Kiến thức Marketing Khi thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0

Khi thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0

14
Điều buồn nhất là khi hãng phim “đổi chủ” thì cũng đổi tên hãng bởi “thương hiệu” của hãng có giá bằng “0”…

Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt Nam

Ảnh minh họa

Nên Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 sẽ diễn ra vào tháng 11.2017 có lẽ là sự ngậm ngùi với những ai đã từng gắn bó với Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) hơn 60 năm nay vì không có phim tham dự và không cả tư cách tham dự vì hãng đã bị “mất” tên.

Kỳ 1: Nỗi cay đắng của nghệ sĩ

Đi làm phải chấm công như công nhân làm ca, nghệ sĩ phản ứng những bất hợp lý và tiền lương thấp thì bị kỷ luật… Đó là thực tế đang xảy ra với các nghệ sĩ điện ảnh thuộc Hãng Phim truyện VN sau khi cổ phần hóa, trở thành “Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam”.

Hãng Phim truyện VN mất tên

Việc cổ phần hóa VFS là một tất yếu theo lộ trình đã định. Nhưng việc VFS “rơi” vào tay một ông chủ xa lạ với ngành điện ảnh – nhà đầu tư chiến lược, Tổng Công ty Vận tải thủy (Vivaso) là chuyện “lạ”. Khi Vivaso chỉ phải bỏ 32,5 tỉ đồng đã có thể nắm giữ 65% cổ phần trong Hãng. Số 20% cổ phần còn lại do Nhà nước nắm giữ, còn 4,5% do cán bộ, công nhân viên VFS nắm giữ và đấu giá công khai 10,5%.

Việc cổ phần hóa còn nhiều vấn đề chưa minh bạch trong quá trình định giá, đặc biệt là “thương hiệu” của VFS bị tính giá trị bằng 0 – nghĩa là chẳng có giá trị gì. Việc này như một cú đánh mạnh vào cảm xúc, danh dự, uy tín, sự hy sinh và những thành quả đóng góp của VFS với lịch sử điện ảnh cách mạng VN hơn 60 năm qua, đồng thời như một sự xúc phạm tinh thần với những người đã gắn bó với VFS qua các thời kỳ từ thuở sơ khai đến ngày hôm nay.

VFS đã hoàn tất việc cổ phần hoá, tiến hành đại hội cổ đông lần thứ nhất vào ngày 20.5.2017 để bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Tên mới là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam.

Ngày 29.6.2017, Công ty ra thông báo việc đổi tên, lãnh đạo mới, con dấu mới tính từ ngày 23.6.2017, chấm dứt hoàn toàn cái tên lịch sử “vang bóng một thời” Hãng Phim truyện Việt Nam – VFS.

Sau khi trở thành “Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam”, các nghệ sĩ điện ảnh còn phải chịu nhiều sự ngậm ngùi khác. Đi làm phải chấm công 8 giờ/ngày như công nhân làm ca, không được đi cửa trước mà phải đi cửa sau và lương thấp nhất chỉ còn 540.000 đồng/tháng… Nhiều nghệ sĩ đã phản đối những bất hợp lý đó với Hội đồng quản trị Cty. NSƯT Vũ Quốc Tuấn phản ứng chuyện tiền lương và đóng cổng thì bị kỷ luật…

Mặt tiền Hãng phim truyện VN và bảng tiền lương tháng 7.2017 (nhưng ghi nhầm là tháng 6.2017). Nguồn ảnh: FB của VFS và FB NSƯT Vũ Quốc Tuấn.

Vì sao “thương hiệu” VFS chỉ có giá bằng 0?

VFS là Hãng Phim nhà nước đầu tiên và lớn nhất được thành lập từ năm 1953, thuộc Bộ VHTTDL, năm 1959 sản xuất phim truyện điện ảnh đầu tiên, cho đến nay đã sản xuất trên 300 phim truyện điện ảnh, phim nghệ thuật và phim tài liệu.

Ngày 29.6.2010, Bộ VHTTDL ra Quyết định số 2238/QĐ-BVHTTDL phê duyệt phương án chuyển đổi VFS thành Cty TNHH một thành viên Hãng Phim truyện VN.

Nhưng từ khi không còn được Nhà nước bao cấp 100% và chuyển sang mô hình Cty TNHH thì cũng là lúc VFS gặp nhiều khó khăn chồng chất. Trước đó, VFS đã rơi vào tình trạng thua lỗ triền miên, phim sản xuất ít, 1 năm chỉ từ 1-3 phim là tối đa, thường chỉ làm theo đặt hàng của Nhà nước, các phim ra rạp doanh thu thấp, gần như chỉ chiếu phục vụ miễn phí nhân dịp lễ lạt, kỷ niệm hay sự kiện văn hóa quốc gia.

Theo báo cáo, xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, VFS có khoản lỗ lũy kế lên tới 39,6 tỉ đồng, chủ yếu do các bộ phim làm theo đơn đặt hàng của Nhà nước (trong giai đoạn 2004-2014 lỗ 34,3 tỉ đồng), Cty còn nợ tiền thuê đất 5,7 tỉ đồng… Trụ sở VFS số 4 Thụy Khuê, hạ tầng cơ sở ngày càng xuống cấp, hư hỏng và bỏ hoang nhiều diện tích không sử dụng đúng mục đích. Nhân sự của hãng phim hoạt động cầm chừng cho có, còn phần lớn tùy theo từng chuyên môn nghề mà đi “đánh thuê” cho các hãng phim khác hay bỏ làm công việc không liên quan phim ảnh.

Khi VFS chuyển thành Cty TNHH, là một hình thức hoạt động sản xuất theo kinh tế thị trường, lấy doanh thu làm thước đo giá trị của “thương hiệu”, và nuôi sống cũng như phát triển hãng phim, thì cũng là lúc nhận thấy nhiều vấn đề tồn tại gần như rất khó điều chỉnh cho phù hợp với mô hình mới.

VFS có lẽ vì “sống” bằng sự chu cấp, bảo bọc, nâng đỡ, và nhiều ưu đãi của Nhà nước suốt hơn nửa thế kỷ, nên đã lệ thuộc và lập tức chới với… VFS hầu như chưa chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chỉ trông chờ vào nguồn đặt hàng của Nhà nước.

Tính từ khi chuyển đổi thành Cty TNHH, trong 5 năm từ 2010-2015, VFS dần đánh mất vị thế của mình không chỉ qua việc phim ra rạp doanh thu thấp dù cố làm phim thị trường theo trào lưu, mà ngay cả chất lượng phim nghệ thuật cũng không được đánh giá cao qua các cuộc “đua” mang phim ra đấu trường quốc tế. Ngay cả việc tranh đua nội bộ qua hai giải thường kỳ là Cánh Diều và Liên hoan Phim VN (Bông sen Vàng) thì VFS cũng không thành công… Hai năm 2015-2017, khi VFS tiến hành cổ phần hóa, thì xem như VFS “đầu hàng” số phận, gần như không có phim được sản xuất.

Và “thương hiệu” của VFS đã được định giá bằng 0, theo tổ tư vấn của Bộ VHTTDL và đại diện hãng – Giám đốc VFS – ông Vương Đức… Chính vì thế mới dẫn đến lá đơn kiến nghị tập thể của nhiều NSND, NSƯT của hãng, dẫn đến cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ VHTTDL dạo nào…

Vì giá trị thương hiệu của VFS không thể tính một cách lạnh lùng như con buôn được!

Theo Lao dong

Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không