Kiến thức Tài chính kế toán Những mô hình kế toán quản trị hiện hành

Những mô hình kế toán quản trị hiện hành

6804
Trong giai đoạn hiện nay thông tin được xem như là một yếu tố trực tiếp của quá trình sản xuất kinh doanh nên để thích ứng với hoàn cảnh mới, các nhà quản trị đã có các phương pháp tiếp cận đối với các chức năng khác nhau của kế toán trong kinh doanh, tiếp thị, sản xuất, tài chính, ứng xử về mặt tổ chức và quản lý doanh nghiệp
Trong bối cảnh đó, kế toán quản trị hình thành và phát triển, trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống cung cấp thông tin phục vụ cho việc quản lý và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Quá trình hình thành và phát triển của kế toán quản trị ở các nước đều gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường, đều đặt trọng tâm vào giải quyết các vấn đề quản trị doanh nghiệp, là một trong những nguồn thông tin quan trọng cung cấp thông tin cho nhà quản trị doanh nghiệp điều hành, hoạch định và ra các quyết định kinh doanh.
Mô hình tổ chức bộ máy kế toán quản trị có thể khái quát:
Mô hình kết hợp: Loại mô hình này được sử dụng ở hầu hết các nước, đặc biệt là ở Mỹ và các nước áp dụng kế toán Mỹ. Mỹ là quốc gia có bề dày phát triển kế toán quản trị chi phí cả về lý luận và thực tiễn. Các doanh nghiệp Mỹ đều áp dụng mô hình kết hợp kế toán quản trị và kế toán tài chính, hoặc mô hình phối hợp với hệ thống kế toán quản trị chi phí được tách riêng. Theo mô hình này kế toán trưởng chịu trách nhiệm chung về toàn bộ công tác kế toán trong doanh nghiệp từ việc tổ chức xây dựng bộ máy kế toán, lưu chuyển chứng từ, vận dụng tài khoản, hệ thống báo cáo…nhằm cung thong tin cho nhà quản trị. Các bộ phận kế toán có chức năng thu thập và cung cấp thông tin kế toán vừa tổng hợp, vừa chi tiết…đồng thời lập dự toán tổng hợp và chi tiết theo yêu cầu quản lý. kế toán quản trị đặt trọng tâm vào việc xây dựng, kiểm tra, xác định và hoạch định các chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi đó doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai phương pháp xác định chi phí và giá thành sản phẩm: phương pháp kế toán chi phí, tính giá thành sản phẩm theo công việc và phương pháp kế toán chi phí, tính giá thành theo quá trình sản xuất
Kế toán quản trị không sử dụng chế độ kế toán riêng, tách rời với kế toán tài chính mà sử dụng các tài khoản kế toán chi tiết, hệ thống sổ kế toán và báo cáo kế toán quản trị kết hợp chung trong một hệ thống kế toán thống nhất với kế toán tài chính. Hệ thống kế toán quản trị được tổ chức kết hợp với hệ thống kế toán tài chính. Kế toán tài chính và kế toán quản trị được tổ chức thành một bộ máy thống nhất trong cùng một bộ máy kế toán. Kế toán tài chính sử dụng các tài khoản kế toán tổng hợp còn kế toán quản trị sử dụng các tài khoản chi tiết, sổ kế toán chi tiết phù hợp, báo cáo kế toán nội bộ và còn sử dụng thêm các phương pháp khác như phương pháp thống kê, phương pháp toán…để hệ thống hóa và xử lý thông tin. Việc ghi chép, phản ánh, xử lý và truyền đạt thông tin được tính đến cả mục đích của kế toán tài chính và kế toán quản trị nhằm thỏa mãn nhu cầu thông tin kế toán cho cả đối tượng bên trong và bên ngoài doanh nghiệp. Mỗi bộ phận kế toán có chức năng thu thập, cung cấp thong tin kế toán vừa ở dạng tổng hợp, vừa ở dạng chi tiết theo yêu cầu quản lý. Bộ phận kế toán quản trị chi phí sử dụng báo cáo bộ phận để cung cấp thong tin cho nội bộ doanh nghiệp, bộ phận kế toán tài chính sử dụng hệ thống báo cáo tài chính để cung thong tin cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp.
