Kiến thức Tài chính kế toán Băn khoăn khi thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán...

Băn khoăn khi thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên

1047

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Trước những băn khoăn, kiến nghị của các doanh nghiệp liên quan đến thực hiện soát xét báo cáo tài chính giữa niên độ, việc công ty niêm yết nộp báo cáo tài chính chậm trong thời gian qua đã trở thành một vấn đề thời sự, được nhiều người quan tâm dưới những góc độ và ý kiến khác nhau… Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Bùi Văn Mai – Phó Chủ Tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) để làm rõ vấn đề này. 


Thưa Ông! Với Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2007/TT-BTC có quy định tổ chức niêm yết phải lập và công bố báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét kể từ ngày kết thúc Quý II, có rất nhiều câu hỏi được đặt ra là liệu có cần thiết phải soát xét báo cáo tài chính bán niên hay không ?


Kiểm toán báo cáo tài chính năm, trước khi công bố thông tin là một quy định bắt buộc đối với các công ty niêm yết và được quy định trong Luật Kế toán, Luật Chứng khoán và Nghị định kiểm toán độc lập do Chính phủ ban hành. Theo thông lệ quốc tế việc kiểm toán chỉ cần thực hiện cho báo cáo tài chính cuối năm tài chính, bao gồm ý kiến nhận xét chính thức của công ty kiểm toán và kiểm toán viên (KTV). Những ý kiến này phải được chịu trách nhiệm và hội đủ những thông tin mà công ty kiểm toán và KTV đã nhận xét, trình bày trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Việc soát xét báo cáo tài chính bán niên hoặc hàng quý không phải quốc gia nào cũng quy định bắt buộc, mà tùy thuộc vào trình độ phát triển và nhu cầu xã hội của từng nước sở tại.
Đối với Việt Nam, nhiều năm trước, việc công bố báo cáo tài chính bán niên có ý kiến soát xét của công ty kiểm toán chưa được chú trọng. Nhưng kể từ năm 2008, trước kiến nghị của Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cùng với Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính (Vafi) yêu cầu soát xét báo cáo tài chính trước khi công bố thông tin nhằm rút ngắn khoảng cách sai lệch thông tin do doanh nghiệp công bố trước và sau khi kiểm toán, UBCKNN đã ban hành Công văn số 246/UBCK-QLPH khuyến nghị các công ty niêm yết lựa chọn công ty kiểm toán và thực hiện soát xét theo quý. Tuy nhiên công văn này cũng chưa thực sự được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh, tất cả đang phải chờ Thông tư sửa đổi Thông tư 38/2007/TT-BTC mà UBCKNN đang trình Bộ Tài chính ban hành để có một cách làm thống nhất.
Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 38 được sửa đổi theo hướng, quy định các Tổ chức niêm yết phải lập và công bố báo cáo tài chính bán niên đã được soát xét kể từ ngày kết thúc Quý II năm 2009. Tuy nhiên, mấu chốt ở đây là liệu việc soát xét báo cáo tài chính quý hay báo cáo tài chính bán niên có hiện thực được hay không? Tôi cho rằng văn bản liên quan đến soát xét báo cáo tài chính bán niên không thể đòi hỏi ban hành ra là buộc 100% công ty niêm yết thực hiện ngay được, mà phải có lộ trình dần dần. Quan điểm của chúng tôi là cứ tiến hành soát xét báo cáo tài chính bán niên, nhưng có thể bắt đầu với số lượng từ 100 công ty niêm yết, rồi tiến tới 200 công ty niêm yết sẽ thực hiện soát xét trong 6 tháng cuối năm. Sang đến Quý II/2010 chẳng hạn số lượng lại tiếp tục tăng lên và sau đó khoảng thời gian 2 – 3 năm khi cả hai phía đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, lúc bấy giờ 100% các công ty niêm yết sẽ tuân thủ hoàn toàn theo quy định tại các văn bản ban hành.
Ngoài ra, chúng tôi cho rằng, việc soát xét báo cáo tài chính bán niên là một bước đệm, khi công ty niêm yết đã dần quen với việc soát xét định kỳ thì UBKNN, Bộ Tài chính nên quy định thêm việc soát xét báo cáo tài chính quý.

v Như vậy, khi Thông tư mới ban hành lượng công việc của các công ty kiểm toán sẽ phải tăng lên trong khi số lượng công ty được UBCKNN chấp thuận kiểm toán lại khá khiêm tốn so với các tổ chức, doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc phải kiểm toán. Vậy, việc soát xét báo cáo tài chính bán niên có khả thi hay không, thưa Ông?

