Kiến thức Tuyển dụng Tâm sự của cựu sinh viên FTU: Mới ra trường lương ngàn...

Tâm sự của cựu sinh viên FTU: Mới ra trường lương ngàn đô cũng chẳng hề lạ, nhưng đó không phải thước đo của thành công

27
Trong xã hội ngày nay, chúng ta biết đến rất nhiều bạn trẻ có tầm nhìn xa, vạch ra được một mục tiêu cụ thể, một ước mơ để với tới, một mức lương để chinh phục. Vậy việc họ tìm được công việc 1.000 USD từ khi còn trẻ cũng đâu có gì kỳ lạ?

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Câu chuyện về việc sinh viên Ngoại thương ao ước mức lương 1.000 USD khi mới tốt nghiệp từ lâu nhận phải không ít mỉa mai. Tôi tự hỏi điều này thì có gì đáng để chế giễu? Nếu có sự chuẩn bị tốt, một sinh viên mới ra trường hoàn toàn có thể đạt được mức lương này. Nhưng dù như vậy, chuẩn mực thành công đối với người trẻ không nên chỉ dừng lại ở những con số.

Còn trẻ, tại sao không có quyền tham vọng?

Tôi cũng từng là sinh viên Ngoại thương, ra trường được 1,5 năm cho tới nay lương ở mức xấp xỉ 1.000 USD. Vì thế tôi khẳng định, việc có lương ngàn đô khi mới tốt nghiệp không hề viển vông.

Nhìn chung, trên đời có hai loại sinh viên. Một là những sinh viên biết chắc mình thích gì, muốn làm gì, mục tiêu của mình là gì. Còn loại thứ hai, là những bạn trẻ thích rất nhiều thứ và không ngừng khám phá bản thân. Tôi là loại sinh viên thứ hai, vì thế đã quyết tâm trải nghiệm càng nhiều càng tốt ngay khi mới vào đại học để tìm ra hướng đi cho mình.

Giống như nhiều bạn sinh viên khác, tôi cũng tham gia các câu lạc bộ sinh viên, cũng cố gắng đạt tới một vị trí nhất định để học hỏi và mở rộng mối quan hệ. Đến năm 3, tôi may mắn được tham gia vào đội Marketing tại một tập đoàn tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng ở Việt Nam.

Ngày đó, với khối lượng công việc đồ sộ, cộng thêm cả trách nhiệm học hành, tôi chỉ có thể tự hứa với bản thân sẽ học hỏi thật nhiều. Tôi chưa bao giờ coi mức lương part-time là một mục tiêu để phấn đấu, và suy nghĩ đấy vẫn giữ nguyên sau khi tôi tốt nghiệp.

Vấp ngã, vấp ngã và vấp ngã… để trưởng thành

Mức lương 1.000 USD sẽ khiến nhiều người cho rằng tôi thật may mắn, nhưng thực tế đó là thành quả của rất nhiều vấp váp. Ngày sinh viên, tôi là nhóm trưởng của một team 7 người chạy dự án cho một tổ chức sinh viên quốc tế.

Thông thường một dự án sẽ kéo dài 3 tháng, nhưng dự án tôi phụ trách lại diễn ra tận 11 tháng ròng do nhóm bị thất bại đến 2 lần. Khi khó khăn, 5/7 thành viên của nhóm đã lần lượt ra đi và phải rất cố gắng chúng tôi mới có thể thực hiện thành công dự án. Nỗ lực làm tới cùng đã cho tôi nhiều bài học quý giá.

Sau này tốt nghiệp, tôi nghỉ công việc làm thêm để tham gia chương trình huấn luyện Quản trị viên tập sự. Trong buổi phỏng vấn đầu tiên, có lẽ chính những câu chuyện thất-bại-nhưng-không-bỏ-cuộc thời sinh viên của tôi đã khiến tập đoàn này nhận tôi vào làm với mức lương không hề tệ.

Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để tự mãn. Khi công ty có sự thay đổi về mặt hàng, tôi phải marketing cho một sản phẩm mình không hề thích. Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói giám đốc dành cho mình khi đó: “Nếu em chỉ khư khư bán một mặt hàng, liệu em có xứng đáng để trở thành một marketer chân chính?”. Kết quả là tôi xin thôi việc ngay hôm sau và nghĩ: “Chắc chắn mình không phải là một marketer chân chính!”.

Nghỉ việc, tôi lên kế hoạch đi exchange 3 tháng tại Sri Lanka. Nếu như môi trường năng động ở Ngoại thương giúp tôi tự tin phát triển bản thân theo chiều rộng thì ở Sri Lanka, tôi có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về chính mình, nhất là về mong muốn và mục tiêu đối với nghề nghiệp. Cũng trong thời gian này, tôi tự cho mình cơ hội để suy ngẫm thêm về câu hỏi của sếp cũng như nghiệp marketing vẫn còn dang dở.

Sau 3 tháng trải nghiệm cuộc sống tại các làng nghề Sri Lanka, tôi nhận ra một điều: Bản chất của marketing không phải là doanh thu, không phải là bán được bao nhiêu sản phẩm, mà là các marketer có thể tạo ra được giá trị gì cho khách hàng, nhất là về giá trị thương hiệu.