Loại mô hình tách rời: Loại mô hình tổ chức kế toán quản trị này áp dụng chủ yếu ở Cộng hòa Pháp và những nước thực hiện theo kế toán Cộng hòa Pháp. Theo mô hình tách rời ở Pháp, kế toán quản trị đặt trọng tâm vào việc xác định và kiểm soát chi phí ở các doanh nghiệp sản xuất, bằng cách chia chi phí theo các trung tâm trách nhiệm quản lý, phân tích đánh giá và tìm các nguyên nhân làm sai lệch chi phí và cuối cùng điều hòa giữa kế toán tài chính và kế toán quản trị. Các quy định chung về kế toán chi phí tại Pháp hướng dẫn doanh nghiệp đánh giá hoạt động bằng cách lập báo cáo thực hiện dự toán trên cơ sở các số liệu kế toán nhưng trên thực tế hầu hết các doanh nghiệp Pháp đều không vận dụng các hướng dẫn này mà họ lập các báo cáo đánh giá hoạt động hầu như chỉ dựa trên các thông tin phi tài chính, chứ không dựa trên các số liệu tài chính do kế toán cung cấp, các báo cáo này rất khác biệt so với các báo cáo bộ phận của các trung tâm trách nhiệm theo hệ thống kế toán quản trị chi phí Mỹ. kế toán quản trị sử dụng hệ thống kế toán riêng, tách rời hoàn toàn với kế toán tài chính. Hệ thống kế toán quản trị được tổ chức thành bộ máy riêng (phòng kế toán quản trị hay bộ phận kế toán quản trị) sử dụng hệ thống tài khoản kế toán, sổ kế toán và báo cáo kế toán nội bộ tách rời với kế toán tài chính. Kế toán tài chính thu thập, xử lý, lập báo cáo tài chính cung cấp cho các đối tượng bên ngoài doanh nghiệp. Kế toán tài chính tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, quy định của Nhà nước, trong khi đó kế toán quản trị được coi là công việc riêng của doanh nghiệp, các doanh nghiệp tự xây dựng hệ thông hoá thông tin một cách chi tiết nhằm cung cấp thông tin theo yêu cầu quản lý và tổ chức hệ thống sổ sách, báo cáo phục vụ cho mục tiêu quản trị doanh nghiệp. Cụ thể:
Về chứng từ kế toán: ngoài việc sử dụng hệ thống chứng từ chung, kế toán quản trị chi phí còn sử dụng rộng rãi hệ thống chứng từ nội bộ trong doanh nghiệp
Về tài khoản kế toán: các tài khoản kế toán quản trị chi phí được xây dựng thành hệ thống riêng, có ký hiệu riêng, nội dung ghi chép cũng có những đặc điểm khác với kế toán tài chính
Về sổ kế toán: kế toán quản trị chi phí xây dựng hệ thống sổ kế toán riêng phục vụ cho việc ghi chép các nghiệp vụ thuộc kế toán quản trị
Về báo cáo kế toán: các báo cáo kế toán quản trị được lập riêng dưới dạng báo cáo dự toán sản xuất, báo cáo lỗ lãi từng bộ phận…Ngoài các chỉ tiêu quá khứ, các chỉ tiêu thực hiện kế toán quản trị còn thiết lập các cân đối dự toán, kế hoạch.
Bài học kinh nghiệm tổ chức kế toán quản trị chi phí cho các doanh nghiệp tại Việt Nam
Từ việc nghiên cứu tổ chức kế toán quản trị chi phí ở một số nước trên thế giới giúp chúng ta học hỏi được, tiếp thu được những kinh nghiệm quý báu để vận dụng vào các doanh nghiệp Việt Nam. Trên cơ sở phân tích thực trạng của hệ thống kế toán của các doanh nghiệp Việt Nam, sự biểu hiện của kế toán quản trị, vận dụng kinh nghiệm của các nước, để tổ chức tốt kế toán quản trị trong các doanh nghiệp hiện nay trước hết phải có sự thống nhất nhận thức về bản chất, nội dung và phạm vi của kế toán quản trị; trên cơ sở đó xác định mô hình tổ chức kế toán quản trị phù hợp.
