Tại Việt Nam, nghề kiểm toán chỉ được nhắc đến từ những đầu năm thập niên 1990, nhưng hiện nay nó được coi là một trong những nghề “nóng” nhất . Song song với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp kiểm toán và đội ngũ kiểm toán viên, hành lang pháp lý cũng dần được củng cố và phát triển. Bên cạnh đó, còn nhiều công ty kiểm toán nước ngoài đang quan tâm tới thị trường Việt Nam. Sinh viên các chuyên ngành kế toán và kiểm toán sau khi tốt nghiệp tìm kiếm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo rất nhanh.
Ngành kiểm toán độc lập nói chung và các doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam nói riêng được đánh giá còn khá non trẻ cả về lượng và chất. Nói như thế vì xét về quy mô, với khoảng 165 doanh nghiệp kiểm toán, nguồn cung dịch vụ còn quá nhỏ so với nhu cầu kiểm toán của hàng vạn doanh nghiệp hiện nay.
Sự chênh lệch khá lớn về chất lượng dịch vụ giữa các công ty kiểm toán dẫn đến mặt bằng chung về dịch vụ này chưa cao. Gần 1.500 người được cấp chứng chỉ kiểm toán viên chủ yếu tập trung ở các công ty kiểm toán lớn. Ngoài các công ty kiểm toán nước ngoài của các hãng kiểm toán lớn trên thế giới, được thừa hưởng kinh nghiệm và quy chuẩn chất lượng quốc tế , hiện nay mới chỉ có một số ít các doanh nghiệp Việt Nam (khoảng 20 doanh nghiệp) là thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế.
Do đó dịch vụ của một số doanh nghiệp kiểm toán Việt Nam mới chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước, chưa đáp ứng được yêu cầu chất lượng quốc tế. Theo TS Nguyễn Thành Trung – Tổng giám đốc Mazars Việt Nam, Phó chủ tịch Ủy ban Các Hội viên Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) Việt Nam thì chỉ trong vài năm gần đây, giáo dục mới thực sự quan tâm đến ngành kiểm toán, tại các trường đại học đã có sự chú trọng phát triển đào tạo nhân lực kiểm toán với việc tách riêng chuyên ngành kiểm toán.
Bên cạnh đó, các hội nghề nghiệp cũng dần cải cách chương trình đào tạo và chương trình thi cấp chứng chỉ kiểm toán viên hành nghề hướng đến chuẩn quốc tế. Hành lang pháp lý cũng đang được sửa đổi và hoàn thiện, điều này được minh chứng rõ nét khi Luật Kiểm toán độc lập đã được soạn thảo và đang trong giai đoạn xin ý kiển rộng rãi. Gần đây nhất là sự hiện diện của các hội hành nghề kế toán kiểm toán tầm quốc tế như ACCA cũng đã góp một phần rất lớn đến việc nâng cao chất lượng của các kiểm toán viên cũng như cả ngành kiểm toán độc lập nói chung…
* Vậy nói nước ta đang thiếu kiểm toán viên chưa đủ trình độ chuyên môn là không quá?
– Số lượng kiểm toán viên được cấp chứng chỉ hành nghề hiện nay còn quá ít, đồng thời tuổi nghề của họ cũng chưa nhiều. Điều này đòi hỏi cần có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho thế hệ trẻ hiện nay, đặc biệt đối với các sinh viên được đào tạo chuyên ngành kế toán – kiểm toán. Bởi đây chính là nguồn lực đông đảo và mạnh mẽ gĩp phần thúc đẩy sự phát triển của nghề kiểm toán trong tương lai.
* Hiện nay, có rất nhiều ngành sinh viên học xong nhưng không thể tìm được việc làm. Liệu ngành kiểm toán có rơi vào mẫu số chung đó không, thưa ông?
– Như đã nói ở trên, sự chênh lệch giữa cung và cầu có thể đoán biết được về triển vọng phát triển của nghề kiểm toán . Hơn nữa, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa đã và đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì nhu cầu sử dụng dịch vụ tư vấn kế toán và kiểm toán còn tăng cao hơn nữa và chắc chắn điều đó sẽ mở ra nhiều cơ hội thành lập các doanh nghiệp kiểm toán và đó cũng là cơ hội việc làm cho các sinh viên ngành này trong tưông lai không xa.
* Có thể nói ông đã thành công đối với nghề kiểm toán?
– Chưa nói đến chuyện tôi có thành công hay không, nhưng tôi khẳng định là tôi có sự “đam mê” nghề nghiệp. Tôi dùng hai chữ cho bản thân đó là chữ “Dũng” và “Tâm”. Chữ “Dũng” giúp kiểm toán viên vượt qua những khó khăn của một nghề đầy áp lực với những chuyến đi công tác, những thời hạn về báo cáo chồng chất, những yêu cầu khắt khe của khách hàng. Chữ “Tâm” để luôn giữ mình được trung thực, liêm khiết, giữ vững đạo đức nghề nghiệp . Tôi tin vào sự lựa chọn của chính mình.
* Ông có thể chia sẻ thêm về quá trình trang bị kiến thức và lộ trình để đi đến thành công của mình không?
– Kiểm toán độc lập là một môi trường làm việc căng thẳng và có tính cạnh tranh cao. Nhất là trong thời kỳ hội nhập với quốc tế càng đòi hỏi kiểm toán viên không những chỉ học hỏi và cập nhật kiến thức và quy định trong nước mà cịn phải cập nhật quy định và trình tự kiểm toán cũng như các quy định về kế toán của quốc tế. Cá nhân tôi đã may mắn khi được tham gia học và hoàn tất chứng chỉ ACCA trong thời kỳ đầu từ khi ACCA mới được đào tạo ở Việt Nam. Các môn học của ACCA thực sự đã giúp tôi bù đắp các kiến thức còn thiếu. Còn chứng chỉ ACCA đã giúp tôi tự tin và đóng góp một phần không nhỏ trong những thành công trong lĩnh vực kiểm toán độc lập mà tôi đạt được.
