Kiến thức Tài chính kế toán Đã đến lúc nâng cao chất lượng kiểm toán

Đã đến lúc nâng cao chất lượng kiểm toán

447
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamNhững bất cập trong hoạt động của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước SCIC hay kết quả của những báo cáo tài chính được công khai trên thị trường chứng khoán… cho thấy vai trò quan trọng không thể thiếu của kiểm toán trong sự phát triển của nền kinh tế và hội nhập. Tuy nhiên, đội ngũ kiểm toán viên đã đáp ứng được yêu cầu? Chúng tôi có cuộc phỏng vấn ông Bùi Văn Mai – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) xung quanh vấn đề này.
Ông Bùi Văn Mai cho rằng, công khai minh bạch các thông tin tài chính giờ đã trở thành yêu cầu đối với các tổ chức, cá nhân có quyền lợi liên quan đến doanh nghiệp. Kết quả kiểm toán độc lập giúp cho chủ doanh nghiệp khi công bố thông tin tài chính đồng thời phải công bố báo cáo kiểm toán, ý kiến nhận xét của kiểm toán viên, làm cho những người có quyền lợi, trách nhiệm đối với doanh nghiệp biết được tình hình tài chính của doanh nghiệp để nâng cao giá trị cũng như mức độ tin tưởng của công chúng đối với bản báo cáo tài chính của doanh nghiệp.

– Nhưng có thể thấy trong thời gian qua, sự ảnh hưởng của kết quả kiểm toán độc lập chưa có “tiếng vang” như một số kết quả công bố kiểm toán nhà nước ?

Việc kiểm tra, đánh giá, kiến nghị đối với báo cáo tài chính, liên quan đến việc sử dụng vốn và ngân sách nhà nước đương nhiên có sức ảnh hưởng rộng đến xã hội vì tài sản nhà nước là tài sản của toàn dân. Trong khi các hoạt động kiểm toán nội bộ thì chỉ hẹp trong phạm vi một doanh nghiệp, tổng công ty, tập đoàn. Còn kiểm toán độc lập thì thường chỉ tác động đến các đối tượng là cổ đông, những người tham gia thị trường tài chính, chứng khoán… Thực tế, kiểm toán độc lâp kết quả còn rộng hơn rất nhiều, số lượng lớn, Kiểm toán Nhà nước mỗi năm chỉ kiểm toán khoảng 100 doanh nghiệp, tổ chức, nhưng đối với kiểm toán độc lập, con số này lên tới trên 20.000 doanh nghiệp/1năm.

– Thực tế, ngay cả trên thị trường chứng khoán, thì kết quả báo cáo tài chính có kiểm toán cũng còn hạn chế ?

Năm 2010 các doanh nghiệp mới công bố đầy đủ hơn bằng việc công bố báo cáo kiểm toán. Còn năm ngoái các doanh nghiệp chủ yếu công bố báo cáo tài chính tóm tắt, thậm chí còn không công bố ý kiến của kiểm toán viên.

– Tuy nhiên, nhiều người chưa thực sự tin tưởng vào các kết quả kiểm toán, mà vụ bê bối kiểm toán tại CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) là một điển hình ?

Tất nhiên, độ tin tưởng của xã hội, công chúng đối với bản báo cáo tài chính còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ uy tín, danh tiếng của các kiểm toán viên cũng như cty kiểm toán – phụ thuộc vào chuẩn mực nghề nghiệp, nguyên tắc hoạt động, quy chế ràng buộc của các kiểm toán viên – độc lập nhất, trung thực nhất, minh bạch nhất.
Nhưng phải hiểu kết quả kiểm toán có hai phần, một là công khai báo cáo kiểm toán, với các điểm lưu ý, ngoại trừ của kiểm toán viên. Còn phần chính là thư quản lý – là sản phẩm của kiểm toán chỉ phục vụ cho nội bộ của doanh nghiệp. kiểm toán viên đưa ra những vấn đề sai, cần xử lý, những đề xuất chi tiết cụ thể, dài ngắn hay không phụ thuộc vào tình hình tài chính của doanh nghiệp. Phần này chỉ dùng cho nội bội doanh nghiệp chứ ít khi công bố ra ngoài. Xã hội ít biết chuyện đó vì kiểm toán cũng là một phần yêu cầu của doanh nghiệp, kiểm toán để biết sai trong nội bộ mình, nên nhiều người chưa thấy hết được tác dụng của kiểm toán.

– Kiểm toán cũng là một yêu cầu của doanh nghiệp, tuy nhiên, không ai muốn “vạch áo cho người xem lưng”. ông có cho rằng đây là một trong những yếu tố gây nên hiện tượng “dàn xếp” kết quả kiểm toán, bưng bít thông tin?