Trên thực tế, hệ thống thông tin của kế toán chi phí tại các doanh nghiệp hầu hết là thông tin quá khứ. Kế toán chi phí chưa phục vụ cho việc phân tích các mặt hoạt động của doanh nghiệp vào việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực, việc xây dựng các phương án lựa chọn các quyết định sản xuất tối ưu. Việc phân loại chi phí sản xuất chưa hướng tới kế toán cung cấp thông tin cho yêu cầu kế toán quản trị doanh nghiệp. Hệ thống tài khoản kế toán đã có sự chi tiết nhưng chưa phù hợp với việc phân tích chi phí theo định phí, biến phí để từ đó có thể phân tích chênh lệch giữa chi phí thực tế và định mức. Việc lập dự toán và định mức các khoản chi phí chưa được quan tâm đúng mức, bởi vậy mà chưa có sự chủ động trong kế hoạch sản xuất, hầu hết phụ thuộc vào đối tác. Công tác phân tích chi phí-khối lượng-lợi nhuận chưa được các doanh nghiệp thực hiện, do vậy thông tin chi phí chưa phát huy tác dụng trong việc lựa chọn những phương án sản xuất tối ưu. Chưa tiến hành đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ phận trong doanh nghiệp. Công tác kế toán quản trị trong đó có kế toán quản trị chi phí chưa được chú trọng, hệ thống, sổ sách còn rất sơ sài chủ yếu vẫn sử dụng sổ sách chi tiết của kế toán tài chính…Từ việc nghiên cứu và phân tích những vấn đề tồn tại nêu trên cần lựa chọn một mô hình tổ chức kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp tại Việt Nam là điều cần thiết
Trong điều kiện hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam nên theo mô hình kết hợp kế toán quản trị và kế toán tài chính trong cùng một hệ thống kế toán là phù hợp, bởi mô hình này cho phép kế thừa được những nội dung của kế toán tài chính đã tồn tại và biểu hiện cụ thể trong hệ thống kế toán hiện hành. Thực chất kế toán tài chính và kế toán quản trị đều nghiên cứu sự biến động chi phí và kết quả của hoạt động. Song kế toán quản trị mang nội dung chủ yếu vì nó cung cấp hệ thống thông tin về chi phí để các nhà quản trị đưa ra hàng loạt các quyết định. Mặt khác, việc tồn tại một hệ thống kế toán sẽ tiết kiệm được chi phí trong hạch toán kế toán, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả hơn là áp dụng mô hình tách rời dường như sẽ tốn kém chi phí nhiều hơn so với lợi ích thu được. Điều này cũng phù hợp với các doanh nghiệp Việt Nam vì chiếm đến 95% các doanh nghiệp hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nó phù hợp với trình độ cán bộ kế toán tại các đơn vị, đồng thời đảm bảo thuận lợi cho việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước. Mỗi phần hành kế toán nên phân công nhiệm vụ rõ ràng để nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công việc của nhân viên kế toán, đồng thời tránh sự chồng chéo trong việc thu thập, xử lý và cung cấp thông tin cho nhà quản trị doanh nghiệp.
Tổ chức phân loại chi phí sản xuất: Hiểu được bản chất của từng yếu tổ chi phí phát sinh, từ đó phân loại chi phí thành biến phí và định phí góp phần kiểm soát chi phí và dự toán chi phí cho kỳ tới, cho các phương án sắp lựa chọn.
Biến phí sản xuất bao gồm: Chi phí nguyên vật liệu, Chi phí nhân công, Chi phí sản xuất chung như Chi phí công cụ, dụng cụ, nhiên liệu, động lực, chi phí tiền lương nhân viên quản lý phân xưởng ngoài lương cơ bản như khoản chi phí làm thêm giờ, tiền thưởng. Chi phí điện nước, điện thoại phục vụ sản xuất như các khoản tiền phải trả cho lượng điện, nước, điện thoại tiêu hao tại các phân xưởng sản xuất ngoài phần chi phí cố định phải trả hàng tháng
Định phí sản xuất: bao gồm những khoản chi phí mang tính chất cố định hàng tháng phát sinh.
Xây dựng hệ thống tài khoản kế toán: Để tổng hợp và phân tích thông tin kế toán kịp thời và chính xác thì kế toán tài chính nên sử dụng các tài khoản tổng hợp, báo cáo tài chính, còn kế toán quản trị nên sử dụng các tài khoản chi tiết báo cáo bộ phận để thu nhận và xử lý thong tin phục vụ cho việc ra quyết định trong quá trình sản xuất kinh doanh. Xây dựng hệ thống tài khoản chi tiết dựa trên cơ sở hệ thống tài khoản kế toán được Bộ Tài Chính ban hành nhằm phục vụ công tác theo dõi tình hình sản xuất và lập các báo cáo kế toán quản trị là công việc cần thiết đối với các doanh nghiệp may. Để hệ thống hóa và cung cấp thông tin kế toán cho việc lập các báo cáo kế toán quản trị chi phí theo yêu cầu quản lý, các doanh nghiệp cần lựa chọn, thiết kế hệ thống tài khoản chi tiết cấp 2.3.4… cho phù hợp. Việc xây dựng hệ thống tài khoản chi tiết phục vụ yêu cầu quản trị doanh nghiệp cần phải dựa vào yêu cầu quản lý của doanh nghiệp như quản lý theo từng khoản mục chi phí, khoản mục giá thành một cách chi tiết cụ thể theo từng loại sản phẩm, từng đơn đặt hàng…
Tổ chức xây dựng hệ thống báo cáo kiểm soát chi phí: Cần quan tâm trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật và dự toán quá trình sản xuất kinh doanh một cách khoa học, hợp lý, cần quan tâm đến việc phân tích kết quả trong mối quan hệ với chi phí bỏ ra, mọi sự sại lệch đều phải tìm nguyên nhân và bộ phận chịu trách nhiệm để có biện pháp điều chỉnh hợp lý. kịp thời. Mọi trung tâm chức năng đều phải có trách nhiệm với chi phí chứ không chỉ có bộ phận kế toán. Sau đó cần lập Bảng đánh giá tình hình thực hiện định mức chi phí.

Theo Khoa học kiểm toán

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không