Hiện nay, có 38 công ty kiểm toán đủ điều kiện kiểm toán cho khoảng trên 500 doanh nghiệp (bao gồm trên 350 công ty niêm yết, khoảng 100 công ty chứng khoán và 50 quỹ đầu tư, 8 ngân hàng lưu ký…). Với những con số không tương quan như vậy, nhiều ý kiến quan ngại đến vấn đề quá tải của các công ty kiểm toán, ảnh hưởng đến chất lượng của báo cáo tài chính. Nhưng theo tôi, việc soát xét báo cáo tài chính nhanh hay chậm hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty niêm yết, bản thân công ty đó đã tuân thủ các điều kiện quy định trong chế độ kế toán và kiểm toán, cũng như đã tạo điều kiện cho công ty kiểm toán thực hiện kiểm toán hay chưa. Việc dự kiến soát xét báo cáo tài chính mới được quy định trong khoảng thời gian gần đây, do vậy các công ty kiểm toán khó có thể chuẩn đủ bị lực lượng nhân sự để đáp ứng yêu cầu ngay một lúc với số lượng công việc khá lớn như vậy, cũng như đòi hỏi phải có sự chuẩn bị và hợp tác từ hai phía cả công ty kiểm toán lẫn công ty niêm yết.
Với 38 công ty kiểm toán chúng tôi khẳng định rằng sẽ đảm nhận tốt vai trò kiểm toán cho hơn 500 doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc phải soát xét báo cáo tài chính bán niên và kiểm toán báo cáo tài chính năm. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ kiểm toán cũng như nâng cao chất lượng kiểm toán, về phía công ty niêm yết cũng cần phải chuẩn bị và củng cố tốt công việc kế toán, bản thân doanh nghiệp cần phải tự soát xét, tự kiểm tra, tự hạch toán và phải tuân thủ khá cao chế độ kế toán.
Trong thời gian qua, trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã có một số công ty niêm yết công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên. Sở dĩ những công ty niêm yết có công bố báo cáo tài chính bán niên là do khi ký hợp đồng kiểm toán năm, công ty đó đã yêu cầu soát xét báo cáo tài chính 6 tháng. Hợp đồng đã ký với doanh nghiệp buộc các công ty kiểm toán phải lập kế hoạch để soát xét báo cáo tài chính 6 tháng mà doanh nghiệp không phải trả thêm bất kỳ một khoản phí nào. Đối với một số trường hợp khi ký hợp đồng kiểm toán với công ty niêm yết, hàng tháng công ty kiểm toán đã cử KTV đến doanh nghiệp đôn đốc nhắc nhở doanh nghiệp thực hiện chuẩn hệ thống kế toán, sao cho công việc kế toán đi vào nề nếp từng tháng, từng quý, từ đó sẽ thực hiện soát xét báo cáo tài chính một cách nhanh chóng.

v Thưa Ông! Có nhiều lý do để biện minh cho sự chậm trễ việc công bố báo cáo tài chính của các công ty niêm yết theo luật định, trong đó lý do được nhắc đến nhiều nhất được cho là do công ty niêm yết phải chờ đợi công ty kiểm toán soát xét. Vậy theo Ông, mấu chốt của vấn đề là do đâu?

Việc công ty niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính được vin vào lý do chưa được kiểm toán cũng là một lý do đúng. Đây là một vấn đề có thực. Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề là liệu doanh nghiệp đó có muốn đẩy nhanh tốc độ soát xét báo cáo tài chính hay không. Thực tế, khi doanh nghiệp ủng hộ việc soát xét thì doanh nghiệp đó sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho công ty kiểm toán soát xét báo cáo, còn khi công ty niêm yết chưa ủng hộ việc soát xét thì họ sẽ có nhiều cách để trì hoãn. Có thể doanh nghiệp vẫn nộp báo cáo tài chính cho công ty kiểm toán đúng thời hạn quy định nhưng quá sát ngày khiến cho công ty kiểm toán dồn ứ lượng công việc, khó hoàn thành soát xét đúng hạn. Ví dụ trong hạn định 90 ngày, đến ngày thứ 70-80 doanh nghiệp mới đưa báo cáo tài chính để KTV soát xét thì chắc chắn sẽ không kịp thời gian. Do vậy, muốn soát xét báo cáo tài chính nhanh đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp phải đẩy nhanh tốc độ hoàn thành việc lập báo cáo tài chính và tự rà soát lại cho chuẩn xác, đồng thời cần phải đẩy nhanh thời gian ký kết hợp đồng để thực hiện soát xét.
Với thời hạn 90 ngày để hoàn tất báo cáo tài chính có ý kiến soát xét của KTV không phải là ngắn. Hiện nay, với kỹ thuật trên máy tính, lượng công việc mà máy móc hỗ trợ cho công việc kế toán chiếm đến 80 -90%, có thể cho phép doanh nghiệp kết thúc báo cáo tài chính quý sau 2-3 ngày kết thúc quý. Đối với báo cáo tài chính quý, báo cáo tài chính bán niên chưa phải là báo cáo quyết toán, chưa phải là cơ sở để phân bổ lỗ lãi, chưa phải là cơ sở để nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cho Ngân sách Nhà nước, nên cũng chưa đòi hỏi sự chuẩn xác cao, do đó không có lý do gì để chậm trễ trong việc nộp báo cáo tài chính quý. Chỉ có báo cáo tài chính năm mới là quan trọng nhất bởi đó là báo cáo tài chính mang tính chất quyết toán quyền lợi, nghĩa vụ giữa các cổ đông với nhau và giữa Nhà nước với doanh nghiệp thì mới đòi hỏi làm tất cả những công việc liên quan đến kiểm kê, xử ly công việc, dự phòng cho chuẩn xác, hạn định tính chất kịp thời của chứng từ, hóa đơn phát sinh như thế nào, liên quan đến việc được và mất tài sản của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi kiến nghị rằng, UBCKNN cần phải chỉ đạo công ty niêm yết sớm có kế hoạch và thực hiện ký hợp đồng soát xét bán niên; đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp nên thực hiện lập báo cáo tài chính chuẩn xác, kịp thời trong hạn định mới giúp công ty kiểm toán hoàn tất nhanh công việc kiểm toán.
Ngoài ra, chúng tôi cũng kiến nghị rằng, một báo cáo tài chính có soát xét hoàn chỉnh phải có báo cáo của KTV kèm theo. Trong đó, hàm chứa đầy đủ các ý kiến của KTV như cơ sở của kiểm toán, trách nhiệm của KTV, trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp trong bản báo cáo đó. Chỉ những ý kiến đấy mới phản ảnh đúng sự thật tình hình của doanh nghiệp. Hay cụ thể hơn, báo cáo tài chính của công ty niêm yết khi công bố ra công chúng phải bao gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bản thuyết minh báo cáo tài chính và báo cáo soát xét (hoặc báo cáo kiểm toán) của công ty kiểm toán.
Ngoài ra, để báo cáo tài chính soát xét có chất lượng, cổ đông cũng cần phải nâng cao trình độ hiểu biết của mình về vấn đề tài chính, kế toán. Các cổ đông có quyền đòi hỏi doanh nghiệp, đòi hỏi công ty kiểm toán đáp ứng yêu cầu minh bạch công khai báo cáo tài chính. Khi phát hiện báo cáo tài chính đã kiểm toán có điểm bị sai lệch hoặc là những công ty niêm yết nộp báo cáo tài chính chậm, các cổ cũng cần phải phản ứng và yêu cầu cơ quan nhà nước theo dõi và xử lý những sai phạm nhằm giảm thiểu những sai sót của công ty kiểm toán và công ty niêm yết.