Về chất lượng dịch vụ Cty kiểm toán cung cấp nói chung ngày càng được nâng cao, do bản thân hệ thống văn bản pháp luật của chúng ta ngày càng được hoàn thiện đầy đủ và phổ cập đến người dân. Ngoài ra sự đòi hỏi của xã hội đã cao hơn hẳn so với trước, bên cạnh vai trò quản lý của cơ quan nhà nước. Nhờ sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát nên chất lượng các thông tin cũng được nâng lên rất nhiều. Tuy nhiên, sai sót, gian lận là điều không thể tránh được, vì tất cả con số đều do con người làm ra. Tuỳ hoàn cảnh khác nhau người ta có thể gây ra những sai phạm. Nhưng theo tôi, nhìn chung so với trước đây mức độ trung thực của kiểm toán đã được nâng cao.

– Hiện 4 cty kiểm toán hàng đầu thế giới đều có mặt tại VN. Các Cty kiểm toán của VN liệu có đủ tự tin để cạnh tranh với 4 “ông lớn” này, thưa ông ?

4 Cty kiểm toán lớn chắc chắn uy tín rồi, nhưng 15 Cty lớn của VN có khoảng 100 – 150 người trở lên, thậm chí 300 người, có thể nói cũng rất chuyên nghiệp. Đặc biệt, trước sự cạnh tranh, các doanh nghiệp càng phải nâng tầm của mình. Đối với những Cty nhỏ hơn, nhiều Cty chưa đáp ứng yêu cầu. ngay trong cty cũng có những báo cáo chất lượng chưa tốt. Nhưng như tôi đã nói, chất lượng đều được nâng cao hơn rất nhiều so với trước.
Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) thành lập theo Quyết định số 15/2005/QĐ-BNV ngày 19/1/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. VACPA được xây dựng theo mô hình tổ chức của hội nghề nghiệp chuyên nghiệp, độc lập theo kinh nghiệm từ các hội nghề nghiệp quốc tế có uy tín trên thế giới.

– Vậy theo ông, số lượng doanh nghiệp kiểm toán phải nâng lên bao nhiêu mới đủ đáp ứng nhu cầu ?

Dự kiến năm 2020 chúng ta cần 7.000 kiểm toán viên. như vậy, mỗi năm cần từ 700 – 800 kiểm toán viên. Đạt được con số này rất khó bởi vấn đề thi kiểm toán viên chưa hoàn thiện, tổ chức thi chưa được nhiều. Hiện nay chúng ta mới tổ chức thi được 1 đợt 1 năm, mỗi năm khoảng 200 – 300 người đạt. Những người thi phải tốt nghiệp đại học và có kinh nghiệm 4 – 5 năm, được thi trong 3 năm, thường thì 2 năm mới đạt, còn thi một năm được luôn chỉ có trên dưới 10 người. Tôi phải nói thêm rằng, thi kiểm toán viên rất khó vì đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm và kiến thức sâu rộng, đa ngành.

– Vậy Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã thể hiện vai trò và đóng góp như thế nào trong sự phát triển của kiểm toán Việt Nam nói chung, cũng như với các hội viên nói riêng ?

Hiện VACPA đào tạo thi kiểm toán viên ngành nghề một năm 5 – 6 trăm người, chiếm từ 1/2 – 2/3 số lượng đào tạo kiểm toán viên cả nước. Hiện VACPA cùng Bộ Tài chính đang trong giai đoạn nước rút hoàn thiện Dự thảo Luật kiểm toán độc lập để trình Chính phủ. Theo kế hoạch, dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội thảo luận lần đầu, tháng 5/2011 thông qua và có hiệu lực vào 1/1/2012. VACPA hiện cũng đã cung ứng các dịch vụ tư vấn đặc biệt có giá trị kinh tế cao cho các hội viên thông qua việc học tập kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Hội kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA), Hội Kế toán công chứng Australia (CPA Australia)… ngay từ khi thành lập, VACPA đã xây dựng theo mô hình tổ chức tập trung từ trung ương trực tiếp đến hội viên theo tôn chỉ: độc lập, tự quản, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đảm bảo sự khách quan do chính các Cty kiểm toán và kế toán thành viên, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, kiểm soát chất lượng dịch vụ của hội viên. Bên cạnh đó, VACPA cũng xử lý sai phạm về đạo đức nghề nghiệp, đồng thời xây dựng chuẩn mực kế toán, kiểm toán để trình cơ quan quản lý nhà nước công bố.

– Xin cảm ơn ông !

Theo Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không