sinh viên…

Từ thực tế trên cho thấy bên cạnh chương trình học tập ĐH hiện nay đã nặng nề, thì công cụ để truyền tải kiến thức hiện nay cũng chưa lấy gì làm hài lòng. Nhân viên quản lý thư viện cho biết, một ngày bình quân chỉ có khoảng chục em đến đây ngồi học, tìm tòi tư liệu. Có điều một số sinh viên đến mượn hai ba cuốn sách rồi đánh bài “chuồn” luôn, hết học kỳ mà vẫn không thấy bóng dáng các bạn đến thư viện để trả sách lại!

Nên chuyển đào tạo ĐH hàn lâm sang ứng dụng

Thừa nhận thực trạng khủng hoảng nhân sự, đặc biệt là tình trạng cử nhân thất nghiệp đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội, ông Trần Văn Vinh, Giám đốc phụ trách khối đào tạo, Trường Đại học Nguyễn Trãi cho rằng: Thực tế này đòi hỏi các trường đại học cần phải xem xét lại chương trình đào tạo lẫn mô hình đào tạo của chính mình để điều chỉnh cho phù hợp hơn với những đòi hỏi từ thị trường lao động.

Để giải quyết bài toán này, theo ông Vinh, hiện nay có một số trường đại học trong nước đang chuyển đổi mô hình đào tạo từ đại học hàn lâm sang đại học ứng dụng – mô hình đào tạo tiên tiến được áp dụng phổ biến tại các nước phát triển.

Theo mô hình này, sinh viên sẽ học 30% lí thuyết trên giảng đường, 70% phần kiến thức còn lại sẽ là trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Với việc áp dụng mô hình đại học ứng dụng, sinh viên sẽ có cơ hội thực tập, làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất.

“Việc đào tạo sinh viên trở thành những con người toàn diện là mục tiêu cốt lõi của mô hình đại học ứng dụng. Ngoài kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn, thành thạo ngoại ngữ, sinh viên còn được trang bị thêm 15 kỹ năng mềm và kỹ năng hội nhập. Mô hình đại học ứng dụng đảm bảo sinh viên tốt nghiệp có việc làm với thu nhập cao và cơ hội thăng tiến tốt cho tương lai”, ông Vinh cho hay.

Theo tiền phong

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không