Kiến thức Đãi ngộ Bí quyết tồn tại hơn 30 năm chỉ với 52 nhân viên...

Bí quyết tồn tại hơn 30 năm chỉ với 52 nhân viên của hãng dệt Nhật Bản tí hon chuyên bán vải cho đại gia Louis Vuitton

7
Hãng dệt Nhật Bản Daiichi Orimoni dù nhỏ bé nhưng danh sách khách hàng của họ lại khiến ai cũng choáng ngợp với những thương hiệu thời trang đình đám như Louis Vuitton của Pháp hay Moncler của Ý.

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Chỉ có 52 nhân viên với vốn hóa vỏn vẹn 20 triệu yen (khoảng 180.000 USD), một hãng dệt may của Nhật Bản mang tên Daiichi Orimoni dù nhỏ bé nhưng danh sách khách hàng của họ lại khiến ai cũng choáng ngợp với những thương hiệu thời trang đình đám như Louis Vuitton của Pháp hay Moncler của Ý.

Hầu như ngày nào đại diện của những thương hiệu thời trang lớn đều ghé thăm nhà máy của Daiichi Orimono ở Fukui, tỉnh Fukui, nằm ở phía bắc Kyoto, Nhật Bản để bàn chuyện kinh doanh và xem những sản phẩm mới nhất mà công ty này cung cấp. Khi bước vào bên trong, họ được chào đón bởi hàng tá những chiếc máy dệt xếp gọn gàng với tiếng dệt vải ồn ào quanh đó.

Daiichi Orimoni được xem là một hiện tượng “dị thường” bởi nó có thể sống sót qua thời kỳ khó khăn của ngành công nghiệp dệt may Nhật Bản và thậm chí xây dựng được vị thế vững chắc trên thị trường may mặc toàn cầu.

Sản phẩm chính của Daiichi Orimono là loại vải polyester tổng hợp dày, siêu bền và không thấm nước. Rõ ràng, chất lượng hảo hạng là yếu tố giúp công ty thu hút những khách hàng VIP. Tuy nhiên, theo ông Ryuji Yoshioka – Chủ tịch Daiichi Orimono, điều khiến các nhãn hàng thời trang xa xỉ thích nhất là cảm giác qua mỗi lần chạm của loại vải do công ty sản xuất.

Một trong những loại vải nổi tiếng nhất của Daiichi Orimono là polyester 100% nhưng mang lại cảm giác như vải lanh. Một sản phẩm đình đám khác là polyester nhưng lại có cảm giác như cotton.

Yêu cầu trình độ thủ công điêu luyện

Quá trình dệt vải nhìn có vẻ dễ nhưng trên thực tế nó yêu cầu công nhân phải có trình độ thủ công rất cao. Mỗi loại vải có quy trình dệt khác nhau và được điều chỉnh bằng tay để có lực dệt phù hợp nhất. Chính nhờ quy trình thủ công như vậy mà công ty tạo ra được loại vải tốt nhất và khiến nhiều thương hiệu lớn đổ xô tới đặt hàng.

Thậm chí khi sản xuất ra một loại vải dù ban đầu không bán chạy nhưng công ty vẫn lưu giữ lại trong kho. Lý do là bởi kinh nghiệm của công ty cho thấy, thời trang quay vòng rất nhanh và nó có thể sớm trở thành sản phẩm được săn lùng.

Những loại vải của Daiichi Orimoni “không phổ biến lắm trong lần đầu tiên được ra mắt trên thị trường. Tôi nhớ có người còn nói mỉa mai rằng: Ai sẽ sử dụng loại vải như thế này chứ? Nhưng sau đó các sản phẩm của công ty vô cùng được yêu thích và người này đã phải tới xin lỗi tôi”, chủ tịch Ryuji nhớ lại.

Yoshioka tiếp quản công ty từ cha mình từ 35 năm trước khi công ty vẫn còn là đơn vị thầu cho hãng dệt Teijin.

