Kiến thức Tài chính kế toán Mua nợ của công ty mục tiêu để thâu tóm

Mua nợ của công ty mục tiêu để thâu tóm

449
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamTrong quá trình xử lý các khoản nợ quá hạn của mình, việc các ngân hàng chuyển vốn vay thành vốn góp tại các con nợ là một giải pháp hợp lý nhằm cơ cấu lại nguồn vốn và khôi phục sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Hoán đổi

Thực tế trong thời gian vừa qua, nhiều ngân hàng cũng đã tham gia cơ cấu, chuyển vốn vay thành vốn chủ. Trường hợp của Công ty Bianfishco là một ví dụ.

Tuy nhiên, không phải tổ chức tài chính nào cũng có kinh nghiệm, thời gian, nhân sự có chuyên môn để tham gia trực tiếp vào quản lý, tái cơ cấu tổ chức, hoạt động của “con nợ” với tư cách là “ông chủ” (cổ đông/cổ đông lớn hoặc cổ đông chi phối) sau khi chuyển từ vốn vay thành vốn chủ sở hữu.

Ngoài ra, sau thời gian cơ cấu, nếu cứu “con nợ” không thành công, ngân hàng phải đối mặt và gánh chịu rủi ro mất tiền, thậm chí là mất trắng do mình là chủ nợ cuối cùng, vì đã chuyển thành cổ đông. Theo quy định của Luật Phá sản 2004, khi không còn là “chủ nợ” nữa, khoản tiền vay chuyển thành tiền vốn cổ phần sẽ không còn bảo đảm khi bắt buộc phải giải thể, phá sản “con nợ”, điều mà không phải bất cứ cấp lãnh đạo của ngân hàng nào cũng chấp nhận, vì dù là thu được một phần khi xử lý nợ vay còn hơn “mất trắng” khi là “cổ đông” của “con nợ”.

Vì vậy, các ngân hàng chọn giải pháp xử lý nợ khác nhau, trong đó có việc bán nợ để thoát khỏi con nợ. Đây là cơ hội cho bên mua/bên đi thâu tóm hành động. Sau khi nghiên cứu kỹ về cơ cấu, nhân sự, tình hình sản xuất, kinh doanh và giá trị tài sản, kể cả các khoản nợ khác của con nợ (công ty mục tiêu), bên đi mua/bên đi thâu tóm quyết định mua lại các khoản nợ với giá cả hợp lý, thậm chí rất rẻ từ các ngân hàng/chủ nợ khác để trở thành chủ nợ mới, từ đó gián tiếp thực hiện M&A thông qua số vốn vay/vốn nợ thành vốn chủ/vốn cổ phần với tỷ lệ đủ để chi phối của bên đi thâu tóm.

Khác với ngân hàng, bên đi mua/bên đi thâu tóm thường có thế mạnh là cùng lĩnh vực kinh doanh, am hiểu tường tận về lĩnh vực của công ty mục tiêu, thậm chí còn là người hiểu rõ nhất nguyên nhân dẫn phải cơ cấu lại nhân sự, vốn và sản xuất.

Một số vấn đề pháp lý

Để thực hiện được việc thâu tóm này, các bên (công ty mục tiêu, ngân hàng, bên đi mua/bên đi thâu tóm) cần phải chuẩn bị phương án với các bước giao dịch chủ yếu sau:

Bước 1: Giao dịch mua và bán nợ: Giao dịch này được thực hiện giữa ngân hàng (bên bán nợ), công ty mục tiêu (bên nợ) và bên đi thâu tóm (bên mua nợ). Giao dịch này thực hiện theo quy định về mua bán nợ của tổ chức tín dụng. Khi bán xong nợ, ngân hàng sẽ dịch chuyển toàn bộ quyền và nghĩa vụ cho chủ nợ mới (bên đi thâu tóm).

Tuy nhiên, với mục tiêu mua nợ để cơ cấu lại, thâu tóm công ty mục tiêu, nên trong các hợp đồng, tài liệu về mua bán nợ phải thể hiện được các nội dung liên quan đến việc chuyển vốn vay thành vốn chủ và việc tham gia quản trị, điều hành của Bên đi thâu tóm trong công ty mục tiêu.

Bước 2: Giao dịch tăng vốn, hoán đổi vốn vay thành vốn chủ: Bước này có thể thực hiện theo nhiều cách khác nhau, dưới đây là hai cách: (i) Công ty mục tiêu phát hành cổ phần riêng lẻ để tăng vốn, số tiền mà bên đi thâu tóm (lúc này đã là chủ nợ) dùng để thanh toán cho số cổ phần này được hoán đổi từ khoản nợ.

Khi đó, nghĩa vụ nợ sẽ tất toán và bên đi thâu tóm trở thành cổ đông, giao dịch thâu tóm hoàn thành; (ii) Cũng giống như trái phiếu chuyển đổi (convertible bond) hoặc khoản vay chuyển đổi (convertible loan), công ty mục tiêu phát hành cổ phần theo phương thức riêng lẻ, bên đi thâu tóm (lúc này là chủ nợ) dùng số tiền đã cho vay để thanh toán tiền mua cổ phần.

Sau khi hoàn thành giao dịch, bên đi thâu tóm kết thúc vai trò chủ nợ, chuyển thành ông chủ mới của công ty mục tiêu, giao dịch thâu tóm hoàn thành. Trong bước này, các bên phải hoàn thiện hàng loạt các thủ tục để tất toán hợp đồng mua bán nợ, giải chấp tài sản bảo đảm của khoản nợ (nếu có), ký kết các hợp đồng đặt mua cổ phần và hoàn thiện các thủ tục để phát hành cổ phần, đăng ký tăng vốn, công bố thông tin… theo quy định của pháp luật.

Luật sư Bùi Thanh Lam Đoàn Luật sư Hà Nội

Theo Báo đầu tư

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không