Rốt cuộc thì, nghiệp marketing của tôi đúng là chưa hết thật. Tôi được nhận vào vị trí nhân viên marketing của tập đoàn sữa lớn nhất Việt Nam sau đợt exchange. Và một lần nữa, tôi – một marketer – hiểu được thế nào là đem lại giá trị hữu ích cho cộng đồng.

Cũng chính tại môi trường làm việc hết sức chuyên nghiệp này, tôi nhận ra rằng chẳng ai có thể ép con người làm việc hiệu quả khi cái tâm thực sự không muốn. Thực sự có ép, có cho làm sếp, có trả lương gấp đôi, tôi cũng không làm marketing với mục đích cuối cùng chỉ dừng ở hai chữ “doanh thu”.

Thành công không thể chỉ đánh giá dựa trên mức lương, vấn đề là thái độ và khả năng phát triển

Nhờ tích cực tìm hiểu bản thân thông qua các hành trình ngẫu hứng, tôi đã có được một công việc với mức lương cao. Nhưng tôi chưa bao giờ coi đây là một thành công, và tôi tin chắc những bạn trẻ giống như mình cũng vậy. Tất cả chúng tôi vẫn chỉ thấy mình là người đi sau, còn nhiều khiếm khuyết và luôn phấn đấu để học hỏi nhiều hơn nữa. Hai từ “thành công”, đối với một người trẻ trước độ tuổi 25, hình như là quá xa xỉ và viển vông.

Đối với những phản ứng gay gắt về việc sinh viên Ngoại thương mong muốn ra trường với mức lương 1.000 USD, tôi thấy phần lớn dư luận đều cho rằng “dân FTU” quá tự cao tự đại. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nguyện vọng về con số 1.000 USD/tháng kia (giả dụ có thật) cũng xuất phát từ một thế mạnh rất lớn của sinh viên Ngoại thương mà không phải ai cũng có – sự tự tin.

Nhưng “tự tin” chỉ là yếu tố đầu tiên, là ấn tượng ban đầu các bạn thể hiện trước nhà tuyển dụng. Còn khi thực sự bắt tay vào làm việc, yếu tố “chủ động” mới là chìa khóa khiến chúng ta không nản chí trước những khó khăn.

Khi tham gia chương trình Quản trị viên tập sự, tôi được đề nghị một quyền lợi rất hấp dẫn nhưng cũng không kém phần thử thách: Một quản trị viên tập sự sẽ được trả lương theo giá trị tương lai của anh ấy. Họ tin bạn sẽ trở thành “ông này bà nọ” trong tương lai và bạn phải làm thế nào để đáp ứng kỳ vọng ấy. Tức là, bạn phải thể hiện được tiềm năng sẽ trở thành một nhà lãnh đạo xuất sắc.

Chính vì áp lực lớn như thế nên trong thời gian tham gia chương trình quản trị viên tập sự, tôi luôn tự nhủ mình phải chủ động: chủ động tìm tòi, chủ động lấp đi lỗ hổng về kiến thức, chủ động khắc phục điểm yếu, chủ động thắc mắc nếu cần… Ai cũng nghĩ một quản trị viên tập sự sẽ được training kỹ năng quản lý hay kỹ năng chuyên môn từ A-Z, nhưng điều đó hoàn toàn sai lầm.

Công ty sẽ áp xuống bạn một khối lượng công việc lớn như núi và bạn phải tự tìm cách giải thoát cho bản thân. Biện pháp tối ưu nhất, suy cho cùng, chắc chắn chỉ có thể là chủ động học hỏi. Điều này có thể ai cũng biết rồi, nhưng các bạn đã bao giờ chủ động thường xuyên, liên tục, bất chấp kết quả có thể không như mong muốn hay chưa?

Một sinh viên chủ động không ngừng nghỉ luôn là một sinh viên có thái độ sống tốt. Tôi nghĩ, mọi kỹ năng mềm khác như tiếng Anh, giao tiếp, khả năng lãnh đạo… đều xếp sau thái độ chủ động. Chỉ từ thái độ chủ động, con người ta mới phát triển được các kỹ năng khác. Không thể cứ ngồi ỳ ra đợi người khác giao việc, phải tiến lên và tự học càng nhiều càng tốt.

Mức lương 1.000 USD/tháng, như tôi đã nói nhiều lần phía trên, không phải là điều gì quá lớn lao, kể cả khi bạn mới chỉ là sinh viên vừa tốt nghiệp. Tôi chỉ thử những điều mình thích, chưa hề đặt ra mục tiêu phải kiếm được công việc lương ngàn đô mà cũng có thể đạt được những dấu mốc nhất định nhờ chủ động khám phá bản thân thông qua thực tiễn.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta biết đến rất nhiều bạn trẻ có tầm nhìn xa, vạch ra được một mục tiêu cụ thể, một ước mơ để với tới, một mức lương để chinh phục. Vậy việc họ tìm được công việc 1.000 USD từ khi còn trẻ cũng đâu có gì kỳ lạ?

Theo Trí Thức Trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không