v Nhiều ý kiến băn khoăn về mức phí mà các công ty kiểm toán sẽ thu thêm của các công ty niêm yết khi thực hiện soát xét báo cáo tài chính bán niên. Vậy theo ông, mức phí thu như thế nào là hợp lý?

Tuy vấn đề tăng phí dịch vụ kiểm toán được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng chung quy lại các doanh nghiệp đều thống nhất cần phải tăng thêm phí dịch vụ kiểm toán, tuy nhiên tăng bao nhiêu thì nhiều ý kiến lại cho rằng cơ quan quản lý nên hướng dẫn, chỉ đạo công ty kiểm toán một mức thu phí cụ thể. Theo quan điểm của tôi, trong một nền kinh tế thị trường, loại trừ một số mặt hàng, một số dịch vụ có ảnh hưởng rộng khắp cả xã hội, Nhà nước còn chi phối giá như xăng, dầu, điện…còn lại hầu hết đều do thị trường tự điều chỉnh theo một sự thỏa thuận mà hai bên đều cảm thấy hợp lý. Do vậy, việc Nhà nước đứng ra chỉ đạo việc tăng hay giảm phí kiểm toán là không nên, nên để thị trường tự điều tiết.
Thực tế, trên TTCK hiện nay, có khá nhiều công ty niêm yết đã công bố báo cáo tài chính bán niên có soát xét. Cho nên, theo những công ty niêm yết này, hầu như mức phí mà họ phải trả cho công ty chứng khoán không tăng đáng kể. Một số công ty niêm yết khi ký hợp đồng kiểm toán dù không yêu cầu soát xét báo cáo tài chính bán niên, nhưng thực tế, hàng tháng công ty kiểm toán đã cử KTV đến kiểm tra thì mức phí cũng sẽ tăng nhưng không đáng kể. Trước đây KTV đã soát xét báo cáo tài chính quý hoặc 6 tháng một cách thông thường, nhưng KTV không phải lập báo cáo công bố trước xã hội và không phải chịu trách nhiệm trước xã hội. Nay, khi công ty kiểm toán và KTV phải chịu trách nhiệm trước xã hội cho bản báo cáo soát xét của mình thì sẽ phải thu thêm một mức phí nhất định. Tùy thuộc vào khối lượng công việc tăng so với trước đây và khoảng cách địa lý,… các công ty kiểm toán sẽ tự đưa ra một mức phí phù hợp. Hiện nay nhiều công ty kiểm toán đã đề xuất mức phí khác nhau, có công ty đề xuất mức phí kiểm toán dao động từ 5% đến 30% hoặc từ 20% đến 40%… do quan điểm từng công ty. Theo tôi, mức phí tăng bình quân thấp nhất cũng phải từ 10% – 30% mới là hợp lý./. 

v Xin cám ơn ông!

Theo Tạp chí Chứng khoán

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không