Chiều nay (18/6), theo kế hoạch, các đại biểu dự Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII sẽ nhấn nút thông qua một số luật, trong đó có Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Trao đổi với phóng viên, Đại biểu Phan Văn Quý, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi là rất cần thiết để duy trì sự ổn định, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống tổ chức tín dụng.
Thưa ông, đâu là cơ sở để nhận định ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi là cần thiết?
Theo đánh giá của các chuyên gia, hoạt động tổ chức tín dụng nước ta trong những năm qua phát triển quá nhanh, cả về số lượng lẫn quy mô. Quản trị, điều hành ở một số đơn vị còn nhiều bất cập, nên đã nảy sinh bất ổn về thanh khoản, nợ xấu cao.
Thống kê cho thấy, nợ xấu từ năm 2001 đến 2005 khoảng 23.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2011, nợ xấu toàn hệ thống ước khoảng 75.000 tỷ đồng, trong đó, nợ khó đòi lên đến 47%, tương đương 35.000 tỷ đồng.
Thực trạng đó, đòi hỏi phải có Luật Bảo hiểm tiền gửi, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi phát triển, góp phần ổn định thị trường tài chính và tăng lòng tin của người dân với hệ thống tài chính trong nước. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng hiện nay.
Được biết, tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, ông cũng đã có ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi. Theo ông, những vấn đề đáng lưu ý của Dự thảo là gì?
Tôi thấy có mấy nội dung cần quan tâm.
Thứ nhất, chỉ bảo hiểm cho tiền gửi bằng đồng Việt Nam, không bảo hiểm cho tiền gửi là đồng ngoại tệ, vàng, kim loại quý… Trên thế giới, các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia… đều chỉ bảo hiểm cho đồng nội tệ. Như vậy, quy định của Dự thảo hoàn toàn phù hợp với chính sách quản lý ngoại hối của Nhà nước và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thứ hai, chỉ bảo hiểm cho cá nhân, không nên bảo hiểm cho các tổ chức, vì chính sách bảo hiểm tiền gửi là hướng đến bảo vệ những người gửi tiền nhỏ lẻ, không có điều kiện tiếp cận thông tin.
Thứ ba, tổ chức bảo hiểm tiền gửi chỉ được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi để mua trái phiếu chính phủ, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và gửi tiền tại Ngân hàng Nhà nước để nhằm bù đắp chi phí, bảo đảm an toàn vốn.
Mức phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm vẫn chưa thống nhất. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?
Theo tôi, phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm nên giao cho Chính phủ quy định. Luật Bảo hiểm tiền gửi cần quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí tính toán. Chẳng hạn, phí bảo hiểm tiền gửi hiện là 0,15%/năm. Để khuyến khích các tổ chức tín dụng nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, khi tính phí bảo hiểm tiền gửi, có thể xếp hạng tín nhiệm của từng tổ chức tín dụng theo hạng A, B, C, tương ứng với từng mức phí như 0,15%; 0,2%; 0,3% tính trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm.
Về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi, mức tối đa hiện là 50 triệu đồng. Để có thêm phương án cho người gửi tiền lựa chọn và các ngân hàng có tín nhiệm thấp vẫn thu hút được khách hàng gửi tiền, thì nên để các mức 50 triệu đồng, 100 triệu đồng, 150 triệu đồng, tương ứng với hạng tín nhiệm đã được xếp.
Hình thức này phù hợp với thông lệ, vì trên thế giới có quỹ đầu tư bảo hiểm với lãi suất cao thì rủi ro lớn.
Vậy theo ông, để đảm bảo cho hoạt động bảo hiểm tiền gửi được khách quan, hiệu quả, nên giao nhiệm vụ thanh tra cho cơ quan nào?
Thanh tra bảo hiểm tiền gửi nên giao cho Kiểm toán Nhà nước, không phải là Ngân hàng Nhà nước như Dự thảo đã nêu. Như vậy, mới đảm bảo tính khách quan của hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Theo báo Đầu tư
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
CóKhông