Kiến thức Marketing Chuyên gia e-marketing “hiến kế” để thu thuế người kinh doanh trên...

Chuyên gia e-marketing “hiến kế” để thu thuế người kinh doanh trên Facebook

10
Ông Nguyễn Phan Anh, Chuyên gia e-marketing, CEO Công ty cổ phần PA Marketing đã có những chia sẻ về việc thu thuế những người bán hàng, kinh doanh qua Facebook đang làm nóng dư luận gần đây.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

“Bán hàng, kinh doanh, quảng cáo trên Facebook của người dùng là một hoạt động kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Vì vậy, theo pháp luật hiện hành, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoàn toàn có quyền thu thuế hoặc đánh thuế hoạt động kinh doanh, bán hàng, quảng cáo trên Facebook.

Vấn đề việc có thu hay không thu, có thu được hay không thu được phụ thuộc vào quan điểm và cách thức quản lý của cơ quan Nhà nước. Người bán hàng hoàn toàn phải tuân theo.

Trước khi trả lời câu hỏi “Có thu được thuế không?”, chúng ta cần phân tích việc bán hàng, kinh doanh, quảng cáo trên Facebook dưới các khía cạnh pháp lý và thực tiễn như sau:

Thứ nhất, chủ thể tham gia bán hàng, kinh doanh và quảng cáo trên Facebook gồm 2 nhóm: cá nhân và doanh nghiệp.

Với cá nhân: Có nhiều người bán hàng trên Facebook rất chuyên nghiệp, quy mô lớn và có tổ chức, mang lại doanh thu và lợi nhận lớn. Tuy nhiên, cũng không ít người việc kinh doanh chỉ là thú vui, sở thích, nhỏ lẻ thậm chí là thói quen trao đổi.

Với doanh nghiệp: Doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh về mặt pháp lý vẫn có thể sử dụng Facebook là một công cụ để quảng bá, truyền thông, trực tiếp bán hàng thu lời. Nhóm này hoàn toàn có thể thu thuế được thông qua hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, miễn là doanh số phát sinh, chưa cần quan tâm đến doanh thu đến từ kênh quảng bá, truyền thông nào.

Thứ hai, có 3 cách thức thông dụng để người dùng Facebook kinh doanh qua kênh này:

+ Bán hàng trên Fanpage, trên trang Profile cá nhân, hoặc trên các Facebook Group.

+ Nếu phân chia theo hình thức trả phí và không trả phí để bán hàng: Facebook là một nền tảng miễn phí cho mọi người dùng, nhưng Facebook có bán quảng cáo dành cho các người dùng cá nhân (cá nhân người dùng tự mua quảng cáo của Facebook thông qua hệ thống thanh toán trực tuyến toàn cầu và hệ thống quảng cáo tự phục vụ).

Vì thế, người bán hàng có thể sử dụng hình thức quảng cáo của Facebook để bán hàng và tự bán hàng trên các trang cá nhân, nhóm, fanpage đã có lượng người thích và xem hàng ngày mà không mất tiền quảng cáo vẫn có thể phát sinh doanh số, đơn hàng hàng ngày.

+ Cá nhân cung cấp dịch vụ quảng cáo và cá nhân tự mua quảng cáo.

Vậy thu thuế người bán hàng trên Facebook có hợp lý không?

Tất nhiên, có rất nhiều người đã và đang tham gia kinh doanh trên Facebook mang tính nhỏ lẻ (thậm chí thua lỗ), song thực tế cũng không ít đơn vị bán hàng trên Facebook có doanh thu, lợi nhuận rất lớn (hàng tỷ đồng/tháng) nhưng chưa phải nộp thuế cho cơ quan Nhà nước.

Vì vậy, chỉ đạo bán hàng trên Facebook và các mạng xã hội khác phải nộp thuế là hoàn toàn hợp lý và khả thi.

Vấn đề là thu thuế như thế nào, ra sao thì các cơ quan chức năng Nhà nước cần bàn tính kỹ các phương án, số tiền thuế và cách thức thu thuế vì chủ thể của hành vi “bán hàng trên Facebook” này rất đa dạng và phức tạp, và việc này không hề đơn giản.

Trong trường hợp có thu thuế, thì Cơ quan Nhà nước thu thuế như thế nào cho hợp lý?

Dưới đây là một số gợi ý dựa trên những hiểu biết pháp lý và kinh nghiệm cá nhân nhiều năm làm đào tạo, quảng cáo và bán hàng trên Facebook cho rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân:

– Thu thuế từ chính hoạt động kinh doanh của Facebook thông qua hoạt động quảng cáo:

Về mặt bản chất, đây chính là thu thuế của người mua quảng cáo của Facebook.

Hoạt động mua quảng cáo của Facebook diễn ra rất phổ biến, doanh thu lớn, thanh toán minh bạch qua hệ thống ngân hàng. Đây là nhóm đối tượng có thể dễ dàng thu được thuế và mức thu thuế cũng được nhiều nhất, thường được gọi là thuế nhà thầu quảng cáo, thuế đại lý quảng cáo.

– Thu thuế gián tiếp thông qua thuế doanh nghiệp: Không quan tâm đến việc doanh nghiệp có sử dụng Facebook hay không sử dụng, có quảng cáo hay không quảng cáo, vì khi quảng cáo đã bị thu thuế qua hoạt động quảng cáo rồi. Hoạt động này vẫn đang được cơ quan thuế thực thi.

– Thu thuế các cá nhân bán hàng trên Facebook bằng cách yêu cầu các cá nhân bán hàng trên Facebook và các mạng xã hội khác (nếu có) đăng ký doanh thu với cơ quan Nhà nước: Cơ quan Nhà nước đưa ra các định mức doanh thu và định mức thuế phải nộp tương ứng.

Ví dụ, anh Nguyễn Văn A đăng ký với Sở thuế rằng doanh số bán hàng bình quân của anh đạt mức 100 triệu đồng/ tháng, phải chịu mức thuế là một số tiền cụ thể nào đó do cơ quan Nhà nước quy định. Hình thức thu thuế được nộp theo cách thức chuyển khoản hoặc nộp trực tiếp vì những người bán hàng trực tuyến hầu như đều có tài khoản ngân hàng và khá thành thạo sử dụng Internet Banking.

– Thu thuế qua các đơn vị giao vận, vận chuyển hàng: Bán hàng trực tuyến thì không thể không sử dụng các dịch vụ giao hàng qua công ty giao vận hoặc qua các cá nhân giao vận, vì thế đây có thể là một gợi ý để thu thuế.

Trên là một số gợi ý về cách thu thuế người dùng kinh doanh, bán hàng qua Facebook. Song việc thu thuế phải được tiến hành công khai, minh bạch, đơn giản hóa và mức thu thuế cũng hợp lý bởi đối tượng tham gia rất đa dạng và nhiều cách thức khác nhau. Qua đó khuyến khích, động viên người dùng Facebook bán hàng để nâng cao thu nhập cho người dân, tận dụng sức lao động nhàn rỗi của người lao động, tạo công ăn việc làm cho người lao động khác theo cách mô hình gián tiếp lan tỏa vv… góp phần ổn định kinh tế, chính trị vì mục tiêu dân giầu nước mạnh.

Theo Trí Thức Trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không