* Nhiều người suy nghĩ rằng, thi vào một công ty kiểm toán khó hơn hẳn các ngành khác. Quan điểm của ông thế nào?
– Có lẽ mỗi ngành sẽ có những chuẩn mực đánh giá khác nhau. Tuy nhiên, đối với ngành kiểm toán, chúng tôi có đưa ra những yêu cầu khá khắt khe và không phải ứng viên nào cũng có thể đáp ứng được. Nhưng khi đã vượt qua được những thách thức ban đầu này, chắc chắn người đó sẽ được hưởng những lợi ích xứng đáng. Đó là môi trường làm việc chuyên nghiệp. Trong môi trường đầy thách thức này, các cán bộ kiểm toán thường trưởng thành nhanh hơn cũng như có nhiều cơ hội hơn so với các bạn làm trong lĩnh vực khác.
* Với tư cách là một nhà tuyển dụng lao động, ông sẽ dùng người như thế nào?
– Tại Mazars Việt Nam, việc đào tạo đội ngũ nhân lực được đặc biệt chú trọng. Chúng tôi hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn mà ACCA là một bằng cấp quốc tế được lựa chọn và đánh giá cao vì giá trị của nó. Hiện nay, Mazars đang có khoảng 50 nhân viên theo học chương trình ACCA ở những cấp độ khác nhau. Kỹ năng ngoại ngữ cũng rất cần thiết. Ngoài ra, những con người có phẩm chất đạo đức tốt và có các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thu thập và quản lý thông tin… là điều kiện cần.
* Được biết ông là Phó chủ tịch Ủy ban Các Hội viên của ACCA Việt Nam, vậy ông có thể nói thêm về vai trò của việc trở thành hội viên ACCA trong sự nghiệp của mình?
– Trước hết tôi phải nói rõ là hoàn thành các khóa học và đỗ các kỳ thi của ACCA là rất khó khăn. Khó khăn không chỉ là các kỳ thi của ACCA đều bằng tiếng Anh và được hoàn thành bởi một hội đồng thi rất nghiêm túc mà nội dung bài thi được chuẩn bị trên khối lượng kiến thức rất rộng và bao quát. Nhưng nếu vượt qua, có được chứng chỉ ACCA và tư cách hội viên chính thức của ACCA thì bạn sẽ tự tin làm việc với tất cả các kế toán trưởng, giám đốc tài chính, tổng giám đốc là người nước ngoài… tại mọi nơi trên thế giới.
* Câu nói “Làm kiểm toán là bán thời gian và chất xám” có làm ông phải suy nghĩ không?
– Có gì thú vị hơn khi có cơ hội được đi khắp mọi miền đất nước, thậm chí cả ở nước ngoài. Những chuyến đi cho ta cảm nhận mới mẻ về những vùng đất, những con người, những nét văn hóa khác nhau. Bạn sẽ được thử thách chính mình trong một môi trường đầy thách thức và tự hào rằng mình đã thành công vượt qua được tất cả. Mỗi ngày bạn sẽ nhận ra rằng mình đã và đang trưởng thành hơn rất nhiều, với những kiến thức tích lũy trong công việc, những kinh nghiệm làm việc với nhiều đối tượng khách hàng hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau… Ở đây thời gian và chất xám của bạn được trân trọng và sử dụng một cách hiệu quả.
* Ông có lời khuyên nào cho những bạn trẻ đã và đang mơ ước trở thành một kiểm toán viên độc lập?
– Hãy lập kế hoạch, đặt ra mục tiêu và luơn quyết tâm thực hiện theo kế hoạch và đạt được mục tiêu đã đề ra. Lộ trình được bắt đầu với vị trí trợ lý kiểm toán, sau đó là vị trí kiểm toán viên, rồi trưởng phòng kiểm toán hay chủ nhiệm kiểm toán. Các bằng cấp mà tôi muốn đề cập đến ở đây là các chứng chỉ về chuyên môn như chứng chỉ ACCA hoặc chứng chỉ CAT. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu bạn đam mê nghề này, bạn không nhất thiết phải học đại học chuyên ngành, các chứng chỉ của ACCA, với những người trong nghề là “tấm hộ chiếu” được công nhận. Bạn cũng có thể trở thành đối tác kiểm toán – chủ phần hùn của một công ty kiểm toán.
Như tôi đã nói, nghề kiểm toán thực sự là khắc nghiệt và đòi hỏi cao. Vì thế tôi luôn nói với các nhân viên của tôi là nếu ai đó nghĩ mình đã thỏa mãn với kết quả đạt được tức là lúc đó đã đến điểm dừng của nghề, và điều đó cũng đồng nghĩa với việc người đó không còn phù hợp với nghề kiểm toán nữa. Do vậy, nếu ai đó nghĩ là khi mình đạt đến cấp bậc chuyên môn Partner kiểm toán thì khi đó là điểm dừng và thỏa mãn với những gì mình có thì là suy nghĩ hoàn toàn sai. Nghề kiểm toán đòi hỏi những người hành nghề phải học hỏi không ngừng. Hay chính bản thân tôi, tôi không dừng lại với cương vị Partner kiểm toán và là Tổng giám đốc Công ty Mazars Việt Nam. Tôi luôn mong muốn xây dựng và phát triển Mazars Việt Nam trở thành một trong những thương hiệu kiểm toán hàng đầu tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Theo Doanh nhân Sài Gòn
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông