Kiến thức Marketing YouTube sẽ bị xử phạt vì vi phạm quy định về quảng...

YouTube sẽ bị xử phạt vì vi phạm quy định về quảng cáo

25
Bộ VHTT&DL cho biết, đến nay YouTube vẫn chưa thực hiện thủ tục thông báo theo quy định mà đã thể hiện các nội dung quảng cáo. Do vậy, Bộ này sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt hành vi không thông báo theo khoản 1 Điều 55 Nghị định 158 của Chính phủ.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Hôm qua, ngày 24/2/2017, Bộ VHTT&DL đã có công văn gửi Bộ TT&TT về việc quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Đây là công văn phúc đáp văn bản ngày 22/2/2017 của Bộ TT&TT đề nghị Bộ VHTT&DL kiểm tra, rà soát hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Cụ thể, trong công văn trả lời Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL nêu ý kiến, việc quản lý hoạt động và kiểm tra nội dung thông tin trên trang thông tin điện tử xuyên biên giới thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo (Nghị định 181): “Trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng” và các văn bản pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng hiện hành. “Vì vậy, các nội dung nói xấu, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại các clip đăng tải trên trang Youtube như phản ánh cần được Bộ TT&TT ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời”, công văn của Bộ VHTT&DL cho hay.

Về hoạt động quảng cáo trên trang thông tin điện tử xuyên biên giới, Bộ VHTT&DL cho biết, khoản 2 Điều 14 Nghị định 181 quy định, trong trường hợp trang thông tin điện tử xuyên biên giới có phát sinh doanh thu quảng cáo tại Việt Nam thì phải thực hiện thông báo bằng văn bản cho Bộ VHTT&DL về: “Tên, địa chỉ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam được ủy quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo; Ngành nghề kinh doanh chính của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam được ủy quyền thực hiện dịch vụ quảng cáo”.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, YouTube vẫn chưa thực hiện thủ tục thông báo mà đã thể hiện các nội dung quảng cáo. Do vậy, Bộ VHTT&DL sẽ tiến hành kiểm tra và xử phạt hành vi không thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Cũng trong công văn gửi Bộ TT&TT ngày 24/2, đề cập đến cơ chế phối hợp, Bộ VHTT&DL đề nghị, để quản lý hiệu quả hoạt động quảng cáo trên các trang thông tin điện tử xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam, thời gian tới, Bộ TT&TT tiến hành rà soát và cung cấp các trang thông tin điện tử xuyên biên giới có văn phòng đại diện tại Việt Nam để Bộ VHTT&DL yêu cầu thực hiện thủ tục thông báo theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam.

Công văn của Bộ VHTT&DL phúc đáp gửi Bộ TT&TT về việc quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.

Trước đó, trả lời phỏng vấn trên báo điện tử VietNamNet ngày 23/2, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT cho biết, trong thời gian qua, Bộ TT&TT trực tiếp là Cục PTTH&TTĐT đã phát hiện và giám sát một số nội dung quảng cáo chèn vào các video YouTube có nội dung phản cảm, bạo lực, tuyên truyền các thông tin xuyên tạc sự thật, chống phá nhà nước Việt Nam và bôi xấu hình ảnh các lãnh tụ, nguyên thủ của Việt Nam qua các thời kỳ.

Cụ thể, theo ông Do, sau một quá trình theo dõi, giám sát, cơ quan chức năng phát hiện 2 tình trạng vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên YouTube : thứ nhất, các clip có nội dung xấu độc trên YouTube lại xuất hiện quảng cáo của các nhãn hàng đang kinh doanh tại thị trường Việt Nam, ví dụ như sản phẩm Vaseline, Comfort (Unilever); sản phẩm Pampers, Ariel (P&G); Vinhomes; Sendo (FPT), Samsung Việt Nam, Yamaha …; thứ hai, dù người sử dụng đang xem các nội dung giải trí lành mạnh trên YouTube, chẳng hạn như ca nhạc trong nước, tính năng gợi ý video liên quan (Suggest) ở bên phải giao diện màn hình YouTue vẫn cố tình giới thiệu kèm thêm các clip chứa nội dung xấu độc, chống phá nhà nước Việt Nam.

