Một số người lao động ở Tokyo được bắt những chuyến xe miễn phí và uống champagne vào buổi chiều nay. SoftBank thì cho nhân viên của họ thêm tiền để về quê. Và một hãng đường sắt thậm chí còn cho chạy một chuyến tàu đặc biệt – nơi hành khách có thể thưởng thức rượu và những loại đồ uống mạnh trong suốt 4 giờ liền.
Đây là cách các tập đoàn Nhật Bản đang ủng hộ chiến dịch của chính phủ nhằm giảm thiểu tình trạng làm việc quá tải đang diễn ra ở quốc gia này: Thúc giục người lao động rời khỏi công sở vào lúc 3 giờ chiều vào ngày thứ 6 cuối cùng của mỗi tháng và chi tiêu tiền. Họ gọi đây là “Premium Friday”.
Tuy nhiên đừng để những đặc quyền ấy làm bạn bị choáng ngợp. Trên thực tế, ngoài những công ty lớn, một vài hãng nhỏ lẻ khác hầu như thờ ơ với kế hoạch này và hoạt động kinh doanh của họ vẫn diễn ra bình thường mà không có gì khác biệt cả.
“Tôi không nghe được bất kỳ thông tin nào về Premium Friday tại nơi làm việc của mình. Tôi e rằng phần lớn nhân viên ở các công ty khác cũng như vậy. Cố gắng thay đổi cách mọi người làm việc không phải ý tưởng tồi nhưng nó sẽ rất mất thời gian”.
Tại một đất nước nơi mà số người chết vì làm việc quá tải phổ biến tới mức họ đã phải có riêng một từ để mô tả việc này thì bất kỳ bước tiến nào giúp mọi người giảm giờ làm việc – hoặc nghỉ ngơi đều không bị chỉ trích. Thậm chí, Nhật Bản còn xôn xao trong nhiều tháng về cái chết của một phụ nữ trẻ ở Dentsu – công ty quảng cáo lớn nhất nước này sau khi đã làm việc vượt tới 100 giờ mỗi tháng.
Trên lý thuyết, nghỉ ngơi nhiều sẽ giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn trong khi chi tiêu của họ nhiều hơn cũng giúp thúc đẩy nền kinh tế, ít nhất là “Premium Friday” có thể thúc đẩy tiêu dùng lên mức 63,5 tỷ yen (tương đương 563 triệu USD) mỗi năm.
Tập đoàn Softbank của tỷ phú Masayoshi Son cho mỗi nhân viên tại chi nhánh Nhật Bản 10.000 yên mỗi tháng kể từ tháng 4 để khuyến khích họ chi tiêu. Ngoài ra, nhân viên công ty này cũng sẽ được rời văn phòng vào lúc 3 giờ chiều và được nhận nguyên lương cả ngày.
“Đây là một điều hết sức tuyệt vời và thú vị để khuyến khích các nhà quản lý thay đổi thói quen làm việc của họ”, theo Jesper Koll – CEO của WisdomTree. “Không còn nghi ngờ gì nữa thói quen làm việc tại Nhật Bản đã quá lỗi thời – quan điểm càng làm nhiều càng hiệu quả, càng tỏ rõ sự trung thành không còn đúng nữa rồi”.
Nhiều công ty khác tham gia vào chiến dịch này theo những cách khác nhau: Nhân viên buộc phải sử dụng ngày nghỉ có trả lương hoặc biểu thời gian làm việc linh hoạt. Tuy nhiên, điều này vẫn còn khá khó khăn để thực hiện ở một đất nước mà các công ty vẫn chỉ sử dụng một nửa số ngày nghỉ lễ.
Tập đoàn Toyota nói rằng các nhân viên tại Tokyo của họ có thể sử dụng hệ thống thời gian biểu linh hoạt của công ty để về nhà sớm nếu muốn. Nissan cũng có những động thái tương tự. Nomura Holdings thì khuyến khích nhân viên sử dụng một nửa ngày nghỉ có trả lương.
Daiwa House Industry sẽ cho phép nhân viên nghỉ chiều thứ 6 nhưng họ phải bắt đầu làm việc sớm hơn 1 tiếng. Tại Usen – nhân viên có thể rời khỏi công ty vào lúc 3 giờ chiều và được trả lương cả ngày.
Thủ tướng Shinzo Abe cũng lên kế hoạch về sớm vào ngày thứ 6. Ông dành buổi chiều để ghé thăm một ngôi chùa ở Tokyo và thưởng thức ca nhạc, buổi triển lãm hoặc một bộ phim ngắn.
Tuy nhiên, Bộ thương mại – nơi khởi nguồn của chiến dịch này lại đang do dự về việc áp dụng những đặc quyền tương tự như vậy với nhân viên của mình. Họ khuyến khích nhân viên về sớm nhưng quyết định lại tùy thuộc vào họ.
Một vài công ty nhỏ hơn cũng tỏ ra hết sức ủng hộ chiến dịch này. AGS Consulting – một công ty kế toán tầm trung tại Tokyo cho phép nhân viên về sớm nhưng không vì muốn thúc đẩy nền kinh tế, giải quyết vấn nạn làm việc quá tải mà là muốn xây dựng hình ảnh công ty, theo Chủ tịch Yosshihide Hirowatari.
“Chúng tôi thực sự không làm việc này là vì muốn tốt cho đất nước. Chúng tôi chỉ đang muốn góp sức vào chiến dịch. Những công ty nhỏ vốn không dễ tìm kiếm được nhân viên tốt vì vậy họ muốn gửi đi thông điệp rằng mình cam kết sẽ cho nhân viên có môi trường làm việc cân bằng với cuộc sống”.
Tuy vậy, chỉ gần 37% đồng ý với ý tưởng này theo khảo sát của Asahi Group. Một vài nhân viên bán thời gian phản đối bởi điều này khiến họ giảm thu nhập, trong khi những bà vợ lại luôn không vui vẻ với việc những ông chồng về nhà sớm, cướp đi khoảng thời gian dành cho bản thân họ.
Tokyo Station, Takahiro Hasegawa – một nhân viên ngân hàng 37 tuổi cũng có những cảm xúc lẫn lộn với việc này: Tôi không có ý tưởng gì về việc này cả. Đó là một ý kiến thú vị nhưng chính phủ cần quảng bá rộng hơn nữa và thu hút quần chúng. Hình như chưa ai biết cả”.
Theo Trí Thức Trẻ