Kiến thức Tài chính kế toán Cần phân biệt hai mô hình: hợp tác xã và doanh nghiệp

Cần phân biệt hai mô hình: hợp tác xã và doanh nghiệp

16062
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamBình luận về Luật Hợp tác xã (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tập trung thảo luận vào sáng nay (19/6), ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế (Bộ Tư pháp) cho rằng, nếu được Quốc hội thông qua, Luật Hợp tác xã sẽ tiến gần hơn các quy định về kinh tế tập thể của nhiều nước trên thế giới.

Thưa ông, nói như vậy, Luật Hợp tác xã hiện hành chưa phản ánh đúng bản chất của kinh tế tập thể?

Năm 1996, lần đầu tiên Việt Nam ban hành Luật Hợp tác xã, nhưng khác xa bản chất mô hình kinh tế tập thể của thế giới. Năm 2003, chúng ta ban hành Luật Hợp tác xã mới, đã tiếp cận gần hơn với quy định của thế giới, nhưng vẫn còn nhiều quy định không giống, thậm chí trái với mô hình kinh tế tập thể của thế giới. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến sau hơn 8 năm triển khai, mô hình kinh tế này không những không phát triển như mong muốn, mà tỷ lệ đóng góp vào GDP ngày càng giảm đi.

Cụ thể, những quy định nào trong Luật Hợp tác xã hiện hành không phản ánh đúng bản chất của kinh tế tập thể?

Có rất nhiều quy định trong Luật Hợp tác xã hiện hành không phản ánh đúng bản chất của kinh tế tập thể, nhưng quan trọng nhất là quy định về phân phối lợi nhuận. Theo quy định hiện hành, Hợp tác xã dựa vào tiêu chí góp vốn để phân phối lợi nhuận, ai góp nhiều hưởng nhiều, ai góp ít hưởng ít, không khác gì cổ đông của công ty cổ phần. Như vậy thì không nhất thiết phải thành lập kinh tế tập thể, vì Hợp tác xã đã trở thành doanh nghiệp; không nhất thiết phải ban hành một luật riêng về mô hình kinh tế này, mà quy định một chương trong Luật Doanh nghiệp về kinh tế tập thể.
Tôi cho rằng, chính vì quy định như trên nên hiện có khá nhiều tổ chức kinh tế hoạt động hoàn toàn theo Luật Doanh nghiệp, nhưng “đội lốt” Hợp tác xã. Rất mừng là Dự thảo Luật Hợp tác xã mới có những quy định rất rõ để phân biệt mô hình kinh tế tập thể với mô hình doanh nghiệp, trong đó có quy định về phân phối lợi nhuận.

Ngày 6/6/2012, khi thảo luận tại tổ về Luật Hợp tác xã, vẫn còn không ít đại biểu Quốc hội chưa thể phân biệt rạch ròi giữa mô hình doanh nghiệp và mô hình kinh tế tập thể, thưa ông?

Kinh tế tập thể là mô hình kinh tế rất phức tạp, cũng phải nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính khác vào ngân sách nhà nước như doanh nghiệp, nên khi chưa nghiên cứu kỹ thì không phải ai cũng phân biệt được 2 mô hình kinh tế này. Nhưng về mặt luật pháp, tôi xin khẳng định, đây là 2 mô hình kinh tế khác nhau.
Hiện tại, chúng ta có 2 luật cùng song song tồn tại là Luật Doanh nghiệp và Luật Hợp tác xã, với những quy định về quy trình thành lập, tổ chức bộ máy, quá trình vận hành… khác nhau của 2 mô hình này. Điều đó đã chứng tỏ, về mặt luật pháp, Hợp tác xã không phải là doanh nghiệp. Ngoài ra, chúng ta còn có Luật Phá sản năm 2004 cũng quy định rạch ròi về việc phá sản Hợp tác xã và phá sản doanh nghiệp.

Nhưng trên thực tế, việc phân biệt hai mô hình kinh tế này không hề đơn giản?

Có thể phân biệt như sau: về đối tượng phục vụ, doanh nghiệp phục vụ thị trường; còn Hợp tác xã phục vụ thị trường là thứ yếu, chủ yếu phục vụ nhu cầu hàng hoá, dịch vụ cho xã viên, hoạt động vì lợi ích của xã viên, chứ không phải cho bản thân Hợp tác xã.
Về địa vị pháp lý, người tham gia doanh nghiệp chỉ có tư cách duy nhất là nhà đầu tư, trong khi xã viên không chỉ có tư cách là nhà đầu tư, mà còn là người quản lý, đồng thời là khách hàng của Hợp tác xã. Trong đó, tư cách quan trọng nhất của xã viên là khách hàng. Vì vậy, Luật Hợp tác xã mới quy định, nếu xã viên không tham gia mua – bán hàng hoá, dịch vụ với Hợp tác xã trong khoảng thời gian nhất định, thì đương nhiên mất tư cách xã viên.
Về cơ chế quản lý, đối với doanh nghiệp, quyền lực thuộc về người góp nhiều vốn, còn đối với kinh tế tập thể, mọi xã viên có quyền ngang nhau trong mọi vấn đề liên quan đến Hợp tác xã. Và sự khác biệt cuối cùng giữa 2 mô hình kinh tế này là phân phối lợi nhuận. Rất mừng là Luật Hợp tác xã mới đã tiếp cận được thông lệ chung của thế giới, đó chính là quy định phân phối lợi nhuận chủ yếu dựa vào doanh số giao dịch mua – bán hàng hoá, dịch vụ giữa xã viên với Hợp tác xã, chứ không phải là số vốn góp vào Hợp tác xã.

Theo Báo Đầu Tư

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không