Kiến thức Tài chính kế toán Lãi suất vay vốn quá cao cản trở hoạt động doanh nghiệp

Lãi suất vay vốn quá cao cản trở hoạt động doanh nghiệp

272
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam“Lãi suất vay vốn quá cao đang là yếu tố cản trở hàng đầu đối với hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp hiện nay”, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê) chia sẻ kết quả điều tra doanh nghiệp.
Thưa ông, được biết Tổng cục Thống kê vừa hoàn thành cuộc điều tra nhanh về thực trạng và tình hình khó khăn của khu vực doanh nghiệp trên phạm vi cả nước, với sự tham gia của gần 1 vạn doanh nghiệp. Vậy kết quả của cuộc điều tra cho thấy bức tranh tổng thể về hoạt động doanh nghiệp ra sao?
Kết quả điều tra 9.331 doanh nghiệp cho thấy, sau 15 tháng, số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động chiếm 91,6%; số doanh nghiệp phá sản, giải thể và doanh nghiệp ngừng sản xuất – kinh doanh, đang hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể (gọi chung là doanh nghiệp phá sản, giải thể) chiếm 8,4% (số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,1%, số doanh nghiệp ngừng sản xuất – kinh doanh và doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,3%).
Trong ba loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp ngoài nhà nước phá sản, giải thể chiếm tỷ lệ cao nhất với 9,1%, tiếp đến là khu vực doanh nghiệpNN với 2,7% và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn ĐTNN (FDI) với 2,4%. Đặc biệt, trong số các doanh nghiệp bị phá sản, giải thể, có đến 88,4% doanh nghiệp phản ánh, họ sẽ không tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới, chỉ có 11,6% doanh nghiệp dự kiến tiếp tục thành lập doanh nghiệp mới. Trong số doanh nghiệp phá sản, giải thể sẽ thành lập doanh nghiệp mới, có 38,9% trả lời thành lập ngay trong năm 2012; 25% thành lập trong năm 2013; 16,7% thành lập trong năm 2014 và 19,4% thành lập sau năm 2014.
Những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp lâm vào tình trạng giải thể hoặc phá sản là gì, thưa ông?
Trong tổng số 784 doanh nghiệp phá sản, giải thể (8,4%) thuộc mẫu điều tra, có đến 69,9% doanh nghiệp phản ánh, nguyên nhân phá sản, giải thể là do sản xuất – kinh doanh thua lỗ; 28,2% doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất – kinh doanh; 14,7% doanh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm; 11,7% doanh nghiệp khó khăn về địa điểm sản xuất – kinh doanh; 4,6% doanh nghiệp phải đóng cửa để thành lập doanh nghiệp mới/chuyển đổi ngành nghề sản xuất – kinh doanh và 4,6% doanh nghiệp đóng cửa doanh nghiệp để sáp nhập với doanh nghiệp khác.
Kết quả điều tra cũng cho thấy, trong số 11 yếu tố được phỏng vấn thuộc về môi trường kinh doanh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, có 6 yếu tố cản trở lớn nhất, trong đó lãi suất vay vốn quá cao là yếu tố cản trở hàng đầu (chiếm 27,2%); lạm phát cao và biến động thất thường là yếu tố thứ hai (19,5%); xếp vị trí thứ ba là khả năng tiếp cận vốn khó khăn (17,4%); tiếp đến là các yếu tố về chi phí vận tải cao (9,7%), điện cung cấp không ổn định (7%), chính sách điều hành kinh tế không ổn định (7%).
Hiện nay, doanh nghiệp đang phải chịu mức lãi suất thế nào và họ mong muốn điều gì trong tương lai?
Tại thời điểm đầu tháng 5/2012, trong số 57,8% doanh nghiệp đang vay vốn cho sản xuất – kinh doanh, thì có tới 33,5% phải vay với lãi suất bình quân trên 19%/năm và 86,3% số doanh nghiệp cho rằng, mức lãi suất bình quân năm chấp nhận được không quá 15%; 72,7% doanh nghiệp cho rằng, mức lãi suất bình quân năm chấp nhận được không quá 14%.
Đánh giá chung về các yếu tố cản trở nhiều nhất tới sản xuất – kinh doanh hiện nay, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước, các bộ, ngành tập trung hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện các yếu tố chủ yếu sau: ổn định và hỗ trợ lãi suất vay vốn, cải tiến và tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá điện, cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nguồn vốn và hỗ trợ lãi suất vay vốn cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, hỗ trợ phát triển và đổi mới công nghệ để phát triển sản xuất – kinh doanh, cải thiện môi trường pháp lý và hiệu quả giải quyết tranh chấp, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải tiến thuế suất và công tác quản lý thuế.
Từ ngày 1/4 đến 16/5/2012, Ban chỉ đạo Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính sự nghiệp năm 2012 đã tiến hành điều tra chọn mẫu về thực trạng doanh nghiệp và tình hình khó khăn của khu vực doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Đối tượng điều tra bao gồm 10.120 doanh nghiệp thuộc các loại hình sở hữu.
Dàn chọn mẫu là tổng số doanh nghiệp thực tế đang hoạt động do ngành Thống kê điều tra có tại thời điểm 1/1/2011. Đến ngày 16/5/2012 đã thu được 9.331 phiếu.

Theo Đầu tư chứng khoán

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không