Kiến thức Tài chính kế toán Thiếu luật chống trợ cấp: Việt Nam sẽ khó phát triển

Thiếu luật chống trợ cấp: Việt Nam sẽ khó phát triển

1188

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Cho đến nay, Việt Nam chưa áp dụng trường hợp thuế chống trợ cấp nào đối với hàng nhập khẩu từ nước ngoài. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù chúng ta đã có Pháp lệnh về thuế chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu nhưng với xu hướng phát triển cộng với khó khăn của nền kinh tế hiện nay đòi hỏi phải có Luật về thuế chống trợ cấp.

Từ câu chuyện ống thép Việt bị kiện…

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã sử dụng thuế chống trợ cấp như một công cụ hữu hiệu để bảo hộ cho ngành sản xuất nội địa của nước mình. Mỹ là một trong quốc gia điển hình trong việc áp dụng luật thuế này để bảo vệ các Doanh nghiệp trong nước và người lao động. Tuy không bị kiện nhiều như trường hợp chống phá giá, một số Doanh nghiệp Việt Nam cũng từng bị liệt vào danh sách bị kiện chống trợ cấp. Chẳng hạn, mới đây, Bộ Thương mại Mỹ đã ra phán quyết sơ bộ về chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép hàn cácbon của một số quốc gia xuất khẩu vào nước này, trong đó có Việt Nam. Các công ty của Mỹ cho rằng mặt hàng ống thép hàn cácbon có đường kính dưới 16 inch nhập khẩu được bán với giá rẻ bất thường nhờ hưởng trợ cấp đã làm họ mất thị trường và người lao động mất việc làm từ năm 2008. Dự kiến, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra cho tới tháng 8/2012, còn Bộ Thương mại Mỹ sẽ thực hiện cuộc điều tra của cơ quan này cho tới tháng 9/2012, trước khi đưa ra phán quyết cuối cùng đối với các Doanh nghiệp xuất khẩu ống thép của Việt Nam.
Theo Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, thuế chống trợ cấp (còn gọi là thuế đối kháng) là khoản thuế bổ sung ngoài thuế nhập khẩu thông thường nhằm đánh vào sản phẩm nước ngoài được trợ cấp vào nước nhập khẩu. Đây là biện pháp chống trợ cấp nhằm vào các nhà sản xuất xuất khẩu nước ngoài được trợ cấp, thông qua thủ tục điều tra chống trợ cấp do nước nhập khẩu tiến hành, chứ không nhằm vào chính phủ nước ngoài đã thực hiện việc trợ cấp. Theo các chuyên gia thương mại, nếu so với nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, nguy cơ hàng Việt Nam xuất khẩu bị kiện chống trợ cấp ở nước ngoài thấp hơn. Thực tế cũng cho thấy, xét trong bình diện chung, số vụ kiện chống trợ cấp ở tất cả các nước thành viên WTO cũng thấp hơn nhiều so với số vụ kiện chống bán phá giá. Tuy nhiên, Doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần thận trọng trước nguy cơ này bởi với nền kinh tế nước ta được chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hoá trước kia, hàng hóa Việt Nam rất dễ bị quy chụp là được trợ cấp bởi nhiều lý do. Nguy cơ này càng tăng lên với sự tăng trưởng tương đối lớn về xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh chủ yếu về giá của hàng hoá Việt Nam hiện nay.

