Kiến thức Marketing Khoa học rác kiểu “Nghiên cứu chỉ ra rằng…”: Món khoái khẩu...

Khoa học rác kiểu “Nghiên cứu chỉ ra rằng…”: Món khoái khẩu của truyền thông “câu view” và doanh nghiệp cạnh tranh bẩn

13
Chỉ cần câu cửa miệng “khoa học chỉ ra rằng, nghiên cứu cho thấy…” là đại đa số công chúng lao vào đọc, tin, và chia sẻ rộng rãi. Không người nào tự hỏi: “Ai nghiên cứu, nghiên cứu thế nào?”, “Nghiên cứu từ bao giờ”, “Ai công nhận những nghiên cứu này?”

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

“Khoa học chứng minh rằng, nghiện chụp ảnh tự sướng là dấu hiệu của tâm thần.”

“Nghiên cứu chỉ ra rằng, mặt nạ tinh trùng làm đẹp da.”

Hay cụ thể hơn…

“Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, tiêm vắc xin gây ra tự kỷ.”

Chỉ cần câu cửa miệng “khoa học chỉ ra rằng, nghiên cứu cho thấy…” là đại đa số công chúng lao vào đọc, tin, và chia sẻ rộng rãi. Không người nào tự hỏi: “Ai nghiên cứu, nghiên cứu thế nào?”, “Nghiên cứu từ bao giờ”, “Ai công nhận những nghiên cứu này?”

Đây là hậu quả của junk-science (tạm dịch: khoa học rác), một khái niệm chưa phổ biến ở Việt Nam dù chúng đang hiệu hữu mỗi ngày khi ta lên mạng.

Khoa học rác là những nghiên cứu, dữ liệu khoa học vô tình hay cố ý sai lệch, không qua kiểm chứng, để cá nhân, tổ chức trục lợi. Truyền thông dùng khoa học rác để “câu view”, giới chính trị và hoạt động xã hội dùng khoa học rác để đạt mục đích, doanh nghiệp dùng khoa học rác để hạ bệ đối thủ cạnh tranh, thúc đẩy doanh số, cá nhân dùng khoa học rác để kiếm danh tiếng.

“Khoa học rác” ở đâu ra mà nhiều thế?

Thứ nhất, từ chính nhà khoa học.

Theo MEDLINE – một trong những kho dữ liệu khoa học khổng lồ nhất thế giới – từ năm 2013 đến 2016 có khoảng 2325 bài nghiên cứu bị gỡ khỏi các tạp chí khoa học uy tín. Số lượng này tăng lên mỗi năm. Vì các nghiên cứu đó viết toàn dữ liệu không đáng tin, phần lớn là được cố tình “viết láo” bởi những nhà khoa học đã mất uy tín và quyết định vứt bỏ đạo đức khoa học sang một bên.

Nhiều nhà khoa học gian lận trong nghiên cứu vì nếu muốn kiếm sống, xin tài trợ, đôi khi họ buộc phải giao nộp kết quả nghiên cứu càng nhanh, càng nhiều, càng tốt, bất chấp thời gian. Chính vì thế họ vội lao vào xuất bản bất cứ thứ gì họ nghiên cứu ra mà không màng kiểm nghiệm sát sao.

Thứ hai, giữa một ma trận “nghiên cứu, thống kê chỉ ra rằng”, có một sự thực hiển nhiên đó là không phải công trình nào cũng đến từ nhà nghiên cứu chân chính và có trình độ.

Phong trào nghiên cứu khoa học ở nhiều nước phương Tây rất mạnh, các sinh viên Đại học tham gia nghiên cứu, xuất bản công trình là chuyện bình thường. Họ nghiên cứu đủ các đề tài nghe khá tò mò và hấp dẫn, ví dụ như “Nam giới tập gym có đời sống tình dục kém”. Nhưng các báo lá cải cứ liên tục biến hóa các đề tài sinh viên đó thành “nghiên cứu Đại học X cho thấy” rồi đăng lên, mặc dù đề tài đó có khi chỉ là… bài tập về nhà, bài thi cuối kỳ của sinh viên, hoặc có nghiên cứu đàng hoàng thì kết quả vẫn phải xem lại vì phương pháp nghiên cứu có thể chưa phù hợp, hay phạm vi mẫu quá hẹp (có khi chỉ khảo sát trên 30 đối tượng rồi lấy làm kết luận chung cho… cả nhân loại).

Tam sao thất bản về Việt Nam, các công trình nghiên cứu ấy bỗng hóa ra chân lý. Có khi đến lúc chúng ta thay câu cửa miệng “nghiên cứu, thống kê chỉ ra rằng” bằng “người ta bảo rằng” mất.

Thứ ba, từ tạp chí khoa học.