Tỉnh Fukui vốn là một trong những trung tâm dệt may lớn bậc nhất tại Nhật Bản. Các công ty ở đây chịu sự cạnh tranh lớn với những đối thủ tới từ Trung Quốc – những hãng đang đẩy nhanh việc cải thiện chất lượng sản phẩm. Để giúp mình trở nên khác biệt, Daiichi Orimono và nhiều hãng khác trong nước đã quyết định tập trung vào tính năng của sản phẩm. Với họ, sinh tồn nghĩa là tăng cường và mở rộng ứng dụng cho các sản phẩm của họ bên ngoài lĩnh vực quần áo ra cả dụng cụ thể thao và vật liệu công nghiệp.

Bước đi đầu tiên của Daiichi Orimoni là sản xuất ra loại vải cao cấp dùng trên du thuyền. Tuy nhiên khi bong bóng kinh tế Nhật Bản vỡ, nhu cầu đã giảm đáng kể.

Yoshioka chia sẻ: “Hàng dệt tổng hợp chất lượng cao rất dễ sản xuất nếu sẵn sàng chi nhiều tiền cho những thiết bị tối tân. Chúng tôi nhận ra rằng nếu cứ cố gắng chạy theo tiêu chí đó để cạnh tranh với các công ty Trung Quốc – những đơn vị vốn dẫn đầu về vấn đề này thì chúng tôi chắc chắn sẽ thua cuộc”.

Vì vậy, trong khi những đối thủ trong nước của Daiichi Orimono tỏ ra lép vế, Yoshioka đã quyết định hành động. Công ty của ông quyết định tập trung vào loại vải cho cảm giác như chạm vào da người Dicros được phát triển vào năm 1996.

Bỏ qua khâu trung gian

Ngoài sản phẩm, điều khiến Daiichi Orimono trở nên khác biệt là họ bán sản phẩm trực tiếp cho những khách hàng ở nước ngoài, chiếm khoảng 70% doanh thu toàn công ty. Trong khi đó, đa số các công ty có cùng quy mô với Daiichi Orimono thường ủy thác cho một đơn vị trung gian bán sản phẩm của họ ở nước ngoài.

Sau khi phát triển thành công Dicros, Yoshioka muốn tấn công thị trường châu Âu và một số nơi khác trong bối cảnh thị trường Nhật Bản có dấu hiệu suy yếu. Tuy nhiên, “khi đó thị trường vải sợi tổng hợp dùng trong thời trang gần như không tồn tại”, Yoshioka nói. Khi ông ngỏ lời muốn các đơn vị trung gian bán sản phẩm của công ty ở nước ngoài, họ đã từ chối bởi cho rằng chúng “quá đắt”.

Tuy nhiên không lùi bước, ông vẫn cặm cụi tới Hàn Quốc và các nước châu Âu, tự mình đàm phán với các hãng quần áo địa phương và công ty phân phối tại đây. Điều này đã tạo ra nền móng mạng lưới bán hàng quốc tế cho công ty.

“Thời điểm đó, không một công ty nào khác tại Fukui làm việc này. Họ còn nghĩ tôi đang đi nghỉ dưỡng”.

Thời điểm lựa chọn của ông cũng rất hoàn hảo. Lúc Yoshioka đang xây dựng mạng lưới bán hàng ở nước ngoài cũng là lúc các thương hiệu quần áo cao cấp bắt đầu để mắt tới loại vải tổng hợp vốn chỉ được dùng trong sản phẩm thể thao và đồ dùng ngoài trời. Ngày nay, các khách hàng gọi tới Daiichi Orimono tới tấp do nhu cầu loại vải tổng hợp siêu nhẹ ngày càng lớn.

Các hãng quần áo Nhật Bản từng chê sản phẩm của Daiichi do giá cao hiện cũng thường xuyên ghé thăm nhà máy ở Fukui.

Kể từ năm 2014, Daiichi Orimoni đi đầu trong việc tham gia vào phát triển vải tổng hợp cao cấp và mở ra các thị trường mới bằng việc hợp tác với các doanh nghiệp vải trong khu vực Hokuriku của tỉnh Fukui. Công ty tự hào đưa sản phẩm “made in Hokuriku” ra khắp thế giới và hy vọng phục hồi lại ngành công nghiệp vải sợi vốn rất hưng thịnh của Nhật Bản.

Theo trí thức trẻ

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không