… đến những thách thức

Vấn đề đặt ra hiện nay là tại sao trong bối cảnh kinh tế suy thoái, tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, các nước đều đẩy mạnh các biện pháp bảo hộ sản xuất trong nước, trong đó có cách thức đánh thuế chống trợ cấp thì Việt Nam lại chưa quan tâm nhiều và đến nay chúng ta cũng chưa tiến hành điều tra các trường hợp trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu? Trên thực tế, theo các chuyên gia về lĩnh vực thương mại, việc áp dụng thuế chống trợ cấp đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam tuy có nhiều thuận lợi trong bối cảnh hiện nay nhưng cũng sẽ gặp không ít thách thức.
Thứ nhất, hiện nay Việt Nam chưa có luật về thuế chống trợ cấp. Dù Việt Nam đã có khung pháp lý phù hợp với các quy định của Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng (SCM) quy định đầy đủ về trình tự thủ tục tiến hành áp dụng thuế chống trợ cấp và Việt Nam cũng đã ban hành một số văn bản pháp luật liên quan đến thuế chống trợ cấp, song nhiều chuyên gia nhận định các quy định này mới chỉ dừng lại ở quy định “khung”. Việc các quy định mới chủ yếu dừng lại ở mức nguyên tắc sẽ có thể gây bất lợi cho cơ quan thực thi khi phát sinh vụ việc sau này. Bên cạnh đó quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật này, về cơ bản, còn mang tính chất thụ động, tức là xuất phát từ nhu cầu hội nhập và đòi hỏi của các quy định của tổ chức thương mại đa phương, chứ chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế.
Thứ hai, sự nhận thức của cộng đồng Doanh nghiệp trong nước vẫn chưa cao. Một khi đã xây dựng các quy định về chống trợ cấp, nước áp dụng thuế chống trợ cấp cần phổ biến rộng rãi cho các Doanh nghiệp về sự tồn tại của công cụ này và cách thức áp dụng để bảo vệ quyền lợi của họ. Hiện nay dù khá nhiều website đã dành “đất” để đăng tải về các nội dung liên quan đến thuế chống trợ cấp, song trên thực tế, hiện nay lượng Doanh nghiệp Việt Nam biết về thuế chống trợ cấp và cách thức tiến hành kiện ra sao rất ít. Bên cạnh đó, cho đến nay Việt Nam chưa tiến hành khởi kiện Doanh nghiệp xuất khẩu nào nên khả năng các Doanh nghiệp vẫn còn chủ quan và coi nhẹ những thông tin trên.
Thứ ba, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và không được đào tạo bài bản, đặc biệt trong lĩnh vực hẹp và mới như thuế chống trợ cấp. Đội ngũ cán bộ thuộc các cơ quan tổ chức thực hiện tiến hành công tác điều tra cần phải có chuyên môn sâu, có nhiều kinh nghiệm, giỏi ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các quy định về tính toán mức trợ cấp cũng rất chi tiết, mang tính kỹ thuật nghiệp vụ sâu và có thể thay đổi tuỳ thuộc vào các quy định về kế toán. Vì thế, việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công tác này là rất cấp thiết.
Thứ tư, việc tổ chức bộ máy chống trợ cấp trong nước còn mang tính “tự phát”. Hiện tại, mô hình tổ chức bộ máy của Việt Nam khá đơn giản, tổ chức dưới hình thức một cơ quan điều tra đóng vai trò làm đầu mối chung là Bộ Công Thương. Điều này cho thấy, bộ máy hiện nay mới chỉ dừng lại ở yêu cầu hội nhập chứ chưa thực sự xuất phát từ yêu cầu thực tế nên nhận thức về áp dụng thuế chống trợ cấp còn chưa sâu, thiếu tính chuyên môn và tầm quốc tế.
Thứ năm, nguồn thu từ thuế chống trợ cấp thấp trong khi chi phí đầu tư cho công tác này lại cao. Theo nhận định của TS. Nguyễn Thanh Hải, Trường Đại học Thương mại, để áp dụng thuế chống trợ cấp, Chính phủ phải tiến hành điều tra trong nước và ngoài nước xác định đầy đủ điều kiện theo quy định, khi đã đánh thuế cần phải tổ chức công tác quản lý thuế và sau 5 năm lại tiến hành rà soát lại việc đánh thuế chống trợ cấp. Những công việc trên đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn trong khi nguồn thu từ việc đánh thuế thường không nhiều. Đó là chưa kể việc áp dụng thuế chống trợ cấp cũng đòi hỏi phải đầu tư một chi phí đáng kể vào các trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ điều tra, thu thuế.

