Kiến thức Tài chính kế toán Đại hội cổ đông công ty cần có sự góp mặt của...

Đại hội cổ đông công ty cần có sự góp mặt của kiểm toán viên

116
Phần mềm kế toán MISA SME – 27 năm số 1 Việt NamỦy ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang lấy ý kiến các bộ ngành cho thông tư hướng dẫn về quản trị công ty đại chúng. Trong đó, đối với các công ty đại chúng quy mô lớn, nếu trong báo cáo tài chính có các điểm ngoại trừ trọng yếu thì kiểm toán viên độc lập phải có mặt tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của công ty để giải trình về các điểm ngoại trừ.
Đây là một điểm mới chưa từng được đề cập trước đây, ông Bùi Hoàng Hải, Phó trưởng ban quản lý niêm yết của UBCKNN nói. Theo dự thảo thông tư, công ty đại chúng quy mô lớn là công ty có vốn điều lệ thực góp từ 120 tỉ đồng trở lên và có số lượng cổ đông không thấp hơn 300 cổ đông.
Ông Hải cho biết, theo góp ý của các chuyên gia nước ngoài, vấn đề nói trên rất quan trọng và nên áp dụng cho tất cả các công ty đại chúng chứ không chỉ cho riêng các công ty có quy mô lớn như trong dự thảo.
Tuy nhiên, hiện Việt Nam có khoảng 1.600 công ty đại chúng và việc tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông diễn ra tập trung từ tháng 3 đến tháng 5 trong khi số lượng kiểm toán viên độc lập còn rất ít, nên các kiểm toán viên không thể cùng lúc có mặt tại nhiều công ty được. Vì thế, bước đầu UBCKNN cân nhắc chỉ áp dụng quy định này với các công ty lớn, ông Hải nói.
Ông Hải cũng cho biết điểm mới của dự thảo thông tư này là phạm vi áp dụng không chỉ cho các công ty niêm yết mà cả công ty đại chúng, vì hiện nay nhiều ngân hàng cổ phần có rất nhiều cổ đông cá nhân nhưng chưa được điều chỉnh bởi các quy chế về quản trị công ty. Thông tư này dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 7.
Dự thảo thông tư mới cũng yêu cầu cao hơn về minh bạch thông tin khi yêu cầu các công ty phải công bố thông tin về thu nhập, sơ yếu lý lịch, quan hệ, kể cả thu nhập và quyền lợi của các thành viên HĐQT, ban giám đốc từ các công ty con của doanh nghiệp. “Hiện thành viên HĐQT nhiều công ty báo cáo không có thu nhập cao từ chính công ty đó nhưng lại có nguồn thu rất lớn từ công ty con của công ty đó mà không hề báo cáo. Các chi tiết này sẽ buộc phải báo cáo theo dự thảo thông tư mới”, ông Hải nói.
Bà Anne Molyneux, Giám đốc CS International – một hãng tư vấn toàn cầu, và cũng là chuyên gia quốc tế về quản trị công ty, cho biết quản trị công ty không phải là tất cả nhưng là một phần được xem xét khi nhà đầu tư nước ngoài quyết định đầu tư vào một công ty.
“Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh với các quốc gia khác trong việc thu hút vốn đầu tư dài hạn từ nước ngoài, và cải thiện tốt việc quản trị công ty sẽ đóng góp tốt hơn trong việc cạnh tranh này”, bà Molyneux nói.
Đánh giá bài viết
[Tổng số: 0 Trung bình: 0]
Bài viết này hữu ích chứ?
Không