1. Lối sống năng động, làm việc năng nổ
Trong suy nghĩ của không ít người, hạnh phúc là từ để chỉ những người có lối sống chậm rãi, từ tốn và thường không mấy màng sự đời. Tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiếu đi đam mê, thiếu đi mục đích sống và làm việc, con người ta sẽ cảm thấy lạc lõng và chẳng thể nào hài lòng với cuộc sống. Thay vào đó, những người có lối sống tích cực, yêu công việc lại chính là những người hạnh phúc nhất.
Bí quyết ở đây chính là việc bạn cần phải cân bằng công việc và cuộc sống. Làm việc quá nhiều sẽ khiến bạn căng thẳng, nhưng không làm gì hay làm việc mà không có đam mê sẽ khiến bạn buồn chán.
2. Thường xuyên liên lạc với ít nhất 5 người thân, bạn bè
Đại học Harvard đã tiến hành một nghiên cứu kéo dài tới 75 năm trên hai nhóm nam giới và giờ là con của họ để tìm hiểu những trải nghiệm thời thơ ấu sẽ tác động ra sao tới sức khỏe và cuộc sống của họ. Trưởng nhóm nghiên cứu, ông Robert Waldinger cho biết thông điệp rõ ràng nhất của cuộc nghiên cứu chính là: “Những mối quan hệ tốt sẽ khiến cho người ta khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn”.
Trung bình mỗi người cần khoảng 5 mối quan hệ như vậy, tuy nhiên nhiều hơn hay ít hơn 5 không phải là vấn đề bởi chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng.
3. Tự tin
Hạnh phúc khởi nguồn từ chính con người bạn chứ không phải do ai hay bất cứ điều gì tạo nên. Nếu hạnh phúc của bạn gắn liền với những yếu tố bên ngoài, nó sẽ rất không bền vững. Ví dụ như khi đạt điểm tốt ở trường học bạn sẽ rất vui vẻ, nhưng nếu ngược lại tâm trạng bạn sẽ tụt dốc không phanh. Do vậy, bạn cần hiểu rõ con người mình, bạn là duy nhất và bạn biết giá trị của mình nằm ở đâu. Hãy tự hào vì bạn là chính bạn.
4. Tập thể dục đều đặn
Khi bạn bắt đầu tập thể dục, não bộ sẽ ghi nhận tín hiệu như đang phải đối mặt với sự căng thẳng. Do vậy, để bảo vệ cơ thể não bộ sẽ sản sinh ra một chất protein được gọi là BDNF. Đây là hợp chất có tác dụng bảo vệ và khôi phục tế bào thần kinh và đóng vai trò như chất xúc tác tái khởi động não bộ. Cùng lúc đó, cơ thể sẽ giải phóng ra chất endorphins chống lại căng thẳng. Đó chính là lý do bạn cảm thấy thoải mái và sáng suốt hơn sau khi chơi thể thao.
5. Chấp nhận một chút “khó chịu”
Các nghiên cứu đều thống nhất rằng những người hạnh phúc đều sở hữu một “điểm mạnh nổi trội”. Điều đó có nghĩa họ rất thành thạo một kĩ năng / một vấn đề nào đó. Và để có thể đạt tới mức “thành thạo” trong bất cứ lĩnh vực nào đều không phải là dễ dàng. Quá trình luyện tập và tích lũy kinh nghiệm chắc chắn là có chút không thoải mái. Tuy nhiên lợi ích của việc trở nên “hoàn hảo” ở một khía cạnh nào đó sẽ đánh bại mọi “khó chịu” nhất thời.
6. Chi tiền cho những trải nghiệm chứ không phải vật chất
Giáo sư Thomas Gilovich tới từ đại học Corell cho hay mức độ hạnh phúc cơ thể chúng ta tiếp nhận khi mua một món đồ ưa thích và khi đi du lịch là như nhau. Tuy nhiên, trong khi sự thỏa mãn khi sở hữu món đồ bất kỳ sẽ suy giảm nhanh chóng theo thời gian thì những ký ức khi đi du lịch lại là chất xúc tác khiến khiến bạn cảm thấy hạnh phúc hơn.
7. Chấp nhận mọi cảm xúc, kể cả tiêu cực
Bản năng của chúng ta là chạy trốn khỏi những vấn đề gây căng thẳng, đau buồn hay lo lắng; tuy nhiên trên thực tế, hành động này sẽ mang tới cho bạn nhiều rắc rối hơn là bạn tưởng. Chạy trốn khỏi chính cảm xúc của mình sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp trái lại nó có thể dẫn bạn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn.
Mọi vấn đề đều có hai mặt và cảm xúc cũng vậy. Bạn không nên trốn tránh một phần tất yếu của cuộc sống. Hãy mở lòng với chính mình, đón nhận những cảm xúc đau đớn nhất để hiểu hơn về chính mình.
Theo trí thức trẻ