“Các nội dung quảng cáo nói trên đều đã được đăng ký, kiểm duyệt và cấp phép quảng cáo tại thị trường Việt Nam, có nội dung lành mạnh và đã xuất hiện trên các báo điện tử, các đài truyền hình. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là các nội dung quảng cáo này lại được phát trong các clip xấu độc trên YouTube, có thể ngay đầu clip hoặc chèn giữa hay cuối nội dung clip. Qua nghiên cứu phân tích, cơ quan chức năng của Bộ TT&TT nhận thấy đây là sai phạm nghiêm trọng cần xử lý ngay. Việc xử lý các sai phạm này không chỉ trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, mà cần cả sự phối hợp của các bộ ngành khác, chẳng hạn như Bộ VHTT&DL”, đại diện Cục PTTH&TTĐT cho biết.

Cũng trong trả lời phỏng vấn trên VietNamNet, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do đã thông tin về hướng xử lý trước mắt đối với các sai phạm của YouTube: “Ngay sau khi có đầy đủ thông tin, bằng chứng các sai phạm, Bộ TT&TT đã có những chỉ đạo quyết liệt để xử lý ngay. Cụ thể, cơ quan chức năng đã đề nghị các đơn vị doanh nghiệp sở hữu các quảng cáo phải gỡ bỏ ngay các hình ảnh quảng cáo trên các video có nội dung xấu độc, đồng thời có báo cáo giải trình về lý do xảy ra những sai phạm này, dù là lý do khách quan hay chủ quan”. Đồng thời, ông Do cho hay, bên cạnh việc gửi công văn mời làm việc khẩn với đại diện của YouTube và Google để phối hợp xử lý những sai phạm nói trên theo Thông tư 38/2016/TT-BTTTT của Bộ TT&TT về quản lý thông tin công cộng qua biên giới, Bộ TT&TT cũng phối hợp với Bộ VHTT&DL để có những biện pháp xử lý đối với các công ty quảng cáo để không lặp lại tình trạng này.

Liên quan đến vấn đề ngăn chặn, xử lý những tổ chức, cá nhân cung cấp các nội dung xấu, độc trên Internet, như ICTnews đã thông tin, ngày 26/12/2016, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã ký ban hành Thông tư 38/2016/TT-BTTTT quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới có người sử dụng tại Việt Nam hoặc có truy cập từ Việt Nam (gọi là hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới).

Có hiệu lực thi hành từ ngày ngày 15/2/2017, Thông tư 38 được đánh giá là cơ sở pháp lý cần thiết để xử lý, loại bỏ các nội dung có thông tin xấu độc trên môi trường Internet tại Việt Nam. Thông tư 38 quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tại nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng trên mạng, dịch vụ tìm kiếm và các loại hình tương tự khác trên mạng để cung cấp thông tin công cộng mà người sử dụng tại Việt Nam có truy cập hoặc sử dụng dịch vụ. Đồng thời, Thông tư cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ thông tin số tại Việt Nam đối với hoạt động cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Thông tư 38 cũng khẳng định, các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam có quyền thực thi các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện chính sách phát triển, quản lý thông tin trên mạng. Việc xác định các thông tin vi phạm cần gỡ bỏ hoặc chặn không cho người sử dụng tại Việt Nam truy cập đến căn cứ các quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72 ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Trong kết luận hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2017 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo Cục PTTH&TTĐT trong tháng 2 này, khẩn trương tổ chức làm việc, trao đổi với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ xuyên biên giới, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn của nước ngoài như Facebook, Google… để tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới.

Theo ICTnews

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không