Kiến thức Tuyển dụng Nghề xử lý nợ – Những chiến binh thầm lặng

Nghề xử lý nợ – Những chiến binh thầm lặng

33
Chắc ai trong nghề cũng biết cái cảm giác chạy sổ ngày cuối tháng, cái cảm giác như là người chiến thắng và vui đến tột độ mỗi khi có một khoản đóng tiền. Tôi từng chứng kiến cảnh cả văn phòng cùng hò reo khi thu hai món cuối cùng là đạt được target của tháng. Vui thật vui lắm, lúc ấy chúng tôi cảm thấy công việc của mình ý nghĩa biết dường nào và tự hào vô cùng …

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Xử lý nợ là một lĩnh vực khá nóng trong lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng, nhất là trong vòng 7 năm trở lại đây. Song hành cùng với những con số nợ xấu tràn lan trên các phương tiện truyền thông, đâu đó chúng ta cũng nghe về những con người này mà từ ngữ chuyên môn thường gọi chung là “collector”.

Đằng sau sự phục hồi của ngân hàng trong vài năm trở lại đây, cá nhân tôi cho rằng có những đóng góp không hề nhỏ của những chiến binh thầm lặng này. Với 5 năm trải nghiệm trong nghề, hiện tại cá nhân tôi đã chuyển sang một lĩnh vực kinh doanh khác trong ngành Tài chính – Ngân hàng nhưng những day dứt và trăn trở với nghề vẫn luôn gợi nhớ tôi về nghề này.

Có thể trong khuôn khổ bài viết này chưa lột tả hoàn toàn những trăn trở nhưng tôi kỳ vọng rằng nó sẽ là lời tri ân đến với nghề và tiếp thêm động lực cho các bạn còn lại tiếp tục với chặng đường nghề nghiệp họ đã chọn.

Collector theo cách hiểu của tôi và nghĩa Tiếng Việt là người thu hồi nợ. Tuy nhiên tùy theo tổ chức, mô hình mà lại có những cách gọi và định nghĩa khác nhau. Tựu chung, chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng mình là người đi đòi nợ dùm cho ngân hàng và các công ty tài chính. Bạn có thể là một tele-collector, một field collector hay là một anh recovery collector. Còn nhiều rất nhiều vị trí nữa trong lĩnh vực nghề nghiệp này nữa. Nghề của chúng tôi vui lắm, bạn có thể làm trong một tổ chức lên tới hàng ngàn nhân sự hoặc tổ chức chỉ có mỗi mình bạn phụ trách.

Chắc ai trong nghề cũng biết cái cảm giác chạy sổ ngày cuối tháng, cái cảm giác như là người chiến thắng và vui đến tột độ mỗi khi có một khoản đóng tiền. Tôi từng chứng kiến cảnh cả văn phòng cùng hò reo khi thu hai món cuối cùng là đạt được target của tháng. Vui thật vui lắm, lúc ấy chúng tôi cảm thấy công việc của mình ý nghĩa biết dường nào và tự hào vô cùng … Rồi những câu chuyện về những “thánh hứa”; những đoạn hội thoại vui; những cú lừa siêu ngoạn mục của các anh/chị khách hàng làm cho công việc của chúng tôi rất hồi hộp, gây cấn và đầy thách thức.

Tuy nhiên, nghề cũng mang lại cho chúng tôi những chiêm nghiệm. Chuyện kể có anh collector khi đến nhà khách hàng đã khóc khi gặp mẹ khách hàng. Đứng trước hoàn cảnh quá khó khăn của cha mẹ khách hàng, bằng tất cả chân thành anh ấy đã tặng bác vài kg gạo. Rồi những câu chuyện với những “khách hàng bất đắc dĩ”: Họ từng là những cá nhân, công ty rất thành công, nhưng lúc ngồi làm việc với chúng tôi họ đã thất nghiệp, kinh doanh thất bại và đầy bối rối. Bạn sẽ cảm nhận được sự bế tắc và tự hỏi tại sao họ lại không nghĩ về điều này mà quá liều lĩnh lao vào kinh doanh như vậy. Chúng tôi rất đồng cảm nhưng chúng tôi vẫn phải làm công việc của mình, đôi khi chúng tôi nghĩ rằng mình đã đánh mất cảm xúc từ khi nào.

Lại có chuyện một em sinh viên mới ra trường vào làm nửa ngày nghe mọi người làm việc kinh quá, thế là em ấy xin nghỉ, tìm một cơ hội khác. Thật buồn vì nghề này nó thế, mọi người phải cầm máy điện thoại tối thiểu 5 tiếng một ngày, gặp tối thiểu 200 khách hàng/ngày, không được để các khoản vay trễ hạn mới phát sinh. Khó lắm, mệt lắm nhưng biết làm sao khi cả một tập thể đang cố gắng mà chúng ta lùi lại được. Chúng tôi biết em đó sẽ có ấn tượng không tốt về nghề nhưng đằng sau sự dữ dằn đó vẫn còn nhiều những cá nhân có trình độ, có kỹ năng giao tiếp, rất giỏi về nghiệp vụ… Thế nên, hãy tiếp tục gắn bó để hiểu và nhìn được nhiều hơn nhé các bạn trẻ.

Người ta thường bảo tiền thì bạc lắm, chắc là do nghề của chúng tôi tương tác trực tiếp với tiền nên cũng bạc không kém. Nhiều bạn làm nhiều năm trong nghề không phát triển được đến khi muốn tìm một cơ hội mới tại các phòng ban khác thì lại bị từ chối. Chúng tôi hoàn toàn hiểu lý do vì sao, đó là vì “bạn làm xử lý nợ thì bán hàng được không, phê duyệt được không”. Còn có câu chuyện anh xử lý nợ quen người yêu thì bị dị nghị “quen thằng đó làm gì, nó làm xử lý nợ ghê lắm”.

Tôi đã nghe nhiều, rất nhiều câu chuyện như thế và thấy rất buồn cười. Xã hội chúng ta từ lâu đã có những định kiến không tốt đối với nghề này, tôi không phủ nhận có một số thành phần có những biểu hiện không phù hợp trong xã hội. Tuy nhiên với một góc nhìn khá phiến diện về toàn nghề là một thiệt thòi quá lớn cho chúng tôi.

Với kinh nghiệm làm việc ở một số ngân hàng ngoại, vài người bạn ở nước ngoài có chia sẻ là nghề collection của họ tại nước ngoài khá thoải mái, được pháp luật bảo vệ và không phải nhận những định kiến như các bạn đồng nghiệp tại Châu Á. Nhưng rất tiếc, không ít các ngân hàng ở Việt Nam, kể cả ngân hàng ngoại ở Việt Nam đang được điều hành bởi các nhân sự Việt thì các kết quả tương tự cũng đã xảy ra đối với các anh em collector chúng tôi. Tuy nhiên tôi vẫn có một niềm tin rất lớn vào tương lai của lĩnh vực này, rằng nghề xử lý nợ sẽ còn phát triển nữa và đâu đó tôi cũng thấy được sự thành công của rất nhiều cá nhân, đâu đó vẫn có những lãnh đạo tạo điều kiện cho các cựu thu hồi nợ phát triển nghề nghiệp trong những lĩnh vực khác.

Tôi vẫn còn nhớ có một ai đã nói “Đừng bận tâm ai đó nói về những việc bạn đang làm, hãy quan tâm đến kết quả và thứ bạn mang lại cho mọi người”. Hãy tự tin và sống với nghề các collectors nhé, nghề sẽ không bao giờ phụ các bạn đâu!

Theo trí thức trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không