Trước đây số lượng các tạp chí khoa học là có hạn, quy trình đánh giá chéo (kiểm tra thực tế và xác nhận kết quả) cũng rất nghiêm ngặt. Nhưng giờ đây, cơ sở dữ liệu trở thành “cần câu cơm” của nhiều tạp chí khoa học. Nhà nghiên cứu bỏ tiền để được xuất bản công trình, độc giả bỏ tiền để đọc với giá cắt cổ. Và thế là các tạp chí tha hồ kiếm lời bằng mô hình này. Từ đó, nhiều người không có trình độ khoa học cũng hồ hởi lao vào “làm khoa học” để kiếm tiền.

Ngoài ra, các nhà báo khoa học vốn có trách nhiệm đưa kết quả nghiên cứu tới đại chúng bằng cách viết lại với ngôn ngữ dễ hiểu. Nhưng chẳng mấy bài viết truyền đạt được chính xác nội dung của cả công trình nghiên cứu. Thay vào đó, họ giật tít, “lá cải hóa” toàn bộ nội dung và thường xuyên pha trộn ý kiến chủ quan của họ. Cuối cùng, bài nghiên cứu gốc và bài báo xào lại thành ra tam sao thất bản, chẳng liên quan gì đến nhau, mục đích cuối cùng vẫn là câu like và quảng cáo

Vô lý đến mấy, cứ mang danh “khoa học” là “có lý” hết!

Các cá nhân, tổ chức mạo danh khoa học để trục lợi. Ví dụ nhiều người đem khoa học ra để vận động công chúng bác bỏ tôn giáo, cũng có người lại gán mác “khoa học” cho những thứ huyền bí để “chống lưng” cho tôn giáo. Một số khác núp bóng khoa học để bán những thực phẩm, mỹ phẩm chưa được kiểm nghiệm, có khả năng gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng hoặc chẳng có tác dụng gì, ví dụ như “khoa học chứng minh đắp mặt nạ tinh chất vàng giúp trẻ ra mười tuổi”.

Xin lấy cà phê và thuốc lá làm ví dụ. Hàng trăm bài nghiên cứu được xuất bản trong vòng mấy năm qua với nội dung “trống xuôi kèn ngược”. Một số thì bênh và cổ xúy cà phê, thuốc lá, một số thì không. Hai bên đều sử dụng dữ liệu khoa học nhưng áp đặt ý kiến thiên vị chủ quan để đưa ra kết luận. Nay thì ta thấy “uống cà phê tăng tuổi thọ”, mai lại đọc được “uống cà phê gây ung thư”. Làm vậy để phục vụ ai, chứ phục vụ khoa học thì chắc chắn là không.

Hậu quả là gì?

Khoa học mang lại tiện nghi cho cuộc sống nhưng buồn thay, khoa học đang bị lạm dụng. Nếu không bảo vệ, ta sẽ đánh mất khoa học, và khi đó cả thế giới sẽ lung lay. Sẽ không còn nguồn thông tin đáng tin cậy, bạn chẳng tin bất cứ ai và thế giới ngập tràn những hoài nghi và tin rác.

Bạn đọc một bài báo nói rằng “khoa học chứng minh, uống sản phẩm thuốc A sẽ giúp giảm béo giữ eo”, bạn mua về dùng mà không hiệu nghiệm, bạn sẽ đổ lỗi và không còn tin khoa học chân chính nữa. Ở nước ngoài hay ở Việt Nam cũng đang xảy ra những cuộc tranh cãi nảy lửa về việc “uống sữa bò không tốt”, “thực phẩm biến đổi gien là có hại”, vvv… Cuộc chiến chưa đến hồi kết, các doanh nghiệp bán “thực phẩm không biến đổi gien” cứ tạm bỏ túi doanh thu cái đã.

Vậy ta phải làm gì?

Khi đọc một bài báo tựa “khoa học chứng minh rằng…”, “nghiên cứu chỉ ra rằng…”, hãy luôn tự kiểm tra nguồn trước khi tin theo và share đi khắp nơi. Hãy đặt ra nhiều câu hỏi, trang bị kiến thức trước khi đi đến kết luận hay ra quyết định dựa trên các thông tin này.

Đôi khi chúng ta chia sẻ một bài viết với với cái tít ngớ ngẩn như “nghiên cứu cho thấy càng nhắn tin nhiều càng dễ chia tay”, đơn giản là nó giải trí, tức cười. Nhưng có chắc rằng những người khác cũng thấy “giải trí” hay họ sẽ tin sái cổ, thậm chí đánh giá sai lệch rằng nghiên cứu khoa học giờ đây chỉ để mua vui?

Những giải pháp khác được đưa ra trong tương lai là xây dựng các thuật toán thông minh có thể phát hiện nguồn thông tin không xác thực và cảnh báo trước khi cho xuất bản; tẩy chay các tạp chí “ăn tiền” và những ai mạo danh “khoa học” để trục lợi.

Từ giờ đến lúc nhân loại làm được điều đó, chúng ta hãy tự bảo vệ mình bằng cách tự trang bị kiến thức để “miễn nhiễm” với các bài viết chứa khoa học rác.

Theo Trí thức trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không