Những việc cần làm ngay

Những đặc điểm về áp dụng thuế chống trợ cấp thời gian qua cho thấy, thuế chống trợ cấp thường được áp dụng đối với những mặt hàng có hàm lượng công nghệ không cao, trong khi kim ngạch nhập khẩu Việt Nam chủ yếu là máy móc, thiết bị và nguyên liệu đầu vào thì nhu cầu áp dụng thuế chống trợ cấp cũng chưa cao. Tuy nhiên, thời gian tới, có thể sẽ có khá nhiều mặt hàng nhập khẩu vào Việt Nam có thể được nước ngoài trợ cấp như: Sắt, thép, ngành đóng tàu, các sản phẩm công nghệ cao (máy bay, công nghệ thông tin…) và gạo. Do vậy, ngay từ bây giờ chúng ta phải nghĩ đến việc áp dụng thuế chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Đặc biệt, trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế trong nước hiện nay, việc bảo hộ sẽ giúp ích rất nhiều cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp trong nước, bảo vệ những người lao động khỏi nguy cơ mất việc làm. Để làm được điều này, một số việc cần ngay trong thời gian tới:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến luật thuế chống trợ cấp. Theo đó, đã đến lúc nâng Pháp lệnh về thuế chống trợ cấp hàng hoá nhập khẩu thành Luật về chống trợ cấp hàng hóa nhập nhẩu. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng các văn bản pháp luật phụ trợ đồng bộ cho việc áp dụng loại thuế này, trong đó quan trọng nhất là quy định về xuất xứ hàng hoá. Một số chuyên gia cho rằng, thuế chống trợ cấp được đánh theo nguồn cụ thể và chỉ hàng hoá có xuất xứ từ một nước nhất định mới bị đánh thuế chống trợ cấp. Vì vậy, trước hết cần có quy tắc xuất xứ rõ ràng để xác định đúng đối tượng chịu thuế chống trợ cấp. Việc ban hành và áp dụng pháp luật về thuế chống trợ cấp phải tuân thủ tuyệt đối các quy định tại Hiệp định SCM của WTO để tránh tranh chấp với các đối tác thương mại trong quá trình thực thi…
Thứ hai, cần hoàn thiện cơ cấu bộ máy thực thi. Hiện tại, bộ máy thực thi hiện tại từ giai đoạn nhận hồ sơ, điều tra, trình kết quả điều tra (Cục Quản lý cạnh tranh), giai đoạn xem xét, nghiên cứu kết quả điều tra (Hội đồng xử lý vụ việc chống trợ cấp) cho đến ra quyết định áp dụng biện pháp chống trợ cấp (Bộ trưởng Bộ Công Thương) đều thuộc Bộ Công Thương. Nhiều ý kiến cho rằng, cách tổ chức này tuy đơn giản, tiết kiệm ngân sách song không tránh khỏi sự chủ quan, duy ý chí, hoặc “lợi ích nhóm” trong việc điều tra và ra quyết định cuối cùng. Trong khi đó, khi quyết định đánh thuế được đưa ra thì không những có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của toàn xã hội mà còn ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại quốc gia. Do vậy, trong tương lai gần, sẽ cần một mô hình tổ chức bộ máy thực thi chuyên môn sâu hơn, khách quan hơn.
Thứ ba, nâng cao nhận thức của Doanh nghiệp và trình độ nguồn nhân lực về luật thuế chống trợ cấp. Các cơ quan liên quan cần mở các lớp tập huấn để cộng đồng Doanh nghiệp hiểu hơn về thuế chống trợ cấp và cách thức tiến hành vụ kiện ra sao. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng đào tạo nguồn nhân lực ở nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến việc áp dụng thuế này. Ngoài ra, theo một số chuyên gia, Doanh nghiệp cũng cần chủ động tuyển chọn và đào tạo đội ngũ nhân lực có hiểu biết pháp luật chống trợ cấp trong nước và nước ngoài, có trình độ để đảm bảo chế độ ghi chép kế toán rõ ràng, tuân thủ các tiêu chuẩn kế toán quốc tế để các số liệu của Doanh nghiệp được cơ quan điều tra chấp nhận sử dụng khi tiến hành điều tra việc trợ cấp của chính phủ nước ngoài đối với hàng nhập khẩu…

Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp

Khi cho rằng lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại bởi hàng hóa được trợ cấp nhập khẩu vào Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài, các cá nhân, tổ chức Việt Nam có thể nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp lên Cục Quản lý cạnh tranh. Hồ sơ bao gồm:
>>> Đơn yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp (Nội dung đơn được quy định chi tiết tại Điều 19 của Nghị định 89/2005/NĐ-CP).
>>> Các tài liệu, thông tin liên quan khác mà tổ chức, cá nhân yêu cầu áp dụng biện pháp chống trợ cấp cho là cần thiết.
Vụ việc áp dụng biện pháp chống trợ cấp do Cục Quản lý cạnh tranh và Hội đồng xử lý vụ việc chống trợ cấp tiến hành. Thời hạn và thủ tục chi tiết của từng giai đoạn được quy định cụ thể trong Pháp lệnh chống trợ cấp và Nghị định 89/2005/NĐ-CP.

Theo Tạp chí tài chính

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không