Bản thân mỗi người luôn có xu hướng nhóm các thói quen thành hai nhóm rõ ràng: thói quen xấu và thói quen tốt. Nghe có vẻ kì lạ nhưng chúng ta lại không hề biết rằng một số thói quen xấu lại giúp ích cho bản thân chúng ta. Tin hay không, dưới đây là những minh chứng rõ ràng nhất.
1. Trì hoãn: Trong một xã hội hiện đại luôn thúc đẩy chúng ta phải tăng tốc, phải đa nhiệm, hẳn ai ai cũng cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng. Đôi khi, điều tốt nhất mà chúng ta nên làm cho chính mình là dừng mọi việc lại, lấy lại thời gian để chăm sóc cho bản thân và đừng quên là không phải việc gì cũng khẩn cấp như vậy
2. Buồn chán: Hầu hết mọi người không thể chịu đựng được sự nhàm chán, buồn tẻ. Nhưng khoa học đã chứng minh, buồn chán có thể giúp ích cho tư duy sáng tạo. Buồn chán buộc chúng ta cần những khoảng không gian riêng, tĩnh lặng để suy nghĩ và biến những vấn đề cũ thành các giải pháp sáng tạo.
3. Từ chối: Có thể chúng ta được dạy rằng nói không là một hành động ích kỉ. Nhưng ngược lại, đồng ý với mọi thứ có thể khiến chúng ta phải ôm một đống việc, dẫn tới làm việc quá sức, mệt mỏi, kiệt sức và đâm ra cáu giận. Học cách nói từ chối với những việc không quan trọng sẽ giúp bản thân chúng ta có thêm thời gian tập trung vào những việc quan trọng nhất.
4. Làm ít hơn: Không ít người không muốn nghĩ đến ngày hôm sau, tỉnh dậy là phải đi làm, nên nhiều khi nghĩ lại, chúng ta sẽ cảm thấy ngoài công việc, bản thân chẳng còn quan tâm đến thứ gì khác nữa. Vì vậy, hãy giải thoát cho trí não đi, làm ít việc hơn và bạn sẽ thấy ngoài 8 tiếng làm việc ở văn phòng, bạn còn muốn học thêm một chút về đàn piano thì sao!
5. Ngắt liên lạc: Ngay cả khi bạn nói không, trì hoãn công việc hay làm ít hơn thì bạn cũng không thể sạc đầy năng lượng cho bản thân nếu vẫn còn ngồi ì cặm cụi làm hết việc trong to-do list. Tốt nhất là bạn nên ngắt hẳn liên lạc, dành thời gian để chơi một vài bài nhạc hay vẽ tranh, đọc sách, đi bộ trong rừng.
6. Nóng nảy: Chúng ta được khuyên là không nên mất bình tĩnh, vì khi đó bản thân sẽ không kiểm soát được hành động và lời nói. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng tốt, thay vì vậy, tùy thuộc vào tình huống, bạn có thể xả hết cơn giận để bản thân lấy lại bình tĩnh, tinh thần sảng khoái để quay trở lại làm việc. Đừng im lặng và nén hết tức giận vào trong, vì có thể một khi “chiếc bình tức giận” quá đầy sẽ có thể nổ bất cứ lúc nào không hay.
7. Mơ mộng: Nhiều người nghĩ mơ mộng viển vông là vô ích, là lời ngụy biện cho sự lười biếng nhưng để cho tâm trí thảnh thơi sẽ giúp bạn thực hiện được những việc tốt nhất cho chính mình. Mơ mộng giúp bạn tăng cường khả năng hiểu và giải quyết vấn đề nhanh chóng hơn.
8. Bừa bộn: Bàn làm việc gọn gàng, sạch sẽ dễ khiến chúng ta có cảm giác thoải mái làm việc. Nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra bừa bộn, lộn xộn có thể tăng hiệu quả cho công việc, đặc biệt những công việc liên quan đến sáng tạo.
9. Ngọ nguậy: Có thể nhiều người cho rằng không thể ngồi yên khi làm việc được xếp vào danh sách thói quen xấu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lắc lư ghế ngồi, chân đung đưa hay tay đánh nhịp trên mặt bàn có ích trong việc tăng cường trao đổi chất và đóng vai trò tích cực trong việc tập thể dục tại chỗ.
10. Ngủ nướng: Những người thích ngủ thường được cho rằng là lười biếng, không năng động. Thực tế, nhiều người không ngủ đủ giấc trong một tuần và cố gắng ngủ bù vào cuối tuần. Nên nhớ, ngủ không đủ lại liên quan nhiều đến vấn đề sức khỏe, từ tăng cân đến bệnh đột quỵ nguy hiểm.
Vì vậy, đừng lo ngại về những thói quen xấu của bản thân mình nhé!
Theo trí thức trẻ