Các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm mạnh lãi suất huy động vàng, rút bớt cơ cấu kỳ hạn dù đến 25/11 tới mới phải chấm dứt nghiệp vụ này.
Hôm nay (14/6), Ngân hàng Á châu (ACB) tiếp tục có biểu lãi suất huy động mới. Điều chỉnh chủ yếu có ở lãi suất chứng chỉ huy động vàng.
Cụ thể, ACB tiếp tục giảm mạnh lãi suất huy động chứng chỉ vàng kèm quyền chọn từ mức 1,5%/năm trước đó xuống chỉ còn 1%/năm, áp cho cả vàng ACB và vàng SJC.
Ở sản phẩm chứng chỉ huy động vàng thông thường, các mức lãi suất 1,2% – 1,4%/năm trước đó đều giảm xuống còn 0,8% và 0,9%/năm. Chính sách thưởng lãi suất 0,2%/năm cho khoản từ 10 lượng vàng trở lên cũng đã được hủy bỏ.
Như vậy, sau khi nâng lên cao nhất 3%/năm hồi trung tuần tháng 2/2012, ACB đã lần lượt hạ lãi suất huy động vàng, rút bớt vàng trong cơ cấu huy động vốn.
Trước ACB, một số ngân hàng thương mại có sản phẩm huy động vàng mạnh thời gian qua cũng đã đồng loạt giảm lãi suất trong thời gian gần đây.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng đợt 3/2012 cũng đã giảm mạnh, chỉ còn từ 2,2% – 2,7%/năm cho các kỳ hạn từ 1 – 11 tháng. Trước đó, lãi suất này ở SCB cao nhất là 3,5%/năm, thậm chí có thời điểm lên tới 4,6%/năm…
Tại Ngân hàng Nam Á (NamABank), lãi suất huy động vàng cũng giảm mạnh cùng với việc rút hẳn cơ cấu các kỳ hạn. Chỉ sau một tháng trở lại huy động vàng, mức lãi suất cao nhất 3,6%/năm tại đây hiện đã rút xuống còn 2%/năm; cơ cấu kỳ hạn từ 1 – 11 tháng hiện chỉ còn từ 1 – 3 tháng.
Hay tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), thành viên vừa trở lại huy động vàng trong tháng 5 vừa qua sau một thời gian dài ngừng nghiệp vụ này, lãi suất hiện cũng đã giảm mạnh, từ các mức 2%, 2,5%, 3% và 3,5%/năm trước đó xuống 0,5%/năm cho các kỳ hạn 1, 2 và 3 tháng, riêng kỳ hạn 6 tháng chỉ có 0,1%/năm.
Với diễn biến trên, có vẻ các ngân hàng đang chủ động rút bớt vàng trong cơ cấu huy động, khá xa trước thời hạn chấm dứt hẳn hoạt động này vào 25/11/2012 theo hạn mà Ngân hàng Nhà nước vừa nới (thay cho quy định trước đây là từ 1/5/2012).
Bên cạnh đó, một số tổ chức đầu tư cho biết, do cơ chế giao dịch trên thị trường liên ngân hàng gần đây đã cởi mở hơn, áp lực phải có tài sản thế chấp đã giảm bớt. Thời gian qua, đặc biệt cuối 2011 đầu 2012, vàng là một trong những tài sản được dùng để cầm cố khi giao dịch trên thị trường này.
Theo VnEconomy
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông