Nhiều chuyên gia kinh tế đều cho rằng, việc thành lập một tổ chức mua bán nợ xấu ngân hàng để khai thông nền kinh tế là cần thiết, song nguồn lực hoạt động của tổ chức này phải được công khai và không gây rủi ro cho ngân sách nhà nước.
Ngân hàng phải cùng bỏ tiền mua nợ xấu
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại nước ta hiện ở mức 10% (khoảng 14 tỷ USD). Trong đó, nợ mất vốn chiếm tới 50%, tức khoảng 7 tỷ USD – tương đương gần 7% GDP là một con số rất lớn. Vì vậy, lập công ty mua bán nợ xấu ngân hàng là rất cần thiết.
Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quy mô vốn của công ty mua bán nợ này ước lên tới 100.000 tỷ đồng, song nguồn lực ở đâu, phương thức hoạt động như thế nào thì vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, mua bán nợ, nếu không cẩn thận sẽ là chuyện “đánh bùn sang ao”. “Các tổ chức quốc tế thắc mắc tại sao Việt Nam tái cấu trúc hệ thống ngân hàng mà lại không nói đến chi phí bỏ ra để mua nợ xấu. Theo tôi, Ngân hàng nhà nước đã tính toán vấn đề này, nhưng nếu đã tính toán rồi thì phải công bố, phải sớm đưa ra chính sách cụ thể để triển khai. Phải mất vài ba năm mới xử lý được hết các khoản nợ xấu, nợ mất khả năng thu hồi vốn hiện nay”, ông Nghĩa nói.
Chắc chắn, sẽ không có chuyện Ngân hàng nhà nước in 100.000 tỷ đồng tiền mặt để mua nợ xấu và số tiền này cũng không phải lấy hoàn toàn từ ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, có khả năng, ngân sách nhà nước sẽ phải “gánh” một lượng tiền không nhỏ trong tổng cơ cấu nguồn vốn hoạt động của công ty mua bán nợ này. Lý do là dự phòng rủi ro của các ngân hàng hiện không lớn. Hơn nữa, nợ xấu cũng không phải là “béo bở” để ngân hàng trong và ngoài nước dám rót vốn đầu tư.
Vậy trong bối cảnh chi ngân sách bị Quốc hội kiểm soát chặt như hiện nay, ngân sách nhà nước sẽ bỏ tiền ra theo hình thức nào.
Nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng nhà nước sẽ thực hiện thông qua phát hành trái phiếu, tín phiếu. Tuy nhiên, đối tượng mua số trái phiếu, tín phiếu này chưa rõ ràng.
TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho rằng, nếu giải quyết triệt để, có thể xảy ra tình trạng nợ xấu sẽ chạy lòng vòng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Chưa kể, hiện tính thanh khoản của các khoản nợ xấu vẫn là dấu chấm hỏi.
Ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) khẳng định: “Với những khoản nợ xấu có tiềm năng, công ty mua bán nợ xấu của các ngân hàng sẵn sàng mua lại, không đợi sự thúc giục của Ngân hàng nhà nước. Tuy nhiên, hiện hầu hết các khoản nợ xấu đều có độ rủi ro rất cao. Nếu Ngân hàng nhà nước mua lại thì không rõ sẽ ra sao”.
Nên lập công ty cổ phần
Bên cạnh nguồn lực hoạt động, mô hình, cơ chế hoạt động của công ty mua bán nợ xấu cũng được đặc biệt quan tâm. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, công ty mua bán nợ ngân hàng nên được thành lập theo hình thức hợp tác công – tư (PPP). Cụ thể, Nhà nước chỉ góp 30 – 40% vốn, còn lại là vốn huy động từ các ngân hàng (vì nợ xấu thuộc một phần trách nhiệm của ngân hàng), ngân hàng nào không tham gia góp vốn thì sẽ không được xử lý nợ xấu.
Lãnh đạo Công ty TNHH Ernst &Young Việt Nam cho rằng, mô hình công ty mua bán nợ xấu nên là công ty cổ phần, Nhà nước là cổ đông lớn, có sự tham gia của các tổ chức tín dụng.
Còn TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học quốc gia TP.HCM lại cho rằng, không nên thành lập công ty mua bán nợ xấu, mà chỉ nên thành lập ủy ban xử lý nợ xấu ngân hàng, trong đó Ngân hàng nhà nước đóng vai trò chủ lực, nhưng cũng có thêm đại diện của các bộ, ngành liên quan.
Trước đó, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình cũng nói đại ý, nguồn lực mua bán nợ xấu sẽ huy động từ nhiều nguồn, Nhà nước chỉ tham gia với tư cách đòn bẩy. “Thực tiễn cho thấy, các nước trong khu vực và thế giới đã áp dụng thành công công cụ mua bán nợ trong thời gian qua. Vốn đều được thu hồi lại, thậm chí cao hơn số tiền đã bỏ ra”, ông Bình nhấn mạnh.
Theo Báo đầu tư
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông